Thế cờ duyên nợ của BMP và NTP

(ĐTTCO) - CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) và CTCP Nhựa Thiếu niên tiền phong (NTP) được xem bộ đôi có nhiều “duyên nợ” nhất trên TTCK hiện nay.
Hiện cả 2 doanh nghiệp này đang liền kề nhau trong danh sách thoái vốn của SCIC, nhưng thực tế họ đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường nhựa và cùng nằm trong “bàn cờ” thâu tóm của các đối tác ngoại.
Vòng xoáy thâu tóm
Cả BMP và NTP đều là những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nhựa, nên cơ cấu cổ đông cũng hết sức đa dạng với nhiều tổ chức là NĐTNN. Thời gian gần đây, cơ cấu cổ đông của NTP có nhiều biến động, nhất là khi cổ đông ngoại có thâm niên là The Nawaplastic Industries (Thái Lan) vừa bán toàn bộ 21,3 triệu cổ phần (tương đương 24% vốn điều lệ) tại NTP. Cùng thời điểm này, một đối tác chiến lược quen thuộc khác là Sekisui Chemical (Nhật Bản) chính thức trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại NTP sau khi mua vào 13,4 triệu cổ phần (tương đương 15% vốn điều lệ). SCIC hiện là cổ đông lớn nhất với 37,1% cổ phần. 
Sekisui Chemical đã có quan hệ làm ăn với NTP thông qua các thỏa thuận bán sản phẩm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật (thời điểm này The Nawaplastic Industries chưa thoái vốn). Theo thỏa thuận hợp tác, NTP sẽ chịu trách nhiệm như một kênh phân phối sản phẩm của Sekisui Chemical như sản phẩm hố ga và hộp kiểm tra bằng nhựa PVC cho các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, NTP còn nhận chuyển giao từ Sekisui Chemical các công nghệ mới, khuôn, các thiết bị sản xuất và bán các sản phẩm mang thương hiệu của tập đoàn này. Đến tháng 7-2017, Sekisui Chemical tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với CTCP Nhựa Thiếu niên tiền phong Miền Nam (công ty liên kết của NTP) để sở hữu 25% cổ phần.
Chính vì vậy, việc The Nawaplastic Industries thoái vốn đã mang lại cơ hội lớn cho Sekisui Chemical nâng tỷ lệ sở hữu tại NTP với tham vọng thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam. Thậm chí, trong đợt thoái vốn sắp tới của SCIC, Sekisui Chemical sẽ tiếp tục mua thêm nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng tại một trong những doanh nghiệp nhựa lớn nhất hiện nay. Theo kế hoạch, SCIC sẽ chào bán 24,16 triệu cổ phần tại BMP (tương đương 29,51% vốn).
Thế cờ duyên nợ của BMP và NTP ảnh 1
Không như NTP, cơ cấu cổ đông của BMP tương đối ổn định trong khoảng 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc SCIC vừa có quyết định đưa doanh nghiệp này vào danh sách thoái vốn sẽ khiến cho cơ cấu cổ đông của BMP ít nhiều bị biến động. Theo nhận định của CTCK FPT (FPTS), sau khi thoái vốn khỏi NTP, nhiều khả năng The Nawaplastic Industries sẽ đầu tư vào BMP nhằm duy trì ảnh hưởng tới ngành ống nhựa tại Việt Nam, quốc gia có nhu cầu xây dựng cơ bản lớn trong khu vực.
Lý do FPTS đưa ra nhận định này là do công ty mẹ của The Nawaplastic Industries là Tập đoàn SCG từ lâu đã thể hiện tham vọng chinh phục ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp nhựa vật liệu xây dựng.

Áp lực cạnh tranh 
Trái ngược với sức nóng của những thương vụ thâu tóm, tình hình sản xuất kinh doanh của cả 2 doanh nghiệp lại khá ảm đạm trong thời gian gần đây. Theo thống kê, sản lượng tiêu thụ ống nhựa của BMP và NTP trong quý III vẫn tăng tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng tốc độ tăng đã giảm đi rất nhiều so với giai đoạn 2014-2016.
Cụ thể, đà tăng trưởng của BMP và NTP bị chững lại do tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường ống nhựa với tỷ lệ tăng chỉ đạt 7,9% và 6,9% so với mức tăng trên 20% của năm 2016. Điều đáng nói là sự suy giảm tốc độ tăng trưởng không đến từ các yếu tố sản xuất bên trong doanh nghiệp, mà đến từ yếu tố đầu ra với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường ống nhựa xây dựng như Hoa Sen (HSG) hay Tân Á Đại Thành.
Đây là hiện tượng được lãnh đạo doanh nghiệp dự báo từ trước, thông qua các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2017 chỉ bằng phân nửa so với 2016.
Để có thể duy trì thị phần như hiện tại, BMP và NTP buộc phải áp dụng tỷ lệ chiết khấu cao. Theo thống kê, tỷ lệ chiết khấu thực tế trên giá bán của NTP luôn duy trì cao hơn BMP. Cụ thể, tỷ lệ chiết khấu của NTP là 14% trong giai đoạn 2015-2016, trong khi BMP đạt mức 11% cuối năm 2016.
Trước áp lực cạnh tranh từ NTP, lãnh đạo BMP đã lên kế hoạch tăng tỷ lệ chiết khấu thêm 3% trong năm 2017 (ngang với NTP), nhưng kế hoạch này đã không thể thực hiện do giá nguyên liệu đầu vào diễn biến trái chiều so với kế hoạch. Do đó, BMP không thể tăng tỷ lệ chiết khấu nhằm níu giữ lợi nhuận không bị sụt giảm. 
Thế nhưng, nếu tăng tỷ lệ chiết khấu lên đúng như kế hoạch BMP vẫn không thể bắt kịp một đối thủ khác là HSG. Hiện tỷ lệ chiết khấu của đối thủ này dành cho các đại lý là 20% đối với các sản phẩm uPVC, 25% đối với HDPE và 40-45% đối với các dòng sản phẩm PP-R. Mức tăng chiết khấu mạnh, kèm với các chương trình tặng thưởng, HSG chấp nhận chi mạnh tay để có được thị phần nhằm sớm thu được lợi nhuận từ mảng nhựa sau quá trình đầu tư xây dựng nhà máy tương đối lớn. Sức ép từ những đối thủ mới như HSG sẽ càng khiến cho thị trường ống nhựa trong nước thêm khó khăn và bào mòn lợi nhuận của BMP và NTP trong tương lai.
Dù kết quả kinh doanh trong giai đoạn khó khăn nhưng quyết định thoái vốn của SCIC lại là lực đẩy cho cả BMP và NTP trong 1 tháng trở lại đây với mức tăng lần lượt là 17% và 28%. Mức giá hiện tại của 2 mã CP này cũng gần tương đương nhau với 95.600 đồng/CP của BMP và 82.400 đồng/CP của NTP.

Các tin khác