SKG gặp bất lợi kép

(ĐTTCO) - Trong khoảng 4 năm năm trở lại đây, CTCP Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang (SKG) ghi nhận kết quả kinh doanh hết sức khả quan, nhờ lượng du khách đến với Phú Quốc tăng đột biến. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cổ đông của SKG liên tiếp đón nhận những thông tin bất lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Hưởng lợi nhờ ngành du lịch Phú Quốc 
SKG là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hóa ven biển, được thành lập năm 2007. Hoạt động chính của SKG là vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ Kiên Giang đến Phú Quốc. SKG hiện đang giữ vững vị thế độc quyền khai thác tại tuyến Rạch Giá - Phú Quốc, và dẫn đầu thị phần vận chuyển hành khách tại tuyến Hà Tiên - Phú Quốc.
Trong nhiều năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp gắn liền với sự phát triển của Phú Quốc, một huyện đảo tọa lạc ở phía Tây Nam Việt Nam, thuộc tỉnh Kiên Giang. Với vị trí đặc thù cùng với những cảnh quan thiên nhiên đẹp, trong những năm gần đây, Phú Quốc nổi lên như một điểm sáng cả nước về thu hút vốn đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng và khu nghỉ dưỡng. 
 Trong cơ cấu giá vốn của SKG, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng cao nhất với 40-60%. Nếu giá dầu tiếp tục dao động quanh 50USD/thùng trong năm 2017 và đạt mức 60USD/thùng trong giai đoạn 2018-2020, biên lợi nhuận gộp của SKG trong năm 2017 có thể giảm xuống 60-62% so với mức 67% của năm 2016.

Theo khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế, Phú Quốc hiện là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Trong năm 2014, Tổ chức National Geographic (Hoa Kỳ) bình chọn đây là 1 trong 3 điểm đến lý tưởng. Còn theo kết quả khảo sát của tổ chức Roughguides (Anh), Phú Quốc là 1 trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Đặc biệt, tháng 9-2014, Phú Quốc được Thủ tướng CP chấp thuận trở thành đô thị loại 2.
Chính nhờ  những tiềm năng du lịch này, Phú Quốc đã thu hút một lượng lớn khách du lịch (chiếm 33% số lượt khách du lịch đến Kiên Giang), cũng như góp phần gia tăng nhu cầu đi lại bằng đường thủy của người dân các khu vực lân cận.
Theo thống kê, doanh thu của SKG trong giai đoạn từ năm 2013-2016 có sự tương đồng với số lượt khách đến Phú Quốc. Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân trong 4 năm gần đây đạt từ 29,8-58,8%/năm. Ngoài ra, doanh thu của SKG cũng thể hiện rõ đặc tính mùa vụ của du lịch Phú Quốc, cao điểm trong 3 quý đầu năm và thấp điểm nhất vào quý cuối năm.
Hiện nay, đối tượng khách hàng chính của SKG với khoảng 75-80% là khách du lịch nội địa. Năm 2016, kết quả kinh doanh SKG tiếp tục tăng trưởng với doanh thu đạt 356 tỷ đồng (tăng 16,7% so với thực hiện năm 2015) và lợi nhuận sau thuế đạt 213 tỷ đồng (tăng 21,7%). Trong thời gian tới, khi nhiều dự án mới được đầu tư vào Phú Quốc, nhu cầu đi lại tăng, kỳ vọng sẽ mang đến một lượng khách tiềm năng lớn cho SKG.
SKG gặp bất lợi kép ảnh 1 SKG  độc quyền khai thác tuyến Rạch Giá - Phú Quốc. 
CP lao dốc
Với những dự báo đầy lạc quan như trên, tưởng chừng SKG tiếp tục ghi nhận được những kết quả tích cực trong năm 2017. Tuy nhiên, theo BCTC bán niên 2017, SKG đạt 201,4 tỷ đồng doanh thu (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2016) nhưng do giá vốn hàng bán tăng 30,7% lên 73,6 tỷ đồng (chủ yếu là tăng chi phí nguyên liệu đầu vào), khiến lợi nhuận gộp giảm 3,7% xuống 127,8 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, chi phí nhiêu liệu đạt gần 33,58 tỷ đồng (chiếm 45,63% giá vốn và tăng 52,15% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 16,8% xuống 6,36 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 30,5% lên 18,7 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 35,6% lên 4,72 tỷ đồng. 
Như vậy, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi ròng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 105,8 tỷ đồng (giảm 11,1%). Với kết quả này, SKG mới chỉ hoàn thành 45,8% kế hoạch doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận. Dự báo, lợi nhuận sau thuế năm 2017 của SKG chỉ còn 157 tỷ đồng (giảm 26,3% so với thực hiện năm 2016). Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, SKG ghi nhận lợi nhuận suy giảm mạnh so với cùng kỳ. 
Không chỉ gặp bất lợi do yếu tố đầu vào, mới đây cổ đông tiếp tục đón nhận thông tin bất lợi về thuế. Cụ thể, theo BCTC soát xét giữa niên độ năm 2017, SKG bị Chi cục Thuế Phú Quốc truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn 2010-2015 (liên quan đến chính sách ưu đãi về đầu tư mở rộng) 37,7 tỷ đồng, tiền vi phạm hành chính về thuế 5,73 tỷ đồng và tiền chậm nộp thuế hơn 14 tỷ đồng. Nếu phải nộp tổng số tiền thuế hơn 57,43 tỷ đồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của SKG. 
Theo ý kiến của kiểm toán, khoản tiền thuế phải nộp sẽ được hạch toán giảm vào khoản lợi nhuận chưa phân phối cuối kỳ trước 37,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 sẽ giảm gần 20 tỷ đồng. Thông tin này ngay lập tức đẩy CP SKG lao dốc xuống mức thấp nhất trong lịch sử giao dịch 31.600 đồng/CP. Đây là mức giá nhiều NĐT hết sức ngỡ ngàng bởi chỉ hơn 1 năm trước mã CP này từng chạm mốc 135.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 23-5-2016). 

Các tin khác