SCIC đề xuất bán vốn nhà nước tại 137 DN từ 2017-2020

(ĐTTCO) - Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng phương án sắp xếp, phân loại DNNN, theo đó kiến nghị Chính phủ cho phép SCIC tiếp tục bán vốn tại các DN đã được phê duyệt trong kế hoạch bán vốn hàng năm, đồng thời xem xét phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại đến năm 2020. 
SCIC đề xuất bán vốn nhà nước tại 137 DN từ 2017-2020

Theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, giai đoạn 2017 - 2020, SCIC sẽ tiến hành cổ phần hóa 5 DN, tiếp tục đầu tư và nắm giữ vốn tại 3 DN, bán vốn nhà nước tại 137 DN, giải thể và cho phá sản 3 DN.

Trong số 137 DN mà SCIC đề xuất bán vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 – 2020 có những cái tên đáng chú ý như: Tổng CTCP Bảo Minh (51% vốn nhà nước), Tổng Công ty Thăng Long (25% vốn nhà nước), CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (9% vốn nhà nước), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (11% vốn nhà nước), Tổng CTCP XNK và xây dựng Vinaconex (58% vốn nhà nước), CTCP Nhựa Bình Minh (30% vốn nhà nước), CTCP Gang thép Thái Nguyên (38% vốn nhà nước), Ngân hàng Thương mại Quân đội (10% vốn nhà nước), CTCP Dược Hậu Giang (43% vốn nhà nước), CTCP sữa Việt Nam (39% vốn nhà nước)…

Các DN mà SCIC tiếp tục đầu tư nắm giữ vốn trong 3 năm tới gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC có tỷ lệ 100% vốn nhà nước do SCIC thành lập năm 2012, thuộc nhóm DN nắm giữ vốn lâu dài theo chỉ đạo của Thủ tướng; CTCP cơ khí và khoáng sản Hà Giang (46,46% vốn nhà nước), CTCP Viễn thông FPT (50,16% vốn nhà nước). 

Các DN sẽ được xử lý theo phương pháp đặc thù như phá sản, giải thể gồm CTCP Nuôi và dịch vụ thủy đặc sản Thừa Thiên Huế (46% vốn nhà nước), DN đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh từ 2005; CTCP dịch vụ thương mại công nghiệp (0,4% vốn nhà nước); và CTCP XNK Vĩnh Lợi (23% vốn nhà nước), công ty này thua lỗ 4 năm liên tiếp và hiện đã tuyên bố phá sản.

Theo kế hoạch kinh doanh 2017, SCIC sẽ bán vốn tại 107 DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ theo Quyết định 58. Nhưng hồi cuối tháng 4-2017, Thủ tướng Chính phủ lại giao Bộ KH-ĐT khẩn trương trình danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Trong đề xuất mới đây, SCIC cho rằng nếu chờ Bộ KH-ĐT tổng hợp toàn bộ danh mục bán vốn tại các bộ, ngành, địa phương sẽ rất chậm và SCIC không bán vốn được ngay. Điều này ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh và nộp NSNN của SCIC. Vì vậy SCIC đã đề xuất Bộ Tài chính phương án sắp xếp, phân loại DNNN trong giai đoạn 2017-2020 để trình Chính phủ thông qua.

Các tin khác