Tiền thừa vẫn vay nợ!

(ĐTTCO) - Trong khi nhiều doanh nghiệp chật vật tìm vốn để mở rộng sản xuất, có không ít doanh nghiệp đang sở hữu lượng tiền mặt khủng, và số tiền này được doanh nghiệp gửi ngân hàng.  

Tiền thừa vẫn vay nợ!
Theo thống kê, tính đến 31-12-2018, trên 50 doanh nghiệp niêm yết nắm giữ lượng tiền mặt trị giá trên 1.000 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt tại quỹ, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm (được phân loại là đầu tư tài chính ngắn hạn).
Đặc biệt, có 9 doanh nghiệp nắm trong tay lượng tiền mặt trên 10.000 tỷ đồng, gồm Tổng CTCP Khí Việt Nam (PVGas, mã CK GAS), Tổng CTCP Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX), Tổng CTCP Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM), Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB), CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC), CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, NVL) và Tổng CTCP Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM, VEA).
Danh sách doanh nghiệp sở hữu tiền mặt khủng còn có CTCP Tập đoàn FPT (FPT), Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS), Tổng CTCP Dầu Việt Nam (PVOil, OIL), CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air, VJC), Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN), CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Tuy nhiên, trong danh sách này thiếu vắng tên tuổi quen thuộc là CTCP Tập đoàn Masan (MSN). Nguyên nhân, trong quý IV-2018, doanh nghiệp chủ động trả 12.500 tỷ đồng nợ gốc, giúp làm giảm 34,4% chi phí lãi vay ngân hàng.
Có thể dễ dàng nhận thấy những doanh nghiệp thừa tiền trên đều là những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, từ dầu khí, hàng không, hàng tiêu dùng, bất động sản, cho đến sắt thép. Đây đều là lĩnh vực cần lượng tiền mặt lớn để có thể ngay lập tức đưa vào sản xuất kinh doanh, mua nguyên liệu dự trữ hay các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) khi cần thiết. Đây chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trên luôn duy trì tỷ lệ nợ vay cao, thay vì dùng tiền mặt trả nợ như cách làm của MSN. 
Đơn cử như ACV, dù sở hữu lượng tiền mặt lên đến 24.400 tỷ đồng, nhưng nợ vay lên đến 15.000 tỷ đồng. Hay GAS đang giữ lượng tiền mặt lên đến 28.300 tỷ đồng nhưng nợ vay đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Để không lãng phí lượng tiền mặt này, giải pháp hữu hiệu được các doanh nghiệp lựa chọn là gửi ngân hàng. Theo thống kê, GAS ghi nhận lãi từ tiền gửi cao nhất hiện tại với 1.444 tỷ đồng trong năm 2018. Cũng trong năm 2018, VIC thu về 2.000 tỷ đồng, ACV thu về 1.300 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng. 
Thực tế những doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt có tài chính vững mạnh và có tiềm năng tăng giá nhờ những khoản chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Thực tế, những doanh nghiệp này thường rất hào phóng trong các quyết định chi trả cổ tức tiền mặt. Đơn cử trong năm 2018, GAS dẫn đầu về số tiền chi trả cổ tức với 7.866 tỷ đồng. Xếp sau là VNM 7.256 tỷ đồng, ACV 1.955 tỷ đồng, PLX 3.476 tỷ đồng, SAB 3.889 tỷ đồng, FPT 1.780 tỷ đồng, VIC 1.223 tỷ đồng, VEA 513 tỷ đồng. 
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn sẽ nhận được những câu hỏi từ NĐT. Đó là tại sao các nhà quản trị lại để tiền mặt ở đó không đem đi sử dụng? Việc để tiền mặt trong doanh nghiệp quá nhiều luôn có chi phí cơ hội.
Nếu một doanh nghiệp khi đầu tư vào dự án mới hoặc mở rộng sản xuất có khả năng tạo ra tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần là 20%, thì chi phí cơ hội của việc nắm giữ nhiều tiền mặt thật sự không hiệu quả, bởi lãi suất cho tiền gửi không kỳ hạn khó lòng đạt tới 10%. Trong trường hợp tỷ suất sinh lợi của dự án thấp hơn mức chi phí sử dụng vốn trung bình, tiền mặt cũng không nên giữ lại tại doanh nghiệp, nên phân phối lại cho các cổ đông dưới hình thức cổ tức hay mua lại cổ phần của doanh nghiệp. 

Các tin khác