Thị trường chờ hàng hot

(ĐTTCO) - Mùa ĐHCĐ thường niên 2018 sắp khép lại, và kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp niêm yết cũng dần lộ diện. 
Thị trường chờ hàng hot
Mọi sự chú ý của giới đầu tư đang đổ dồn vào sự xuất hiện của những ông lớn đang chuẩn bị lên sàn.
Sau khi lập đỉnh 1.204,3 điểm trong phiên giao dịch ngày 9-4, VN Index đã giảm gần 15% trong khoảng 2/3 thời gian còn lại của tháng 4. Đây là đợt điều chỉnh mạnh nhất của thị trường kể từ đầu năm 2017. Đáng lo ngại, trong những phiên hồi phục hầu như ghi nhận giao dịch khá ảm đạm, thanh khoản lại tăng mạnh ở những phiên bán tháo.
Đây là tín hiệu cho thấy niềm tin của NĐT vào khả năng hồi phục của thị trường không nhiều. Chính vì vậy, dù có nhịp phục hồi mạnh trong những phiên giao dịch gần đây, nhưng tâm lý thận trọng vẫn chiếm vị thế chủ đạo trên TTCK. 
Góp phần vào đà giảm của VN Index là nhóm CP các CTCK với mức giảm lên đến 30%. Kế đến là nhóm CP NH với mức giảm trung bình hơn 17% và một số CP vốn hóa lớn khác như VJC, MSN, PLX. Bên cạnh đó, các lo ngại về tình hình địa chính trị thế giới, lãi suất trái phiếu Hoa Kỳ tăng xấp xỉ trở lại mức 3%, đã làm tâm lý giao dịch trở nên xấu đi.
Dòng vốn ngoại cũng là yếu tố đóng góp vào sự giảm điểm này. Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận tại NVL, khối ngoại đã bán ròng khoảng 2.000 tỷ đồng. Động thái này của khối ngoại có thể đơn thuần đến từ việc nhiều quỹ đầu tư muốn bảo vệ thành quả của mình trước việc thị trường biến động mạnh, cùng với đó là khả năng tái cơ cấu danh mục sang các thương vụ IPO, hoặc doanh nghiệp niêm yết mới.
Đợt điều chỉnh trong tháng 4 khiến NĐT thêm lo ngại bởi kịch bản “sell and go away” đang tạo áp lực lên thị trường trong tháng 5. Lịch sử cho thấy, tháng 5 thường là vùng trũng thông tin, thị trường thiếu vắng sự hỗ trợ và giao dịch thường tỏ ra thận trọng. Tuy nhiên, thống kê lại cho thấy trong những năm gần đây, cụ thể từ năm 2013, VN Index đã tăng điểm 4/5 lần trong tháng 5.
Theo giới phân tích, hiện chưa có nhiều thông tin hỗ trợ đủ mạnh để đảo chiều thị trường. Kịch bản tốt hiện tại là không có thêm thông tin xấu nào diễn ra trong tháng 5, bên cạnh đó là tình hình thị trường thế giới. Cụ thể, chỉ số CK Hoa Kỳ ổn định hơn trước việc lãi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ tạm thời hạ nhiệt khi chạm mức 3%.
Do đó, dự báo cho xu hướng tháng 5, thị trường có thể sẽ trải qua giai đoạn giảm điểm nhẹ với mức hỗ trợ kỳ vọng 1.000 điểm. Đan xen với xu hướng giảm điểm nhẹ, thị trường có thể chứng kiến các nhịp hồi phục. Trạng thái luân phiên này tạo ra kịch bản VN Index đi vào xu hướng giảm nhẹ, sau đó chuyển sang tích lũy tạo đáy.
Theo nhận định của các chuyên gia CK, thị trường sẽ thiếu vắng thông tin trong vài tuần tới. Lời khuyên được đưa ra đến các NĐT trong bối cảnh hiện tại là theo dõi nhóm CP có vốn hóa lớn. Giá CP giảm mạnh cũng là cơ hội cho những NĐT có tiền mặt, nhưng NĐT cần lựa chọn đúng CP dựa trên các yếu tố tiềm năng tăng trưởng và định giá hấp dẫn.
Có thể NĐT sẽ đổ dồn vào phiên chào sàn của Techcombank (dự kiến trong tháng 6) với mã TCB. Trước khi chào sàn, NH này liên tục khuấy động thị trường từ mức tăng phi mã của CP và nhu cầu của thị trường. Mới đây, Techcombank thông báo kết quả giao dịch bán hơn 64,4 triệu CP với giá 128.000 đồng/CP. Điều này cho thấy lực cầu vẫn còn rất lớn. Giới đầu tư kỳ vọng TCB sẽ tăng mạnh sau khi lên sàn và kéo theo toàn bộ thị trường. Có thể xem đây là cú hích về mặt tâm lý, giúp thị trường thoát khỏi xu hướng lình xình như hiện nay. 
Bên cạnh, với P/E ở mức hợp lý hơn (18,8x) sau pha điều chỉnh, lãi ròng 100 doanh nghiệp niêm yết trong quý I-2018 tăng trưởng 26% và mới nhất là việc Fitch nâng hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB được kỳ vọng thu hút hơn nữa sự chú ý của NĐTNN đối với TTCK.

Các tin khác