Tái cấu trúc CTCK

Tôi rất tâm đắc với chủ đề “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán - Bắt đầu từ đâu?” trên ĐTTC ra ngày 14-3. Đúng là thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam còn quá nhiều rủi ro, các sản phẩm quá lạc hậu, luật chứng khoán chưa chặt chẽ… Theo tôi, tái cấu trúc TTCK phải thực hiện từng phần, từng giai đoạn, có thể trước mắt tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK) và điển hình là các công ty có thế mạnh trực thuộc ngân hàng.

Tôi rất tâm đắc với chủ đề “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán - Bắt đầu từ đâu?” trên ĐTTC ra ngày 14-3. Đúng là thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam còn quá nhiều rủi ro, các sản phẩm quá lạc hậu, luật chứng khoán chưa chặt chẽ… Theo tôi, tái cấu trúc TTCK phải thực hiện từng phần, từng giai đoạn, có thể trước mắt tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK) và điển hình là các công ty có thế mạnh trực thuộc ngân hàng.

5-6 năm trước, Agriseco (AGR - CTCK thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), VietinBankSC (CTS - CTCK thuộc Ngân hàng Công Thương), VCBS (CTCK thuộc Ngân hàng Ngoại Thương) hay BSC (CTCK thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển) rất đình đám trên thị trường. Nhưng sau giai đoạn khủng hoảng năm 2008, các CTCK trên đã lui về “ở ẩn” chưa hẹn ngày trở lại.

 

Nếu lấy trường hợp của CTCK Dầu Khí (PSI) đứng ra tư vấn, đưa lên sàn hàng loạt công ty của Petro Vietnam (PVN), có thể làm thí dụ cho việc “mẹ” hỗ trợ “con” thì cũng có thể suy luận: Các ngân hàng mẹ như Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank sẽ phải đứng ra hỗ trợ hết sức cho CTCK “con” của mình về thị phần giống PVN “chăm” cho PSI. Nhưng điểm khác biệt nằm ở chỗ nếu PVN đứng ra chỉ đạo các con của mình phải sử dụng sản phẩm của PSI thì các ngân hàng không thể “ép” khách hàng của mình bắt tay với CTCK con. Cái thế giữa ngân hàng và doanh nghiệp bây giờ đã khác xưa và nhiều khi ngân hàng còn phải chịu “nhún”.

Chuyện các chi nhánh ngân hàng có từng khách hàng khác nhau và chuyện CTCK “kết thân” với nhiều chi nhánh cũng không đơn giản. Chính vì vậy, nảy sinh chuyện giám đốc chi nhánh ngân hàng nếu quen biết với một CTCK bên ngoài vẫn có thể giới thiệu khách hàng của mình gặp doanh nghiệp đó thay vì gặp CTCK nhà. Một lý do cũng cần nói thêm là “tàn tích” lúc chưa cổ phần hóa vẫn tồn tại ở một số công ty nên không tránh khỏi chuyện những “cây đa, cây đề” mặc dù làm không được việc nhưng vẫn ở lại và trở thành gánh nặng. Bên cạnh đó, việc chảy máu nhân sự vào giai đoạn 2006-2007 cũng khiến các CTCK này phải tốn rất nhiều thời gian để gầy dựng lại lực lượng. Như trường hợp của BSC, CTCK đầu tiên của ngành ngân hàng tham gia lĩnh vực chứng khoán, hàng loạt nhân sự cao cấp tại các CTCK lớn hiện nay đều có xuất thân từ BSC.

Cả năm 2010 CTS chỉ lãi hơn 20 tỷ đồng, chưa bằng phân nửa CTCK “đàn em” APEC (APS). Cuối tuần qua, APS đóng cửa tại mức giá xấp xỉ 1.0. Xét về mặt thị giá, cổ phiếu này đang rẻ nhưng cần lưu ý là P/E lên đến hơn 30 lần. Năm 2011 CTS đặt kế hoạch 90 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó giảm tỷ trọng hoạt động tự doanh từ 70-85% tổng doanh thu xuống chỉ còn 2-3% trong khi đề ra chỉ tiêu cho bộ phận tư vấn doanh nghiệp đạt 50 tỷ đồng. Nhưng dù kế hoạch này có thành công thì EPS năm 2011 của CTS cũng chỉ đạt khoảng 1.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E năm 2011 xấp xỉ 10 lần, cũng không phải quá rẻ. 

Nhân sự cao cấp cũng là một vấn đề rất đau đầu cho nhóm CTCK “đại thụ” nếu muốn lấy lại thanh thế cho mình. Ngoài tự doanh thì mảng bảo lãnh phát hành của doanh nghiệp cũng tạo ra nguồn thu đáng kể cho các CTCK. Nhưng để có thể thi thố trong mảng này, CTCK đòi hỏi phải có mối quan hệ rộng khắp cùng đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Việc “ngủ đông” thời gian dài đã làm vị thế của tứ đại gia trên sụt giảm đáng kể trong khi đó lương bổng chưa bao giờ là điểm mạnh của nhóm này. Lấy thí dụ đơn giản, để tuyển một chuyên viên tư vấn tài chính doanh nghiệp lành nghề, mức lương tại các CTCK tư nhân sẽ vào tầm 1.000USD/tháng trở lên nên rất khó để những người có bằng cấp, kinh nghiệm, thậm chí du học về chấp nhận mặt bằng lương 5 triệu cho nhân viên và 10 triệu cho trưởng phòng của các CTCK trực thuộc nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Phải nói rõ rằng tại những CTCK này, không phải không có người giỏi, nhưng cơ chế lương thưởng không hợp lý đã biến họ thành những con người thích an nhàn thay vì xông pha thị trường tìm kiếm cơ hội.

Mặc dù vậy, cũng phải ghi nhận những nỗ lực của một số CTCK. Như trường hợp của AGR năm 2010 đạt 208 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 99% kế hoạch năm - đây là điều không dễ thực hiện đối với một CTCK có vốn điều lệ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. So với CTS, AGR có giá “rẻ” hơn khá nhiều khi P/E chỉ đạt hơn 10 lần. Tháng 11-2010, BSC đấu giá thành công 10,2 triệu cổ phiếu và đến đầu năm nay chính thức chuyển sang CTCP. Mảng repo là một trong những lợi thế cạnh tranh của AGR những năm qua vẫn được duy trì khá ổn định và gần như không có đối thủ. Một điểm rất đáng lưu ý là trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, trong khi một số CTCK tư nhân thưởng rất "bèo" thì một trong 4 CTCK trên lại thưởng khá hào phóng cho nhân viên, có người được thưởng cả 10 tháng lương. Hoặc cũng đã có CTCK thay đổi cơ chế lương của mình theo doanh thu nhằm kích thích tinh thần làm việc của nhân viên, điều này không mới nhưng cũng có thể xem là tích cực.

Do chủ trương từ phía ngân hàng mẹ hay vì những nguyên nhân khác, việc các CTCK thuộc ngân hàng lớn im ắng là điều đáng tiếc. Thêm nhiều ông lớn tham gia, thị trường chắc chắn sẽ ổn định hơn để từ đó tạo ra cơ sở phát triển vững chắc.

Các tin khác