Tin đồn chỉ là nhất thời

(ĐTTCO)-Phiên ngày 9-8, sau tin đồn liên quan đến cựu lãnh đạo một ngân hàng (NH)lớn, TTCK đã có một phiên lao dốc mạnh nhất trong vòng 20 tháng qua từ mức hơn 791 điểm giảm gần 18 điểm xuống còn hơn 773 điểm.
Tin đồn chỉ là nhất thời
Vốn hóa của TTCK trong phiên này cũng “bốc hơi” 2 tỷ USD, và tất nhiên tài khoản của nhiều NĐT cũng bị thua lỗ.
Căng thẳng khi đỉnh cao dễ bị lao dốc
Ngay sau tin đồn này xuất hiện, đã có những thông tin kiểm chứng đây chỉ là thông tin thất thiệt. Thất thiệt nhưng tiền mất lại là… thiệt. Một lần nữa vấn đề tin đồn và cách hành xử với tin đồn lại được đem ra mổ xẻ. Thời điểm tin đồn xuất hiện, VN Index đang ở ngưỡng trên 790 điểm, sau nhiều phiên tăng cực kỳ thuyết phục và việc chinh phục mốc 800 điểm rất khả thi.
Thị trường đang được hỗ trợ một cách tích cực khi phần lớn các doanh nghiệp niêm yết công bố KQKD quý II cũng như nửa đầu năm 2017 tương đối khả quan. Bên cạnh đó, nhóm CP NH những ngày gần đây cũng đóng vai trò dẫn dắt thị trường khi chỉ cần 2-3 CP trong nhóm này tăng giá tầm 3-4%, có thể đẩy VN Index tăng khoảng 5 điểm. 
Bên cạnh CP NH, 1 tháng qua SAB trở thành trụ cột quan trọng của thị trường khi đã tăng mạnh từ 21.0 lên 25.3, thậm chí có lúc lên 26.0. Chỉ cần một phiên SAB tăng mạnh trong khi các CP khác đứng giá VN Index lại leo cao. Những diễn biến này chỉ ra rằng chỉ cần một nhóm CP có vốn hóa lớn và 1 CP trụ cột thể hiện vai trò của mình thị trường lại tiếp tục tăng. 
Trở lại với phiên 9-8, ngoài nhóm CP NH giảm mạnh, SAB cũng là nguyên nhân quan trọng khiến VN Index lao dốc khi giảm đến 11.000 đồng trên mỗi CP để từ 253.000 đồng/CP giảm về còn 242.000 đồng/CP. Tin đồn liên quan đến cựu lãnh đạo NH, nhưng lại có thể ảnh hưởng đến cả… CP bia, liệu có hợp lý hay không? Định lượng và cả định tính những ảnh hưởng này không đơn giản, nhưng vấn đề thực sự chưa rõ ràng lại ảnh hưởng lan rộng như vậy thì thật sự rủi ro và đáng suy nghĩ. 
Dường như việc thị trường liên tục chinh phục đỉnh cao đã tạo ra những sự căng thẳng nhất định trong hành động và tâm lý của NĐT. Đừng nghĩ rằng chỉ khi thua lỗ NĐT mới căng thẳng, ngay cả khi thị trường thuận lợi, CP đang giữ tăng giá, NĐT vẫn có thể “đau đầu” nhưng với một cách dễ chịu hơn.
“Rõ ràng thị trường càng lên cao, lực bán ra sẽ càng đều đặn và xu hướng tăng sẽ bị thử thách nghiêm trọng” - Trưởng phòng Phân tích CTCK KIS Bạch An Viễn đã nhận định như vậy tại buổi hội thảo mới nhất của KIS. Áp lực chốt lời lớn, cộng với tâm lý “bán cho chắc” khi tin đồn xuất hiện đã cộng hưởng để tạo ra lực cung hàng hóa cực kỳ lớn tại một số thời điểm. 

