Thanh khoản & trách nhiệm CTCK

TTCK diễn biến không thuận lợi, thanh khoản của CP sụt giảm. Có nhiều nguyên nhân, nhưng ở đây có phần trách nhiệm từ CTCK.

TTCK diễn biến không thuận lợi, thanh khoản của CP sụt giảm. Có nhiều nguyên nhân, nhưng ở đây có phần trách nhiệm từ CTCK.

Từ lợi ích NĐT

Mã CP SPM (CTCP S.P.M) chào sàn vào cuối tháng 5-2010 với giá 7.2, tăng được vài phiên lên 8.3 nhưng sau đó là chuỗi ngày giảm dần đều và hiện tại đang dao động quanh ngưỡng 5.5. SPM có vốn điều lệ 140 tỷ đồng, tương đương 14 triệu CP lưu hành; P/E của CP này ở đang xê dịch ở mức 5,8 lần, khá hấp dẫn.

NĐT theo dõi giá CP tại SSI. Ảnh: VIỆT DŨNG

NĐT theo dõi giá CP tại SSI. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong khoảng 1 tháng qua, SPM đã trải qua 5 phiên không có giao dịch, một số phiên chỉ có vài trăm CP được khớp. Tổng KLGD của SPM từ ngày 4-3 đến phiên ngày hôm qua chỉ mới đạt gần 14.000 CP, con số quá thấp. Một tổ chức nào đó, bây giờ thấy SPM giá rẻ, có ý định mua vào cũng rất khó, vì với thanh khoản “bèo” như vậy, chỉ cần tung một lệnh mua vài chục ngàn mỗi ngày, CP có thể liên tục tăng trần và không ai bán.

Một loạt CP ngành cao su cũng rơi vào tình trạng kém thanh khoản. Điển hình như DPR (Cao su Đồng Phú) được đánh giá cao nhờ nắm trong tay hàng chục triệu USD, nhưng KLGD 3 phiên vừa qua cộng lại chưa được 5.000 CP. TRC (Cao su Tây Ninh) còn thảm hơn khi có đến 4 phiên “liệt” thanh khoản trong 10 phiên gần nhất.

Ai cũng nói CP cao su đang có giá hấp dẫn, nhưng cần lưu ý giá trị CP tỷ lệ thuận với thanh khoản, không có thanh khoản, giá trị CP cũng chỉ bằng tờ giấy trắng. NĐT nhìn thị trường chung giảm, tất yếu sẽ bán ra CP; thanh khoản kém, nhiều người bán không được sẽ gây ra tình trạng “dồn toa” và CP có thể giảm quá đà trong khi bên mua thấy thanh khoản kém cũng không dám bắt đáy.

Các doanh nghiệp (DN) niêm yết, thông thường sẽ có một hoặc một vài CTCK đối tác. Rất nhiều NĐT có kinh nghiệm đã nói thẳng rằng nguyên nhân CP bị mất thanh khoản nằm ở các CTCK này. Một vài nguyên nhân có thể kể ra đây là việc CTCK tư vấn cho DN đồng thời được “lại quả” mua CP với giá rẻ, sau khi DN lên sàn, phía CTCK lại đem CP ra bán chốt lời, khiến NĐT khác không dám mua vào.

Hoặc CTCK khi tư vấn niêm yết “vẽ” CP thật tốt đẹp, nhưng đến khi CP lên sàn, NĐT mua vào mới té ngửa mình bị ăn quả lừa và tháo chạy. Lý do nữa cũng khá tế nhị là việc DN chọn CTCK lớn tư vấn niêm yết để hy vọng CTCK sẽ hỗ trợ trong việc tạo thanh khoản cho CP nhưng cuối cùng khi thị trường giảm điểm, CTCK gặp nguy đã bỏ của chạy lấy người.

