Thoái vốn cũng không cứu được VGC

(ĐTTCO) - Tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng CTCP Viglacera (VGC) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do thị trường mảng kính xây dựng và gạch ốp lát không thuận lợi. 
Yếu tố hỗ trợ duy nhất của VGC là kế hoạch thoái vốn nhà nước cũng không thể giúp cho doanh nghiệp cải thiện được tình trạng khó khăn như hiện tại.
Hoạt động cốt lõi suy giảm
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý I-2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong kỳ VGC tiếp tục suy giảm lần lượt 9,8% và 39,6%, đạt 1.830 tỷ đồng và 147 tỷ đồng. Đây là quý sụt giảm thứ 2 liên tiếp của VGC kể từ khi niêm yết. Nguyên nhân do ảnh hưởng từ mảng kính xây dựng và gạch ốp lát. 
 VGC là một trong những đơn vị lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, với các sản phẩm chủ lực như: kính xây dựng (chiếm 41% thị phần), gạch ceramic (4%), gạch granite (11,2%), gạch ngói đất sét nung (45%) và thiết bị nhà tắm (9%). 
Theo giới phân tích, thị trường kính xây dựng đang đối mặt với công suất dư thừa từ các nhà máy sản xuất trong nước chạy hết công suất. Đặc biệt, thị trường kính nội địa sẽ phải chịu thêm áp lực cạnh tranh của các sản phẩm kính nhập từ các nước ASEAN được miễn thuế 0% trong năm 2018 (trước đây chịu mức thuế 5%).
Tương tự, thị trường gạch ốp lát ceramic và granite gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trong 2018 và các năm tới, từ sản lượng sản xuất nội địa đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ trong nước. Theo thống kê, tổng công suất của các nhà máy sản xuất gạch ốp lát nội địa (hơn 60 nhà máy) tăng đột biến, từ 500 triệu m2/năm trong 2016 lên đến 706,5 triệu m2/năm vào cuối năm 2017. Trong khi đó, sức tiêu thụ nội địa hàng năm chỉ đạt 500-600 triệu m2/năm. 
Với những khó khăn trên, dự báo kết quả kinh doanh quý II của VGC tiếp tục sa sút. Theo đó, lợi nhuận trước thuế có thể giảm 17,6% so với năm 2017 (đạt 219 tỷ đồng). Nếu đúng như dự báo, lũy kế lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của VGC chỉ đạt 366 tỷ đồng (giảm 28% so với cùng kỳ năm 2017). Phân theo lĩnh vực, mảng bất động sản đã vượt qua mảng cốt lõi là kính xây dựng, để chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu lợi nhuận với khoảng 52% lợi nhuận trước thuế (đóng góp chủ yếu là từ Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng). 
Trong khi đó, lĩnh vực gạch ốp lát đóng góp không đáng kể vào lợi nhuận trong kỳ (trong khi cùng kỳ năm trước có tỷ trọng khoảng 13%). Nguyên nhân do lợi nhuận các công ty con như CTCP Viglacera Tiên Sơn (VIT) và CTCP Viglacera Thăng Long (TLT) đều ở mức thấp.
Từ dự báo kém khả quan về kết quả kinh doanh quý II, các CTCK đã điều chỉnh dự báo năm 2018 do triển vọng kinh doanh có sự thay đổi và điều chỉnh giảm doanh thu lĩnh vực khu công nghiệp. Theo đó, doanh thu ước đạt 8.928 tỷ đồng (giảm 2,9%), lợi nhuận trước thuế đạt 752 tỷ đồng (giảm 17,7%), EPS đạt 1.242 đồng/CP, tương ứng với P/E là 14,5x. 
Thoái vốn cũng không cứu được VGC ảnh 1  Sản xuất gạch ốp tại Nhà máy Viglacera. 
Thoái vốn bất thành
Kết quả kinh doanh không như mong đợi chính là nguyên nhân khiến cho giá CP VGC liên tục sụt giảm trong vài tháng trở lại đây. Từ mức giá hơn 28.000 đồng/CP thời điểm đầu năm 2018, đến nay VGC đã giảm xuống chỉ còn hơn 18.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày hôm qua (25-7). Thậm chí có thời điểm, mã CP này giảm xuống dưới mốc 15.000 đồng/CP (phiên giao dịch 12-7). Như vậy, ở thời điểm hiện tại, động lực tăng giá của VGC chỉ có thể đến từ câu chuyện thoái vốn nhà nước. 
Với vị thế hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và bất động sản, tin đồn về việc có NĐT chiến lược có thể rót tiền để nắm quyền chi phối tại VGC, giúp doanh nghiệp tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn và giúp giá CP biến động tích cực. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng việc thoái vốn nhà nước có khả năng ảnh hưởng đến doanh thu từ các dự án sử dụng vốn nhà nước của VGC.
Thế nhưng, việc thoái vốn nhà nước của VGC cũng không suôn sẻ khi đợt bán đầu tiên hơn 80 triệu CP (tương đương 20% vốn điều lệ) từ ngày 27-6 đến 21-7 đã không thành công. Thất bại từ phương án thoái vốn nhà nước cũng chính nguyên nhân nữa khiến cho CP VGC giảm mạnh. Nguyên nhân thất bại do nhiều NĐT tận dụng những quy định trong phương án thoái vốn để có thể bán được CP với giá cao, trong khi bên mua lại muốn mua với giá thấp nhất. 
Cụ thể, theo Công văn 1177/BXD-QLDN ngày 22-5, Bộ Xây dựng đã đồng ý phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước tại VGC, với số lượng cổ phần thoái vốn (giai đoạn 1) hơn 80,5 triệu CP (tương đương 17,97% vốn điều lệ) theo phương thức thực hiện giao dịch khớp lệnh trên HNX. Giá đặt lệnh giao dịch là giá trần của ngày giao dịch, nhưng tối thiểu 26.100 đồng/cổ phần và không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên TTCK trước ngày công bố thông tin.
Với quy định này, NĐT có thể đặt bán ở mức giá từ 26.000 đồng trở xuống để chặn lệnh bán của Bộ Xây dựng quy định là không thấp hơn 26.100 đồng/CP. Đây là lý do khiến cho kế hoạch thoái vốn nhà nước bất thành, và phía bên mua có thể đã tính toán phương án khác hoặc chờ sang năm 2019 để có thể thực hiện giao dịch với toàn bộ vốn góp nhà nước 241,9 triệu CP (tương đương 53,97% vốn điều lệ). 

Các tin khác