Tận dụng lợi thế về khí phát triển nguồn điện

(ĐTTCO) - Với chỉ 1 nhà máy điện Cà Mau 1 đi vào hoạt động từ năm 2007, sau 10 năm, PV Power đã nắm trong tay một loạt các nhà máy điện quy mô lớn.
Nhà máy điện Vũng Áng 1.
Nhà máy điện Vũng Áng 1.
Cụ thể như: Nhà máy điện Cà Mau 1&2, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1& 2, Nhà máy Thủy điện Hủa Na, Nhà máy Thủy điện Đakđrinh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1… Đến nay, PV Power đã khẳng định vị thế là nhà cung cấp điện lớn thứ 2 của đất nước với 138 tỷ kWh điện cung cấp cho nền kinh tế, chiếm tỷ trọng trên 13% tổng sản lượng điện quốc gia.
Nhiệt điện chạy than, khí vẫn là nguồn điện chủ lực
Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng Giám đốc PV Power, sau 10 năm tổng công suất nguồn của PV Power đang duy trì ổn định ở mức 4.208MW, tăng trưởng điện năng trong suốt những năm qua liên tục duy trì ở mức 9-10%. Quy mô tổng tài sản đạt gần 70.000 tỷ đồng, tăng 24.400 tỷ đồng so với thời điểm hình thành, nguồn vốn chủ sở hữu đạt trên 27.300 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, PV Power có tổng doanh thu đạt hơn 180.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 9.600 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 8.800 tỷ đồng.
Trong những năm tới, khi các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng ít đi, xu thế phát triển công nghiệp hài hòa với môi trường sẽ trở thành chủ đạo, cơ hội sẽ đến cùng nhiều thách thức, đặc biệt là việc phát triển các nguồn nhiên liệu mới, sạch, xanh mà vẫn đảm bảo sức cạnh tranh.
Chính vì vậy, theo ông Hòa, với định hướng chiến lược đã được Chính phủ chấp thuận, ngành công nghiệp điện lực dầu khí là một trong 5 lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó mục tiêu đến giữa thập niên tới sẽ hoàn tất tiếp nhận vận hành 3 dự án điện than và đầu tư mới 9 dự án điện khí với tổng công suất tăng thêm khoảng hơn 10.000MW, tương đương tổng sản lượng điện hàng năm sẽ tăng thêm khoảng 50 tỷ kWh.
Theo GS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, PV Power đang đi đúng hướng với thế mạnh của điện lực dầu khí, tập trung vào nguồn năng lượng tổng công ty khai thác được. Riêng với việc sử dụng năng lượng dầu và khí, PV Power có sẵn để phát điện nên đây là thế mạnh. Không những vậy, xu thế chung, năng lượng dầu và khí mang lại nhiều ưu việt lớn như đảm bảo nguồn điện năng lớn lại không gây nhiều vấn đề về môi trường.
Tại lễ kỷ niệm 10 năm diễn ra ngày 17-5, đánh giá cao những nỗ lực của PV Power thời gian qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng dự báo đến năm 2020, nhu cầu năm 2020 có thể gấp 1,5 lần hiện nay, trong khi đó thuỷ điện đã đến “ngưỡng”, không thể tiếp tục phát triển. Do đó, bắt buộc phải phát triển các nguồn điện thay thế song việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hiện chưa thể triển khai trên quy mô lớn do chi phí quá cao. 
Vì vậy, nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện chạy than, chạy khí vẫn là nguồn điện chủ lực trong giai đoạn từ nay đến 2030 và có thể những năm sau đó. Việc phát triển nguồn điện còn gặp khó khăn do cần kinh phí lớn, trong khi đó năng lực của các nhà đầu tư còn hạn chế và việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng, vốn nước ngoài cũng gặp khó khăn do trần nợ công đang ở mức cao.
Để đáp ứng nhu cầu điện trong nước, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty cần tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện đúng tiến độ các dự án nhiệt điện đang triển khai (Thái Bình 2, Long Phú 1 và Sông Hậu 1); khẩn trương hoàn thành các thủ tục để tổ chức triển khai thực hiện các dự án điện khí (miền Trung 1, miền Trung 2, Sơn Mỹ 2, Nhơn Trạch 3 và 4...) theo đúng tiến độ đã được Chính phủ giao, bảo đảm chất lượng và hiệu quả đầu tư, không để xảy ra thất thoát lãng phí. Đồng thời phải bảo đảm vận hành tuyệt đối an toàn, hiệu quả các nhà máy điện khí đã đầu tư.
Tận dụng lợi thế về khí phát triển nguồn điện ảnh 1 Nhà máy điện  Nhơn Trạch 1.
Cổ phần hóa hiệu quả, minh bạch hơn
Để đa dạng kênh huy động vốn các dự án điện ngoài kênh tín dụng, PV Power đang xây dựng kế hoạch cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo lộ trình, việc IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) sẽ thực hiện trong khoảng quý III.
Sau khi IPO thành công sẽ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và cuối năm 2017, đầu năm 2018 dự kiến sẽ tổ chức đại hội cổ đông lần đầu. Hiện PV Power đang có danh mục 50 nhà đầu tư tiềm năng trên toàn thế giới và sẽ rút lại khoảng 10 nhà đầu tư để có lựa chọn cuối cùng. 
Theo đại diện PV Power, trong cổ phần hóa, tổng công ty sẽ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng và dành cho nhà đầu tư chiến lược 45% tổng số cổ phần của PV Power, thậm chí có thể lên tới 60% nếu Chính phủ cho phép.
Hiện tổng công ty này cũng đang xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa với mục tiêu trở thành tổng công ty công nghiệp điện – dịch vụ mạnh, năng động và có năng lực cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh điện, cung cấp các sản phẩm dịch vụ liên quan, trong đó lấy sản xuất điện là trọng tâm hàng đầu. 
Ông Hòa cũng kỳ vọng, việc cổ phần hóa thành công sẽ “đem lại phần thặng dư vốn đáng kể cho chủ sở hữu cũng như chuyển đổi thành công sang mô hình quản lý tiên tiến, hiệu quả, minh bạch hơn”.

Các tin khác