Đến lợi ích các DN

Trong vài năm trở lại đây, khi CTCK ký hợp đồng tư vấn niêm yết cho DN, thường có “thòng” thêm một thỏa thuận miệng về việc tạo thanh khoản cho CP. Xưa nay, lãnh đạo của các DN trong ngành cao su được tiếng là “lành”, nên nhiều NĐT suy luận rằng họ không quan tâm hoặc không biết đến những dịch vụ “chìm” như vậy nên thanh khoản của CP cứ mãi “đì đẹt”. Cách thức tạo thanh khoản “kinh điển” nhất là DN “gửi gắm” một lượng CP lớn, khoảng vài triệu CP để CTCK mua tay này bán tay kia, hoặc bán ra ngoài rồi lại mua vào lại nhằm đảm bảo KLGD trong một khoảng thời gian nào đó.

Về chuyện tiền bạc, sẽ bao gồm 2 phần: Phần thứ nhất là phí khi CTCK giao dịch CP cho DN, tất nhiên DN sẽ phải chịu. Phần thứ 2 là phí cho dịch vụ thì vô chừng hơn, CTCK nhỏ thường sẽ miễn phí để tạo quan hệ với DN và lấy tiếng, trong khi CTCK lớn tùy vào quan hệ sẽ tính tiền trong khoảng vài trăm triệu đồng một năm. Thực chất  số tiền này cũng không có gì ghê gớm mà chủ yếu để cho các “đạo diễn” ăn nhậu, cái đích sâu xa hơn mà CTCK nhắm đến là việc tạo thanh khoản rồi làm giá CP, đánh lên, đánh xuống để hưởng lợi. Cũng cần nói rõ hơn về chuyện “lấy tiếng” của CTCK, đó là việc mua đi bán lại một lượng lớn CP qua từng ngày sẽ giúp cho GTGD của CTCK tăng thêm và tiến vào top 10 môi giới.

Thông thường, khi nắm giữ một “cục” CP trong tay, những người tạo thanh khoản có thể đẩy hàng ra thị trường ồ ạt với giá sàn trong vài phiên để thử lửa. Nếu CP giảm về một mức giá nào đó, có NĐT bắt đáy, các “đạo diễn” sẽ kìm giá lại. Sau một thời gian lình xình, CP sẽ được đánh lên trở lại và đến khi nào CP bị bán ra thì mức giá đỉnh cũng được xác định. Từ đây CTCK sẽ xác định một ngưỡng “lý tưởng” cho CP để từ đó tự mình bán ra mua vào và cũng có thể giao dịch với thị trường. Nếu trong quá trình bán ra mua vào, CTCK bị hụt tiền, DN sẽ châm thêm, tất cả sẽ được thể hiện rõ ràng thông qua sao kê giao dịch. Thường số tiền này cũng không lớn nên DN cũng rất hào phóng “lì xì” cho CTCK.

Ngoài chuyện CTCK tự tạo thanh khoản cho CP, việc nhiều CTCK khác chia sẻ, rủ rê các đội lái bên ngoài cùng thực hiện cũng không phải là hiếm, từ đây đã xuất hiện hàng loạt rủi ro. Một thành viên đội lái đã nói thẳng rằng DN chơi với đội lái chỉ có thiệt thân, bởi lẽ chuyện tạo thanh khoản chỉ là những thỏa thuận miệng, không có giấy tờ, tai nạn nếu có xảy ra cũng chỉ đóng cửa bảo nhau thay vì đem nhau ra tòa.

Điển hình như nghi vấn làm giá AAA (CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát) trong năm vừa qua. Có những tin đồn rằng lãnh đạo của AAA thực chất cũng chỉ là “gà mờ” đưa tiền để các đội lái làm nóng CP của mình nhằm phục vụ cho việc phát hành, nhưng cuối cùng đã không kiểm soát được và bị cuốn theo. Chủ tịch HĐQT đã từng phát biểu trên một tờ báo điện tử rằng nếu được quyết định lại sẽ không niêm yết.

Khi một CP biến động thất thường, có yếu tố đầu cơ, làm giá, chịu thiệt đầu tiên chính là DN, vì uy tín đối với cổ đông, đối tác chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Cho dù lãnh đạo DN không biết, hoặc biết nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ thì chuyện cũng đã xảy ra và rất khó thay đổi.

Các tin khác