Tháng 6, chờ những cuộc đấu giá lớn

(ĐTTCO) - Thông qua 2 Sở GDCK Hà Nội (HNX) và TP.HCM (HOSE), hiện mới có 3 doanh nghiệp (DN) ấn định thời điểm tổ chức đấu giá bán cổ phần trong tháng 6 này. 
Satra sẽ tiến hành IPO trong quý II/2017 (Trong ảnh: Một cửa hàng tiện lợi của Satra - Ảnh: Lê Toàn)
Satra sẽ tiến hành IPO trong quý II/2017 (Trong ảnh: Một cửa hàng tiện lợi của Satra - Ảnh: Lê Toàn)
Nhưng theo các kế hoạch được công bố trước đó, nhà đầu tư có thể chờ đón đợt IPO của các DN lớn như Vinafood II, Satra, PV Oil…

Sau khi đã hoàn tất việc xác định giá trị DN, quý II/2017 là thời điểm một số “ông lớn” đặt tin rằng, có thể thực hiện IPO sau nhiều năm trì hoãn.

Thông tin từ Hội nghị Triển khai công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đầu năm, trong năm 2017, Bộ này sẽ tiến hành IPO đối với Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) trong quý II/2017. Tháng 5, Vigecam đã hoàn tất IPO, nếu đúng tiến độ, Vinafood 2 sẽ IPO trong tháng này.

Vinafood 2 tiền thân là Tổng công ty lúa gạo miền Nam, được thành lập năm 1976.  Ngoài gạo, Vinafood 2 kinh doanh các sản phẩm chế biến khác như bột ngọt, nước tương, mì, bánh kẹo…,  với thị trường nội địa là chủ yếu, chiếm 80-90% tổng sản lượng bán ra.

Vinafood 2 có vốn điều lệ 3.375 tỷ đồng, là “ông lớn” ngành nông nghiệp, nhưng có nhiều năm kinh doanh kém hiệu quả. Theo báo cáo năm 2016 của Vinafood 2, giai đoạn 2012-2015, tình hình sản xuất-kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh thu thường không đạt chỉ tiêu đề ra. Riêng 2 năm 2013 và 2014 lỗ nặng, tổng cộng hơn 1.158 tỷ đồng. Nguyên nhân được chỉ ra, ngoài yếu tố về thị trường còn là vấn đề trong công tác quản lý công nợ phải thu, năng lực điều hành yếu kém… Do đó, Vinafood 2 đã phải xin cơ chế đặc thù để xử lý nợ tại các công ty con, liên kết.

Vinafood 2 cho biết, sau khi thực hiện tái cơ cấu, tình hình đã khả quan hơn. Chẳng hạn, năm 2015 đã lãi trước thuế 26,5 tỷ đồng, năm 2016 lãi 134,16 tỷ đồng. Năm 2017, Vinafood 2 đặt kế hoạch doanh thu tổng hợp đạt 18.822,8 tỷ đồng, tăng 11,57% so với thực hiện 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 202,9 tỷ đồng, tăng 55,93%.

Cũng dự kiến thực IPO trong quý II/2017 là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Đầu tháng 3 vừa qua, lãnh đạo DN này phát biểu trước báo giới rằng, Satra cùng đơn vị tư vấn đã hoàn thành việc xác định giá trị tài sản DNNN và trình Ban chỉ đạo cổ phần hóa Thành phố. 

Theo thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về phương án sắp xếp DNNN trực thuộc UBND TP.HCM giai đoạn 2016-2018, vào cuối năm 2016, Nhà nước giữ trên 65% vốn điều lệ khi bán cổ phần lần đầu. Sau năm 2019 sẽ thoái vốn xuống dưới 50% vốn điều lệ tại Satra.

Satra là 1 trong 17 DNNN hàng đầu tại TP.HCM, với 60 công ty thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất chế biến, xuất nhập khẩu và thương mại, dịch vụ... Năm 2016, doanh thu trên toàn hệ thống  của Satra đạt 55.266 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2015; lợi nhuận đạt gần 11.100 tỷ đồng, tăng 26,2%. Riêng Công ty mẹ Satra đạt doanh thu 9.556 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2.700 tỷ đồng.

Satra cho biết, trong năm 2017 sẽ đẩy mạnh triển khai các công trình trọng điểm như dự án Khu thương mại Bình Điền, trong đó có đầu tư kinh doanh dịch vụ logistic và hệ thống kho lạnh mới; dự án Sàn giao dịch hoa, cây cảnh (liên kết giữa 2 trung tâm giao dịch hoa của Đà Lạt và TP.HCM)…

Một DN lớn khác có kế hoạch IPO gây chú ý là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL). Theo thông tin mới nhất, PVOIL đang trình Bộ Công thương phê duyệt phương án cổ phần hóa mà Nhà nước sẽ chỉ giữ lại 35,1% vốn và chào bán toàn bộ 64,9% vốn còn lại ra thị trường.

Hiện tại, danh sách nhà đầu tư chiến lược quan tâm đến PVOIL gồm 10 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Nga, Đông Nam Á và 2 tổ chức trong nước.

Là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), PV Oil đang là nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 tại Việt Nam, với sản lượng trên 3 triệu m3/tấn/năm, chiếm thị phần khoảng 22% (sau Petrolimex là 50%). Đến thời điểm hiện tại, PV Oil có 31 công ty con sở hữu trên 50% vốn, 11 công ty liên kết và 7 chi nhánh trực thuộc.

Theo kết quả xác nhận của Kiểm toán Nhà nước, PVOIL được xác định có giá trị doanh nghiệp là 10.342 tỷ đồng. Ước tính kết quả kinh doanh hợp nhất 4 tháng đầu năm 2017, PVOIL đạt doanh thu hơn 16.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 250 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, PVOIL sẽ tiến hành IPO trong tháng 6 này. Nhưng theo một số nguồn tin, kế hoạch này có thể phải dời sang tháng 7.

Ngoài các “ông lớn” nói trên, trong tháng 6, có 3 DN xác định ngày thực hiện đấu giá bán cổ phần (đều tại HNX) là Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, CTCP Xây lắp và dịch vụ Bưu điện Cà Mau và CTCP Bến xe Kon Tum.

Đáng chú ý trong đó là đợt IPO của Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. DN này sẽ đưa hơn 6,8 triệu cổ phần (15,95% vốn điều lệ) đấu giá ra công chúng, vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa là 428 tỷ đồng.

Các tin khác