Tích lũy cho đợt tăng mới

(ĐTTCO) - Sau loạt bài viết phản ảnh về đợt điều chỉnh mạnh của thị trường, ĐTTC đã nhận được nhiều phản hồi từ các NĐT. 
Tích lũy cho đợt tăng mới
Phần lớn ý kiến đều có chung nhận định tích cực về thị trường sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua. ĐTTC trích đăng ý kiến của tác giả Phú Đức với nhận định cho rằng khả năng thị trường sẽ bật tăng trở lại sau thời gian tích lũy vừa qua.
Nhận diện những gam màu sáng
Đợt bán tháo trên TTCK kể từ giữa tháng 4 đã làm VN Index lao dốc mạnh và rớt khỏi mốc 1.000 điểm. Việc VN Index liên tục xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ khiến giới phân tích kỹ thuật cho rằng thị trường nhiều khả năng giảm sâu hơn trong thời gian tới. Thế nhưng, với mức giảm 20% từ mức đỉnh 1.211 điểm, diễn biến thị trường đang chống lại bên bán.
Đặc biệt, thanh khoản nhiều khả năng thu hẹp do định giá của hầu hết ngành đang rẻ hơn so với thời điểm cuối năm ngoái. Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự báo tiếp tục mạnh trong năm nay, cũng như các thay đổi vĩ mô đang giúp giảm mức độ rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng của NĐT vào Việt Nam. 
 Theo dữ liệu của Bloomberg, Việt Nam là 1 trong số ít thị trường ở châu Á có nguồn vốn đầu tư giá tiếp (FII) chảy vào ròng tính đến thời điểm hiện tại. Do vậy, việc động thái bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua chưa gây sức ép tiêu cực lên tỷ giá USD/VNĐ.
Theo thống kê, lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục cho thấy gam màu sáng, với mức tăng trưởng duy trì trên 2 con số trong quý I vừa qua. Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể được phân thành 3 nhóm.
Nhóm tăng trưởng cao gồm tài chính và bất động sản. Trong khi lợi nhuận ngành bất động sản nhiều khả năng duy trì mức cao ở các quý tới, thì ngành tài chính cho thấy lợi nhuận cải thiện hơn nữa nhờ tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) cải thiện, trích lập dự phòng giảm và lợi nhuận bất thường từ thu hồi nợ đã xử lý. 
Nhóm tăng trưởng trung bình gồm các ngành liên quan đến tiêu dùng. Trong nhóm này, các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục được hưởng lợi từ chuỗi bán lẻ hiện đại, các doanh nghiệp dược có thể sẽ phải nỗ lực tìm các hướng đi mới khi kênh bán hàng ETC (bán qua đấu thầu, bán buôn) đang chiếm dần thị phần của kênh OTC (bán trực tiếp thông qua các nhà thuốc). Về dài hạn, các ngành liên quan đến tiêu dùng sẽ tận hưởng được nhu cầu tăng nhanh của thị trường 90 triệu dân với cơ cấu vàng của Việt Nam. 
Cuối cùng là nhóm tăng trưởng thấp gồm công nghiệp, vật liệu, năng lượng và tiện ích. Mặc dù các công ty dầu khí trung, hạ nguồn hưởng lợi và mang lại hy vọng cho các công ty thượng nguồn, nhưng giá dầu thô tăng đang gây khó khăn cho ngành công nghiệp. Trong khi đó, xu hướng giảm giá hàng hóa kim loại và nông nghiệp có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty vật liệu trong năm nay. Tuy nhiên, các yếu tố tiêu cực ngắn hạn như vậy có thể giúp NĐT mua CP với giá hời.

Phân hóa mạnh
Nhìn chung, bức tranh lợi nhuận không đồng nhất nhưng chúng ta vẫn có thể kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2018. Đà tăng lợi nhuận nếu được duy trì sẽ tương tự với đà tăng TTCK. 
Về mặt định giá, hầu hết các ngành kinh doanh hiện đang được định giá thấp hơn thời điểm cuối 2017 sau đợt giảm giá mạnh vừa qua. VN Index đang được giao dịch ở mức P/E tương đương thời điểm cuối năm 2017.
Nói cách khác, chỉ cần lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng như ở quý I, cũng giúp chỉ số VN Index tăng tương ứng so với mức điểm hiện tại, không cần sự thay đổi các mức định giá nào. Nhìn xa hơn, nếu so sánh Việt Nam với các quốc gia mới nổi trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines, có thể thấy VN Index hiện vẫn còn khá rẻ, đặc biệt khi sử dụng độ chênh lệnh giữa TTCK và lợi suất trái phiếu chính phủ 3 năm.
Dù khó đánh giá rõ ràng mức P/E thế nào là phù hợp cho VN Index, nhưng chỉ số xứng đáng với mức định giá cao hơn so với 1-2 năm trước do nền kinh tế Việt Nam tăng tốc trong quý I với GDP tăng 7,38% (cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây).
Một yếu tố tích cực khác là việc Fitch vừa nâng mức xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên mức BB. Trong khi S&P và Moody’s, Morgan Stanley Capital International đang xem xét nâng hạng Việt Nam lên mức thị trường mới nổi, từ mức cận biên hiện tại và thanh khoản của sàn HOSE tăng gần gấp đôi trong nửa đầu 2018 (trung bình 6.800 tỷ đồng/phiên) so với nửa đầu 2017 (trung bình 3.800 tỷ đồng/phiên).

Kỳ vòng dòng vốn ngoại
Sự tháo chạy của dòng vốn ngoại là một trong những mối lo lớn nhất hiện nay, dù chính dòng vốn này đã tạo nên sự hưng phấn cho NĐT nội cách đây 1 năm. Kinh tế Hoa Kỳ cải thiện đang khiến Cục Dự trữ liên bang (FED) phải xem xét việc tiếp tục nâng lãi suất và giảm lượng tài sản khổng lồ mua được từ chương trình nới lỏng định lượng (QE) từ cuộc khủng hoảng 2007-2008.
Thông thường, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm, thậm chí lâm vào thời kỳ suy thoái trong thời gian dài, FED sẽ giảm lãi suất ngắn hạn để đẩy mạnh cho vay và chi tiêu. Tuy nhiên, khi FED đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất ở mức gần 0%, họ sẽ sử dụng các gói QE. Điều này làm tăng lãi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ và USD mạnh lên, rút dòng vốn ra khỏi các thị trường mới nổi trên thế giới.
Tuy nhiên, với TTCK Việt Nam, số liệu thống kê thực tế của HOSE cho thấy dòng vốn ngoại tiếp tục chảy vào, dù tốc độ có khựng lại trong tháng 3. 
Hiện số phiên bán ròng của NĐTNN áp đảo so với các phiên mua ròng, nhưng thực tế lại cho thấy khối ngoại đã mua ròng hơn 1 tỷ USD trong tháng 5 nhờ thương vụ chuyển nhượng CP khủng tại Vinhomes, với giá trị lên đến 28.000 tỷ đồng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 1,5 tỷ USD trên HOSE, cao hơn 40% so với số tổng mua ròng cả năm 2017, chưa tính tới đợt IPO có giá trị khoảng 900 triệu USD của NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Thêm vào đó, với nhiều đợt thoái vốn nhà nước đã được lên kế hoạch trong phần còn lại của năm, NĐT hoàn toàn có thể kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục đi vào thị trường trong thời gian tới.

Các tin khác