Săn cổ tức mùa ĐHCĐ

(ĐTTCO) - Đến thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp đều công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý I-2018. Như vậy, KQKD quý I đã không còn là động lực để tăng trưởng CP, thay vào đó là sự kỳ vọng về cổ tức mùa ĐHCĐ và xa hơn nữa là KQKD quý II của các doanh nghiệp niêm yết.

KQKD quý I “hết vị” 
Theo thống kê, các doanh nghiệp trên cả 2 sàn HOSE và HNX đã có 6 quý liên tiếp tăng trưởng dương về tổng lợi nhuận so với cùng kỳ (chỉ xét với các doanh nghiệp có mặt trên cả 2 sàn từ quý II-2015 đến quý IV-2017), giúp cho EPS của chỉ số VN Index quý sau cao hơn quý trước (ngoại trừ quý II-2017 do hoạt động tăng vốn, phát hành thêm của doanh nghiệp).
Tăng trưởng ở các doanh nghiệp trên sàn diễn ra khá đồng đều ở hầu hết các nhóm ngành nhờ bối cảnh vĩ mô thuận lợi, kinh tế tăng trưởng tốt, lãi suất thấp, nhu cầu tiêu dùng gia tăng… Đây là một trong những động lực quan trọng hỗ trợ chỉ số VN Index tăng điểm trong hơn 2 năm trở lại đây. 
Theo nhận định của các CTCK, những con số tích cực nhờ KQKD quý I của các doanh nghiệp đã được phản ánh tương đối đầy đủ vào diễn biến tăng của giá CP trong thời gian gần đây. Cụ thể, các nhóm ngành có mức sinh lời cao nhất nhờ thông tin về KQKD trong quý I gồm: dịch vụ tài chính, bất động sản và ngân hàng. Đây đều là các ngành có tính chu kỳ và đang trong giai đoạn bùng nổ. 
Tuy nhiên, nếu quan sát diễn biến một số CP có vốn hóa lớn vừa mới tổ chức ĐHCĐ thường niên 2018, cho thấy KQKD quý I đã không còn tạo được hiệu ứng mạnh trên diện rộng. Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), ngoại trừ một số thông tin tích cực ngoài kỳ vọng, có thể chỉ còn tác động tích cực đến một số CP và gây ra hiệu ứng phân hóa ngắn hạn. Song ở góc độ khác, triển vọng KQKD quý II của các doanh nghiệp có thể sẽ có tác động mạnh hơn đến giá CP, đặc biệt điểm rơi sẽ vào nửa sau của quý II.
Theo đó, triển vọng tăng trưởng các nhóm ngành trong quý II cũng như trong trung hạn gồm: ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin và nhiệt điện. Kỳ vọng đây sẽ tiếp tục là những ngành có tính dẫn dắt trong xu hướng đi lên của thị trường nhờ triển vọng KQKD 2018 tăng trưởng mạnh mẽ và phần nào được thể hiện phần nào qua KQKD quý I. 
Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh quý II thông thường cũng không phải là quý cao điểm ghi nhận lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm, nên hiệu ứng tích cực của yếu tố này đến diễn biến thị trường có thể sẽ chỉ ở mức trung bình. Thậm chí, còn có rủi ro hiện hữu do khá nhiều CP trong những nhóm ngành này đã trải qua nhịp tăng điểm kéo dài. 
Săn cổ tức mùa ĐHCĐ ảnh 1
CP nóng nhờ cổ tức
Theo thống kê, nửa cuối tháng 4, có gần 20 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ từ 5-35%. Trong đó, nổi bật nhất là CTCP Quảng cáo và Hội chợ thương mại (VNX) trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2017 với tỷ lệ đến 35% (ngày thanh toán 7-5).
Sau khi thông tin cổ tức được công bố, VNX nhanh chóng trở thành mặt hàng nóng trên sàn UPCoM, do giá CP hiện chỉ giao dịch ở mức giá 4.200 đồng/CP, trong khi tỷ lệ chi trả cổ tức lên đến 3.500 đồng/CP. Tuy nhiên, không NĐT nào có thể sở hữu được VNX do CP này luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Nguyên nhân do cổ đông nắm giữ VNX không dại gì bán ra CP có tỷ suất cổ tức lên đến 83,3%. 
Ngày 11-4, CTCP Thép VICASA - VNSTEEL (VCA) công bố kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2017 với tỷ lệ 30% (ngày thanh toán 15-5). Ngay sau khi thông tin được công bố, VCA bật tăng mạnh, từ mức giá 16.400 đồng/CP lên 20.000 đồng/CP sau phiên giao dịch ngày 16-4 (tương đương mức tăng 18%). Không chỉ tăng giá, thông tin cổ tức còn giúp cho VCA gia nhập vào nhóm CP có thanh khoản tốt trên sàn UPCoM nhờ lực cầu gia tăng mạnh. 
Tại ĐHCĐ năm 2018 được tổ chức ngày 16-4, cổ đông của CTCP Dầu Tường An (TAC) hết sức phấn khởi với những thông tin cực tốt về KQKD trong năm vừa qua. Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt là 4.338 tỷ đồng (tăng 9%) và 166 tỷ đồng (tăng 98%).
Trước đó, TAC lên kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt năm 2017 nhưng với KQKD khả quan, HĐQT trình phương án tăng cổ tức lên 24%. Thông tin này ngay lập tức đẩy giá CP TAC tăng mạnh, từ 53.500 đồng/CP lên 56.400 đồng/CP ngay trong phiên 16-4. 
Trước đó, ĐHCĐ CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) được tổ chức thành công với tỷ lệ tán thành đạt 100% ở các nội dung liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh và tỷ lệ chi trả cổ tức trong năm 2018. Theo đó, ABT đặt mục tiêu doanh thu 400 tỷ đồng, lợi nhuận 48 tỷ đồng và cổ tức tối thiểu 30%. Ngay sau ngày tổ chức ĐHCĐ, CP ABT đã tăng mạnh từ 36.400 đồng/CP lên 38.500 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 16-4.  

Các tin khác