Phải chấp nhận “sống chung với lũ”
Cũng trong phiên 9-8, NĐTNN mặc dù mua ròng về mặt khối lượng tại HOSE với 625.550 CP, nhưng lại bán ròng về mặt giá trị với khoảng hơn 17 tỷ đồng. Con số này bắt nguồn từ việc khối ngoại giảm mua trong phiên khi lực bán lại không tăng mạnh.
Nghĩa là các NĐTNN cũng có phần lưỡng lự, hoặc chủ động quan sát trong một phiên mà VN Index đang ở mức cao và giảm mạnh hơn là bị chi phối bởi một tin đồn. Sang đến các phiên kế tiếp khi nguồn hàng giá rẻ xuất hiện trở lại, khối này lại mua vào và điển hình như phiên 11-8, giá trị mua ròng của khối ngoại tại HOSE lên đến hơn 104 tỷ đồng.
Dường như tin đồn nếu có tác động cũng chỉ mang tính chất “kịch tính hóa” cho một xu hướng vận động của thị trường vốn dĩ phải như vậy. Nhưng điều đáng bàn ở đây, hơn 1 năm qua, những phiên giảm giá kiểu như 9-8 không phải là hiếm, chỉ khác nhau về mặt mức độ, để rồi sau đó thị trường lại chinh phục những đỉnh cao hơn.
Thời điểm gần nhất chính là cuối tháng 7, tưởng như không thể chinh phục vùng 780 điểm, VN Index đã điều chỉnh giảm trở lại, có lúc xuống dưới ngưỡng 760 điểm và tình cảnh của thị trường bị chùng xuống. Nhưng cuối cùng, SAB rồi sau đó nhóm CP NH bùng nổ trở lại đã đập tan những lo âu, không những vượt qua 780 điểm một cách dễ dàng mà VN Index còn leo qua cả ngưỡng 790 điểm trước khi các tin đồn xuất hiện. Dựa vào những yếu tố lịch sử VN Index vẫn có thể tiếp tục chinh phục ngưỡng 800 điểm nhưng bằng cách nào và tâm lý NĐT sẽ như thế nào mới là điều đáng phải bàn. 
Xét về mặt điểm số, thị trường hiện nay chỉ cần 1-2 trụ tăng giá là điểm số có thể tăng từ 5-10 điểm, điều này không khó khi hàng mới trên sàn đã và đang xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đó là chưa kể TTCK Việt Nam thời gian qua đã cho thấy khả năng tăng trưởng tích cực, càng lên cao sẽ càng khiến cho một số dòng tiền không thể lưỡng lự, càng về sau lực mua có thể càng gấp gáp hơn, và những CP trụ cột mang tính dẫn dắt sẽ càng được lựa chọn.  
Với riêng NĐT, ưu tiên hàng đầu vẫn phải là chọn đúng được CP có khả năng tăng giá để sinh lãi. Thực tế trong thời gian vừa qua chỉ một số nhóm ngành “hot” trên thị trường, CP có câu chuyện thu hút mới có thể tăng giá tích cực, còn lại chủ yếu đi ngang hoặc tăng nhẹ.
Việc xác định những CP tạm gọi là “ngoài trend” chưa tăng giá hoặc không tăng giá cũng không phải dễ dàng. Chỉ biết một điều chắc chắn là NĐT nếu không có lãi sẽ có thể chán nản và theo chiều hướng thận trọng, dẫn đến các phản ứng có thể thái quá nếu một tin đồn xuất hiện. 
Áp lực của thị trường khi càng lên cao là áp lực phải có lãi chứ không phải thua lỗ. Thậm chí VN Index tăng, nhưng nếu NĐT không thể chọn đúng CP cũng không thể lạc quan. Điều này có thể dẫn đến việc các hoạt động bán ra, mua vào liên tục nhằm tìm kiếm cơ hội, rồi tăng cường sử dụng margin để tăng suất sinh lời. 
Các CTCK cũng cẩn thận hơn khi thị trường tăng, chỉ cần thấy rủi ro là cắt margin, áp lực bán đột ngột cũng có thể xuất hiện. Nói cách khác, thị trường thời gian tới đây có thể tăng về mặt điểm số, nhưng sẽ khó khăn hơn và thách thức lớn nhất cho NĐT là phải chọn đúng CP. 

Các tin khác