Thận trọng đón sóng ETF

(ĐTTCO) - Theo kế hoạch, kỳ cơ cấu (review) cuối cùng trong năm 2017 của các quỹ ETF sẽ diễn ra vào ngày 15-12 và ngày 18-12. Đây chính là thời điểm nhiều nhà đầu tư (NĐT) tranh thủ mua vào những mã cổ phiếu (CP) được dự báo sẽ thêm vào rổ ETF. Tuy nhiên, việc đón sóng ETF không hề đơn giản cứ mua vào những mã được thêm vào rổ ETF là thắng.
 
2 kịch bản cho VNM ETF
Theo nhận định từ Công ty chứng khoán (CTCK) KIS Việt Nam (KIS), với số liệu được cập nhật đến ngày 20-11, có 6 CP thỏa mãn các điều kiện để được lựa chọn vào rổ chỉ số của VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) gồm: CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII), CTCP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG), CTCP Tập đoàn FLC (FLC), Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Tổng CTCP Khoan và Dịch khoan dầu khí (PVD) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB).
VNM ETF hiện có tổng tài sản 329,1 triệu USD với 25 CP thành phần, trong đó có 18 CP Việt Nam và 7 CP nước ngoài. Dựa vào những diễn biến trong những lần cơ cấu danh mục gần đây cùng với các tiêu chí của quỹ, dự kiến sẽ có 2 kịch bản có thể xảy ra.
Kịch bản thứ nhất, VMN ETF thêm vào SHB và không loại bất cứ mã nào của Việt Nam với tỷ trọng giữ nguyên so với kỳ cơ cấu trước là 76,4%. Trong số 6 CP thỏa mãn điều kiện được thêm vào rổ trong đợt cơ cấu này, khả năng SHB sẽ là CP được lựa chọn với tỷ trọng được mua vào dự đoán là 1,2%, tương ứng gần 4 triệu CP.
Hiện tại, SHB đáp ứng đầy đủ các điều kiện như mức vốn hóa gần 400 triệu USD, tỷ lệ free float và room cho NĐTNN lần lượt 84% và 25,6%. Bên cạnh đó, yếu tố về cơ bản tích cực trong năm nay và mức độ ổn định của thanh khoản so với các CP là yếu tố hỗ trợ giúp SHB được đánh giá cao hơn các CP còn lại khác. Ngoài ra, trong trường hợp có CP nào đó bị loại ra thì thứ tự các CP ưu tiên tiếp theo được thêm vào trong kỳ review tới được kỳ vọng sẽ là: CII, PVD, KBC và DXG.
Đồng thời, cơ cấu danh mục của quỹ vẫn đảm bảo tỷ trọng của CP Việt Nam là 76,4% như kỳ review trước.  Ngược lại, các CP như CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC), CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS), CTCP Sữa Việt Nam (VNM) sẽ bị bán ra để tái cơ cấu danh mục khi quỹ có quy định mức sở hữu tối đa cho 1 CP thành phần là 8%. Thay vào đó, quỹ cũng sẽ thực hiện mua vào ở các CP còn lại trong danh mục để đáp ứng đủ tỷ trọng.
Với kịch bản thứ 2, quỹ này sẽ giữ nguyên toàn bộ danh mục của CP Việt Nam và thêm vào 1,2% tỷ trọng của SHB. Bên cạnh đó, CII cũng là CP thỏa mãn đầy đủ những tiêu chí của quỹ trong đợt xét cơ cấu lần này và kỳ vọng CII sẽ được thêm vào rổ chỉ số với tỷ lệ 1%. Sở dĩ CII được đánh giá cao so với các CP khác là do vốn hóa của mã này cao nhất so với 4 CP còn lại là PVD, KBC, FLC và DXG. Hiện tỷ lệ free float của CII đang ở mức tương đối cao, nhưng yếu tố về room nước ngoài được xem là rào cản lớn nhất cho CII khi tỷ lệ hiện tại chỉ là 12,8%.
Ở chiều ngược lại, 3 mã VIC, ROS, VNM sẽ bị bán ra để tái cơ cấu danh mục khi quỹ có quy định mức sở hữu tối đa cho một CP là 8%. Bên cạnh đó, quỹ cũng thực hiện mua vào các CP còn lại nhưng việc mua vào sẽ ít hơn so với kịch bản 1.
Thận trọng đón sóng ETF ảnh 1 Đáp ứng đầy đủ các điều kiện nên nhiều khả năng mã SHB sẽ được đưa vào rổ ETF kỳ tới. 
Trong một dự báo khác, ông Nguyễn Vũ Luân, Chuyên viên môi giới cấp cao tại CTCK VNDirect (VND), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) có thể bị loại do phạm tiêu chí về vốn hóa. Do loại ra 1 mã nên VNM ETF phải thêm mới 1 mã khác để đảm bảo tối thiểu 25 CP. Do đó, khả năng sẽ là SHB vì đạt đầy đủ điều kiện có thể thêm vào.
Ông Luân cũng đưa ra khả năng CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng có khả năng bị loại do giá đã giảm mạnh gần đây ảnh hưởng đến vốn hóa. Nếu loại 2 mã trong danh mục buộc VNM ETF phải thêm 2 mã khác vào.
Trong trường hợp đó, ngoài mã SHB, VNM ETF có thể thêm vào 1 mã nước ngoài hoặc CTCP Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS) dù 2 CP này chưa đạt hết các điều kiện, giống như trường hợp CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (NVL) trong lần review trước.

