NHNN thanh tra CTCK trực thuộc ngân hàng

Thuốc đắng có chữa được bệnh?

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ thanh tra, kiểm tra hoạt động của các CTCK trực thuộc ngân hàng (NH). Từ lâu, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc NH hỗ trợ vốn cho CTCK để triển khai các sản phẩm hỗ trợ tài chính cho NĐT. Ngoài những mặt tích cực rất rõ ràng, những mặt trái như thị trường chịu áp lực giải chấp, NĐT sử dụng đòn bẩy quá đà dẫn đến thua lỗ cũng rất đáng lưu tâm.

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ thanh tra, kiểm tra hoạt động của các CTCK trực thuộc ngân hàng (NH). Từ lâu, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc NH hỗ trợ vốn cho CTCK để triển khai các sản phẩm hỗ trợ tài chính cho NĐT. Ngoài những mặt tích cực rất rõ ràng, những mặt trái như thị trường chịu áp lực giải chấp, NĐT sử dụng đòn bẩy quá đà dẫn đến thua lỗ cũng rất đáng lưu tâm.

Việc đáng làm

Năm 2009 chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục của TTCK Việt Nam. Cũng trong năm này, CTCK Thăng Long nổi lên chiếm lĩnh vị trí số 1 trong mảng môi giới. Một trong những nguyên nhân làm nên thành công của TLS chính là dịch vụ hỗ trợ tài chính cho NĐT. Tính đến cuối năm 2009, khoản mục phải thu từ các thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho NĐT của TLS đạt giá trị gần 900 tỷ đồng. Những tưởng với diễn biến thất thường của TTCK trong năm 2010, giá trị của khoản mục này sẽ giảm đi, nhưng thật ngạc nhiên khi vào thời điểm cuối năm, con số đã tăng gần 3 lần, đạt hơn 2.400 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng tài sản và gấp 2 lần vốn điều lệ của công ty.

Các khoản vay của TLS cũng rất đáng nói, khi vay ngắn hạn NH vào thời điểm 31-12-2010 hơn 2.400 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ 2009. Đáng chú ý trong năm 2010 TLS có thêm một số “chủ nợ” mới như NHTMCP Xăng dầu Petrolimex cho TLS vay 500 tỷ đồng; NHTMCP Tiên Phong cho TLS vay 735 tỷ đồng; NHTMCP Quân Đội (MB) là cổ đông lớn của TLS lại chỉ cho vay 132 tỷ đồng, chỉ xấp xỉ 2% so với vốn điều lệ của MB. Thực tế dù nguồn vốn của MB có dồi dào đến đâu cũng không thể một mình NH này đứng ra hỗ trợ cho MB vì còn gặp những rào cản khác liên quan đến quản trị rủi ro và luật lệ trong hoạt động.

Cùng vì điều này, những giải pháp kiểu như NH A cho CTCK của NH B vay và ngược lại NH B đi hỗ trợ vốn cho CTCK của NH A đã xảy ra từ năm 2009. Với những trường hợp như kiểu NH A đem tiền gửi sang NH B rồi NH B cho CTCK của NH A vay lại, thoạt nhìn NH A không hề cấp vốn cho “con”, nhưng bản chất đúng như vậy. Ngoài việc vay từ các NH, TLS còn vay của hàng loạt đơn vị khác, đáng chú ý có Công ty Tài chính CP Handico gần 550 tỷ đồng, CTCP Đầu tư tài chính Thăng Long (TLI) xấp xỉ 68 tỷ đồng và từ các cá nhân hơn 235 tỷ đồng. Mối quan hệ giữa một số đơn vị này cũng khá phức tạp khi TLI được thành lập bởi TLS, Công ty Tài chính CP Handico và một số đơn vị khác. 

Cũng tương tự TLS là trường hợp của CTCK VNDirect (VND) có khoản mục phải thu về bảo lãnh thanh toán tiền mua CK của người đầu tư tăng từ 288 tỷ đồng cuối năm 2009 lên 1.012 tỷ đồng cuối năm 2010. Liệu những khoản này có thể thu về được và đúng thời điểm hay không khi câu chuyện về việc NĐT thua lỗ, cháy tài khoản, CTCK phải ôm hàng và giải chấp liên tục, là đề tài được bàn luận trong năm vừa qua. Nếu những khoản này không thể thu về hoặc bị quá hạn, cũng có nghĩa dòng vốn của nhiều NH đổ vào cho đầu tư CK sẽ không được sử dụng hiệu quả.

