Thị trường phái sinh vẫn còn ẩn số

(ĐTTCO) - Dù chỉ mới vận hành gần 1 năm (8-2007,) nhưng thị trường phái sinh (PS) đã nhanh chóng cho thấy sự hấp dẫn khi GTGD lần lượt vượt các mốc 5.000 rồi 10.000 và tiến đến gần 15.000 tỷ đồng.
Cần thêm thời gian
Trong gần 2 thập kỷ qua, những phiên giao dịch hàng chục ngàn tỷ đồng trên thị trường CP cũng mới chỉ xuất hiện trong năm 2018, trong khí đó thị trường CK PS chỉ mất 1 năm để đuổi kịp thanh khoản. Tất nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về thanh khoản của PS, chẳng hạn do tỷ lệ ký quỹ thấp. Trong khi đó trên thị trường cơ sở (thị trường CP), NĐT có 1 đồng chỉ được vay tối đa 1 đồng để mua, còn mua PS có thể vay thêm 4-5 đồng nữa. Tuy nhiên, thị trường PS sẽ cần thêm thời gian để xác lập vị thế, ảnh hưởng trên TTCK nói chung, và có thể nói 1 năm vẫn còn quá ít nên PS vẫn còn là ẩn số, mà đã là ẩn số luôn chứa đựng những bất ngờ. 
 Những biến động PS trong phiên luôn khiến NĐT căng đầu theo dõi, bởi phải theo dõi giá PS để ra quyết định cũng có thể khiến NĐT rất dễ sai lầm trong giao dịch. Và khi sai lầm, tỷ lệ ký quỹ thấp, tất nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro thua lỗ nặng.

Cuối ngày 13-7, UBCKNN đã tiến hành tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu của hợp đồng tương lai (HĐTL) từ mức 10% lên 13%. Có thể hiểu động thái này của UBCKNN nhằm tránh tỷ lệ đòn bẩy quá cao khi giao dịch PS, góp phần giảm thiểu những rủi ro cho thị trường cũng như NĐT. 
Hồi đầu năm 2018, cũng đã có những dự kiến từ UBCKNN trong việc gia tăng tỷ lệ ký quỹ của sản phẩm margin trên thị trường cơ sở, nhưng cuối cùng đã chưa diễn ra. Còn với PS, Trung tâm lưu ký CK (VSD) sẽ tiến hành điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ bắt đầu từ 18-7. Thực ra, với một sản phẩm mới như PS, việc cơ quan quản lý vừa triển khai và đo lường để có những chỉnh sửa là điều bắt buộc. Mỗi giải pháp đưa ra cũng sẽ tạo ra những tác động, và tất nhiên NĐT nói chung cũng như trên thị trường PS nói riêng đang chờ xem tỷ lệ ký quỹ từ 10% lên 13% sẽ tác động thế nào. 
Xét về tỷ lệ tăng từ 10% lên 13% đã tăng thêm số tương đối là 30%, còn xét trên tổng thể tổng vốn giao dịch chỉ tăng có 3%. Tỷ lệ tăng như vậy là ít hay nhiều sẽ cần xem động thái của NĐT ra sao. Nhưng ở đây cũng cần lưu ý, sự “lôi cuốn” của PS không dừng lại ở tỷ lệ margin cao mà còn nhiều yếu tố khác, trong đó có thể kể đến 2 yếu tố là khả năng “mua index” cũng như quy trình thanh toán T+0.
Thị trường phái sinh vẫn còn ẩn số ảnh 1
Thực tại khắc nghiệt
Một NĐT mới tham gia thị trường PS trong khoảng một tháng gần đây chia sẻ, giai đoạn đầu gần như cứ “trade” (giao dịch) là thắng với số tiền hàng trăm triệu, thành công hơn nhiều so với mua thị trường cơ sở. Dù vậy trong khoảng một tuần qua, NĐT này lại thua lỗ, mất luôn phần lời và âm luôn cả vốn. Không phải ngẫu nhiên mà một lãnh đạo của cơ quan quản lý đã viết trên trang cá nhân về việc chỉ 5% NĐT có thể có lãi trên PS. Vậy tại sao nhìn có vẻ rất hấp dẫn nhưng PS thực tế lại “khó nuốt” như vậy?
Tối ngày 12-7, FPT công bố mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet), một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Hoa Kỳ. Thương vụ này được kỳ vọng sẽ giúp FPT nâng tầm vị thế công nghệ, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số. Giá trị thương vụ tương đối linh hoạt và không cố định, được xác định dựa trên định giá gấp 10 lần EBITDA. Tại thời điểm bây giờ, FPT trả 30 triệu USD, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Do đó, tổng giá trị thương vụ có thể khoảng 45-50 triệu USD. 
FPT lâu nay là một trong những CP đầu ngành và tại nhiều thời điểm cũng có tính chất dẫn dắt thị trường. Thông tin M&A của FPT có thể xem là tích cực bởi tập đoàn này đã từng thực hiện nhiều thương vụ M&A, trong đó có việc mua lại công ty ở nước ngoài, để gia tăng năng lực cạnh tranh cho mình. Vấn đề là ngày 13-7, FPT đã tăng giá từ 38.800 đồng/CP lên 40.600 đồng/CP, tương ứng 4,6%.
Có ý kiến cho rằng, FPT “ra” tin tốt mà tăng như vậy là chưa “đã”, đáng lý phải tăng trần hoặc cũng gần mức này. Mặt khác FPT là CP dẫn dắt, có tin tốt, thị trường lại hồi phục khá tốt trong phiên 13-7, nên kỳ vọng CP này phải tăng hơn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng tỷ lệ này chấp nhận được vì tin M&A giờ không còn “hot” như 5-7 năm trước. Nhưng một NĐT nếu có tham gia PS sẽ đưa ra giải pháp rằng, hãy mua các HĐTL là giải quyết được hết. Trong trường hợp thị trường cơ sở hồi phục, FPT cũng nằm trong rổ VN30 tăng giá, cũng góp phần giúp VN30 tăng giá. Nghĩa là NĐT khỏi phải chọn mua từng CP dẫn dắt có khi không chính xác, cứ chọn mua PS (trạng thái “long”) khi có tín hiệu hồi phục nhất định có vẻ “khỏe” hơn. 
Trong ngắn hạn, điều này có vẻ đúng, NĐT vừa đỡ mất công chọn CP, việc mua/bán HĐTL cũng giống như mua bán chỉ số của thị trường, chưa kể PS sẽ có thể mua (long) hoặc bán (short) ngay trong phiên thay vì chờ đến T+3. Đặc biệt hơn, khi xu hướng của thị trường có vẻ chưa tốt, mỗi ngày VN Index hay VN30 biến động mạnh, cũng sẽ tạo ra chênh lệch (gap) giá rất lớn và cơ hội kiếm tiền khi tham gia PS. Nhưng quy luật của bất cứ thị trường nào cũng cho thấy, khi càng nhiều dòng tiền tham gia, cơ hội sẽ phải san sẻ và chuyện “dễ ăn” sẽ không còn như trước. Mặt khác, như trong tuần rồi, có những thời điểm thị trường tưởng như sẽ giảm rất sâu, VN Index phải về 850 điểm, nhưng kết tuần vẫn ở mốc trên 900 điểm. 

Các tin khác