Thủ thế, chờ nhau

Tuần qua, với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, VN Index mất 5,53 điểm, xuống mức 433,4 điểm. Sau 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, HNX Index chỉ giảm nhẹ 0,85 điểm, xuống mức 75,78 điểm.

Tuần qua, với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, VN Index mất 5,53 điểm, xuống mức 433,4 điểm. Sau 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, HNX Index chỉ giảm nhẹ 0,85 điểm, xuống mức 75,78 điểm.

3 phiên đầu tuần rồi, thanh khoản vẫn khá ổn nhưng KLGD đột ngột giảm xuống 19,9 triệu đơn vị trong phiên ngày 23-6 đã tạo ra lo lắng cho NĐT. Ngay cả những NĐT và chuyên gia giàu kinh nghiệm vẫn chưa thể tìm ra lời giải thích thỏa đáng.

Theo xu hướng lạc quan, bên bán không muốn cung hàng giá thấp nên dẫn đến giao dịch sụt giảm, nhưng nhờ vậy thị trường tránh được áp lực giảm giá. Điều đó cũng cho thấy NĐT đang dùng tiền thật, nên kiên nhẫn chờ đợi hơn.

Tuy nhiên, yếu tố giá rẻ không có nhiều ý nghĩa trong thời gian qua. Điểm số của VN Index vẫn cao hơn so với mức đáy cách đây 1 tháng đến 50 điểm, nhiều CP đã tăng giá từ 30-40%. Nhận định một cách thận trọng, dường như bên mua trong thời gian qua đang phải “ôm hàng” một cách thụ động.

Tổng KLGD trong tuần vừa qua tại HOSE chỉ đạt hơn 140 triệu đơn vị, giảm 110 triệu đơn vị, xấp xỉ 45% so với tuần trước đó - vốn là tuần nhiều CP tạo mức giá đỉnh. Nếu xét theo GTGD, con số chênh lệch giữa 2 tuần lên đến 1.500 tỷ đồng.

Thông tin CPI của cả nước chỉ tăng 1,09% trong tháng 6 rất khả quan, nhưng như thường lệ, đây là điều đã được thị trường nhìn ra và phản ánh vào giá trong thời gian trước đó.

Tuy nhiên, thông tin CPI lần này có tính bước ngoặt, vì có thể là chỉ báo cho xu hướng lạm phát sẽ giảm trong những tháng cuối năm và thể hiện những chính sách vĩ mô của Chính phủ đang đi đúng hướng. Chỉ có điều thông tin này lại xuất hiện đúng vào thời điểm ngân hàng đang đua nước rút để giảm tín dụng phi sản xuất xuống còn 22% tổng dư nợ vào ngày 30-6.

Với diễn biến dù không sôi động nhưng cũng không quá xấu của thị trường trong tuần qua, khó xảy ra một đợt giải chấp ồ ạt như hồi tháng 5. Áp lực giải chấp vẫn còn nhưng có vẻ như các ngân hàng lẫn CTCK đang tìm ra được một số giải pháp êm thấm.

Từ tuần này, thông tin về KQKD quý II bắt đầu xuất hiện có thể trở thành yếu tố hỗ trợ giá CP, đặc biệt là nhóm blue chip. Dưới áp lực của một số tổ chức đầu tư, những con số của nhóm CP có vốn hóa lớn có thể xuất hiện khả quan ngoài mong đợi, vừa giúp DN cải thiện hình ảnh, vừa nâng giá trị danh mục cho quỹ.

Như thường lệ, gần đến những ngày cuối cùng của mỗi quý, khả năng các quỹ đầu tư đánh lên CP để chốt NAV lại được nhắc đến. Những ngày vừa qua, việc xuất hiện thông tin về sự thua lỗ của một số quỹ đầu tư lớn cho thấy xu hướng “nói tránh” có thể được thay thế bằng “nói thẳng”.

Khi đã không ngại công khai chuyện thua lỗ, việc đỡ giá cho CP cũng sẽ được hạn chế. Với mức giá hơn 7.0 của BVH, xấp xỉ 10.0 của MSN, 13.0 của VIC và 11.0  của VNM, khả năng tiếp tục được khối ngoại đánh mạnh khó xảy ra, nhất là khi tháng 6 chỉ còn 4 phiên giao dịch.

Giao dịch của NĐTNN sẽ chỉ cải thiện hơn khi các thông tin vĩ mô trên thế giới như gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, cũng như khủng hoảng nợ tại một số nước được “chốt” một cách rõ ràng hơn.

Những phiên đầu tuần, thị trường nhiều khả năng rơi vào trạng thái “chờ nhau” giữa các thành phần. NĐT tổ chức chờ doanh nghiệp công bố KQKD, trong khi NĐT cá nhân lại chờ NĐT tổ chức có hành động “mồi” thị trường. Nhưng phía doanh nghiệp cũng chờ thị trường có tốt hay không rồi mới quyết định đưa ra doanh thu và lợi nhuận ở mức độ như thế nào.

Thông điệp cho KQKD 6 tháng đầu năm nay không phải để nói về quá khứ mà sẽ là tín hiệu báo trước cho 6 tháng còn lại: Quý I và II công bố tốt là lời nhắn nhủ rằng quý III và IV cũng sẽ như vậy.

Nếu NĐT muốn thử vận may trong lúc này, chiến thuật hợp lý nhất vẫn là tìm kiếm và đánh nhanh rút gọn tại những CP tầm trung hoặc nhỏ mà ở đó doanh nghiệp có khả năng công bố những thông tin “khủng” để phục vụ cho một số mục đích khác nhau.

Các tin khác