 Có đúng thời điểm?

NĐT mở tài khoản tại CTCK. Ảnh: LÃ ANH

NĐT mở tài khoản tại CTCK. Ảnh: LÃ ANH

Theo ý kiến của một số NĐT, ngoại trừ những ông lớn trong việc hỗ trợ tài chính như TLS và vài CTCK khác, việc NHNN thanh tra, kiểm tra các CTCK thuộc NH tại thời điểm này có thể gặp một số rào cản khách quan. Đợt sóng mạnh cuối cùng của TTCK Việt Nam diễn ra cũng vào tháng 4-2009, bắt đầu chấm dứt không lâu sau đó và ảm đạm cho đến bây giờ. Điều này khiến NĐT không mặn mà trong giao dịch và tất nhiên sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ không có trong chiến thuật của họ. Như vậy, trong trường hợp NHNN phát hiện được trường hợp NH và CTCK có sai phạm, đây chỉ mang tính chất cá biệt chứ không phải một “mẻ lưới” có quy mô lớn, ít nhiều tính chất răn đe cũng sẽ bị giảm sút. Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 226 quy định chỉ tiêu an toàn tài chính đối với các CTCK. Như vậy, nếu CTCK có “làm bậy” đã có thông tư này “siết”, như vậy việc NHNN vào cuộc sẽ thanh tra, kiểm tra những vấn đề nào của CTCK? Ở đây cũng có thể nói thêm về yếu tố tâm lý của thị trường cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi CTCK vốn đã hoạt động khó khăn, nay một lúc lại phải đội cả 2 “vòng kim cô” từ cả NHNN lẫn Bộ Tài chính.

Hiện một số NH đã tìm ra được cách thức để lách trong việc bơm vốn cho CTCK. Theo ý kiến của một chuyên gia tài chính, biện pháp NH bơm vốn cho công ty tài chính, sau đó công ty tài chính bơm vốn trở lại cho CTCK có thể sẽ được áp dụng. Ở đây, nếu theo dõi báo cáo tài chính của một số CTCK sẽ thấy một số điểm khá “lạ”. Thí dụ, khoản mục phải thu khách hàng về giao dịch CK của CTCK FPT (FPTS) có giá trị hơn 900 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cuối năm 2009, các khoản phải thu khác có giá trị hơn 1.100 tỷ đồng, tăng hơn 30 lần so với cuối năm 2009. Trong khi đó, FPTS chỉ vay của NHTMCP Tiên Phong (cùng tập đoàn FPT với FPTS) số tiền vỏn vẹn 50 tỷ đồng. Trong khi khoản mục phải trả, phải nộp khác của FPTS lên đến hơn 1.500 tỷ đồng mà lại không thấy giải thích rõ là trả cho ai, nộp cho ai. So sánh con số 735 tỷ đồng mà NHTMCP Tiên Phong cho TLS vay với 50 tỷ đồng NH này dành cho FPTS, có thể thấy một sự lệch pha khủng khiếp. Do trong thuyết minh báo cáo tài chính của FPTS không nói rõ ràng nên một NĐT thông thường có thể đặt khá nhiều giả thiết về khoản mục phải trả, phải nộp khác. Chẳng hạn: Liệu khoản mục này có thể xuất phát từ một công ty tài chính, hay một đơn vị nào đó? Hoặc một cổ đông lớn, hay một tổ chức nào đó cũng có thể cho FPTS vay khoản tiền này?

Cũng cần lưu ý, hiện tại có một “chiêu” các NH mẹ có thể sử dụng để cung ứng tiền cho CTCK “con”, đó là việc nộp một khoản tiền nào đó vào tài khoản giao dịch của mình. Nếu CTCK chưa thực hiện tách bạch từng tài khoản, có thể sử dụng thoải mái số tiền này không phải lo nghĩ và đây là một cách lách rất hiệu quả của các NH trong việc bơm vốn cho CTCK con. Với cách làm này, khi CTCK bị thanh tra, kiểm tra, NH cũng có thể rút khoản tiền trong tài khoản tại CTCK về và rất khó bị phát hiện. Một điểm cần lưu ý trong vài năm qua, chính sách đầu tư tài chính của các NH khá chặt chẽ nên việc NH đem một lượng tiền lớn bỏ vào tài khoản CK rất khó xảy ra, tuy nhiên nếu các NH này lại tìm cách “rủ rê” các NH khác cùng đem tiền gửi vô, số tiền vẫn có thể tăng lên đáng kể.

Các tin khác