Tái cơ cấu ETF nhưng vẫn có lực đẩy

(ĐTTCO) - Dù chịu áp lực bán ra của các quỹ ETF trong đợt tái cơ cấu quý I-2019, nhưng VN Index vẫn không bị ảnh hưởng nhiều và giữ được mốc 1.000 điểm. Đây chính là cơ sở để giới phân tích đưa ra những nhận định lạc quan về thị trường trong tuần này.

Giữ được mốc 1.000 điểm  
Đúng như dự báo của giới phân tích, diễn biến của thị trường trong phiên giao dịch ngày 15-3 đã không có nhiều biến động mạnh, khi 2 quỹ ETF ngoại là FTSE và VNM ETF thực hiện các giao dịch trong đợt tái cơ cấu quý I-2019. Trong phiên giao dịch này, ngoại trừ HPG (Hòa Phát) giảm mạnh, các mã CP vốn hóa lớn dù bị các quỹ ETF bán ra mạnh vẫn không biến động nhiều nhờ lực cầu từ phía đối ứng.
Đơn cử là bộ 3 VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes) và VRE (Vincom Retail). Đây là 3 mã CP nằm trong danh sách giảm bớt tỷ lệ nắm giữ của cả 2 quỹ ETF, nhưng trong phiên giao dịch này bộ 3 này chỉ giảm nhẹ lần lượt là 100 đồng, 700 đồng và 500 đồng. Nhờ vậy, VN Index chốt phiên với mức giảm chỉ có 4,32 điểm (tương đương 0,43%) và giữ được mốc 1.000 điểm. Điểm sáng trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua là thanh khoản thị trường tăng mạnh với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 7.300 tỷ đồng. 
Như vậy, VN Index dù điều chỉnh giảm trong phiên 15-3, nhưng thị trường vẫn có tuần tăng điểm hết sức tích cực. Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, VN Index tăng 18,87 điểm (tương đương 1,92%) lên mức 1.004,12 điểm.
Những mã CP có tác động tích cực nhất là VCB (Vietcombank), BID (BIDV) và VRE khi đóng góp lần lượt 3,62 điểm, 3,34 điểm và 1,99 điểm. Ngược lại, những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất là HPG, MSN (Masan) và YEG (Yeah1) khi lấy đi của chỉ số lần lượt 1,33 điểm, 1,17 điểm và 0,5 điểm giảm.
Tái cơ cấu ETF nhưng vẫn có lực đẩy ảnh 1 Áp lực bán ra của các quỹ ETF trong tuần qua vẫn không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số VN Index. 
Kỳ vọng CP vua
Về nhóm ngành, CP ngân hàng là nhóm ngành góp công lớn giúp VN Index chinh phục thành công mốc 1.000 điểm, với mức tăng cao nhất trong tuần vừa qua (tăng 5,99%). Trong đó, 3 mã tăng mạnh nhất là BID, CTG (Vietinbank) và VCB với mức tăng lần lượt 9,41%, 7,08% và 5,10%. Nhóm CP dầu khí cũng ghi nhận mức tăng 1,37% với 2 mã đầu ngành là GAS (PV Gas) và PLX (Petrolimex). Nhóm CP bất động sản tăng 1,25% nhờ diễn biến tích cực của bộ 3 VIC, VHM và VRE.
Việc VN Index giữ được mốc 1.000 điểm bất chấp áp lực bán ra từ khối ngoại, khiến cho giới phân tích đưa ra nhận định khá lạc quan về thị trường trong phiên giao dịch tuần này. Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), thị trường dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến theo chiều hướng tăng điểm, nhưng sẽ đan xen các phiên điều chỉnh tích lũy.
Đà đi lên của chỉ số được dự báo dao động trong vùng 1.000-1.024 điểm, kèm theo sự phân hóa mạnh giữa các dòng CP. Sau kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF,
NĐTNN được kỳ vọng sẽ trở lại mua ròng trong tuần này. Bên cạnh đó, việc chứng chỉ quỹ E1VFVN30 vẫn được khối ngoại duy trì hoạt động mua ròng, sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho diễn biến của thị trường. 
Nhóm CP ngân hàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực để hỗ trợ và giữ nhịp cho đà đi lên của thị trường. Ngoài ra, một số mã CP có vốn hóa lớn chịu áp lực bán giảm tỷ trọng trong danh mục của các quỹ ETF, có thể sẽ hồi phục tăng điểm trở lại trong những phiên đầu tuần. Ngoài nhóm ngân hàng, dòng tiền dự kiến sẽ dịch chuyển sự quan tâm nhiều hơn đến nhóm CP dầu khí và bất động sản. 
 3 quỹ ETF lớn đã phát hành gần 2.200 tỷ đồng giá trị chứng chỉ quỹ trong 2 tháng đầu năm 2019. Trong đó, 2 quỹ FTSE và VFMVN30 ETF đầu tư toàn bộ vào CP Việt Nam, còn quỹ VNM ETF (phát hành gần 1.100 tỷ đồng) có 75% tài sản là CP Việt Nam. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng mua ròng 680 tỷ đồng chứng chỉ quỹ VFMVN30 ETF. Như vậy đã có gần 2.000 tỷ đồng vốn ngoại được bơm ròng vào TTCK Việt Nam thông qua 3 quỹ ETF này, trong tổng số 3.600 tỷ đồng giá trị mua ròng của khối ngoại từ đầu năm.

Các tin khác