Nhiều mã bị loại khỏi rổ FTSE
Tương tự, với số liệu được cập nhật đến ngày 20-11, danh mục đầu tư của FTSE Việt Nam Index (FTSE) sẽ có nhiều sự thay đổi trong kỳ review quý IV này. Cụ thể, theo tính toán của KIS, CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) và CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) sẽ là 2 CP thỏa mãn những tiêu chí về vốn hóa, thanh khoản, free float và room NĐTNN để được thêm vào rổ chỉ số.
Tuy nhiên,trước đó PDR đã bị loại trong kỳ review vào quý I-2017, mà theo quy định của quỹ thì CP nào đã bị loại khỏi thì cần phải 12 tháng sau mới có thể quay trở lại bất chấp việc có đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Do đó, khả năng chỉ có duy nhất BMP được thêm vào trong kỳ review tới với tỷ trọng được thêm vào dự báo là 2% (tương đương giá trị gần 5,5 triệu USD).
Ở chiều ngược lại, sẽ có khá nhiều CP bị loại ra khỏi danh mục FTSE khi không đáp ứng đủ các điều kiện như: Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) và CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) bị loại ra do không đáp ứng về kiện kiện thanh khoản. Bên cạnh đó, 3 mã gồm CTCP GTNfood (GTN), FLC và CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) cũng có khả năng bị loại, mặc dù đáp ứng được các tiêu chí chính về vốn hóa, thanh khoản, free float hay room nước ngoài.
Theo tiêu chí phụ của FTSE, CP phải có tỷ trọng vốn hóa đầu tư được ít nhất là 0,5% so với rổ FTSE mới được giữ lại. Thống kê cho thấy, cả 3 mã này đều nằm dưới chuẩn trên với lần lượt tỷ lệ 0,4%, 0,4% và 0,2%. Ngoài việc thêm vào và loại ra nhiều khả năng FTSE sẽ cân nhắc mua thêm các CP còn lại trong danh mục để đảm bảo đủ cơ cấu tài sản vẫn giữ ở mức khoảng 274 triệu USD. 

Khó đoán định
Đúng như dự báo của KIS, cuối tuần vừa qua, FTSE đã có thông báo thêm duy nhất BMP vào danh mục lần này và loại ra khỏi danh mục 3 mã DPM, ITA và ASM. Cùng với thông tin SCIC thoái vốn, thông tin này đã góp phần trợ giúp BMP tăng từ 87.000 đồng/CP lên 95.000 đồng/CP (tương đương 9%).
Tương tự, thông tin SHB sẽ được thêm vào rổ VNM ETF đẩy mã CP này tăng từ 7.900 đồng/CP lên 9.400 đồng/CP (tương đương 19%). Các mã được dự báo sẽ được thêm vào cũng tạo sức hút trong những phiên giao gần đây cả về giá CP lẫn thanh khoản như: PLX, PVS, CII, PVD, KBC, FLC, DXG. 
Ngược lại, dù bị loại khỏi rổ FTSE nhưng DPM, ITA và ASM gần như không bị tác động nhiều bởi thông tin bất lợi này. Các mã được dự đoán sẽ ra khỏi rổ VNM ETF như VIC, VNM, ROS cũng không khiến cho bên nắm giữ lo ngại và bán tháo CP. Tuy nhiên, hiện tượng này không có nghĩa là những mã CP này sẽ “bình an” khi các quỹ ETF tiến hành tái cơ cấu trong ngày 15-12 đối với FTSE và 18-12 đối với VNM ETF.
Thực tế, các quỹ ETF chỉ mua hoặc bán trong ngày thực hiện review nên đó mới chính là thời điểm CP biến động dữ dội nhất. Nhưng điều này không có nghĩa NĐT cứ mua vào CP dự kiến được thêm vào là thắng, bởi mọi chuyện đều có thể thay đổi vào những phút cuối cùng. 
Như trường hợp của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) trong kỳ review quý III-2015. Ban đầu, VNM ETF thông báo đưa BID vào rổ chỉ số quý III, vài ngày sau lại điều chỉnh giữ nguyên tỷ trọng và cuối cùng tuyên bố loại khỏi rổ.
Sự bất nhất của quỹ ETF này khiến nhiều NĐT chạy theo sóng ETF bị thiệt hại đáng kể. Ngay cả với các CTCK, dù nghiên cứu rất kỹ về rổ đầu tư của các quỹ ETF nhưng không có nghĩa dự báo của họ chính xác và thường không đồng nhất.

Các tin khác