Sabeco thấp thỏm trước giờ G

(ĐTTCO) - Phiên chào bán cổ phần của Bộ Công Thương tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK: SAB) đang nóng lên từng ngày, bởi đây là một trong những đợt thoái vốn nhà nước lớn nhất trong năm 2017.

Sức hấp dẫn của Sabeco không thể bàn cãi, bởi đây là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực được cho là có mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm lên đến 320.000 đồng/cổ phần chính là yếu tố khiến cho nhiều NĐT lo ngại về khả năng thành công của phiên chào bán sắp tới. 

Giám sát chặt chẽ việc thao túng giá
Ngày 29-11, Bộ Công Thương đã tổ chức lễ công bố thông tin đợt chào bán cổ phần Nhà nước tại Sabeco. Theo đó, số cổ phần chào bán 343,6 triệu cổ phần (tương ứng 53,59% vốn điều lệ), với tổng giá trị theo mệnh giá 3.437 tỷ đồng. Phương thức chào bán cạnh tranh giữa các NĐT đủ điều kiện tham gia mua cổ phần, theo quy định tại quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco.
Căn cứ để đưa ra mức giá khởi điểm được đại điện Bộ Công Thương ông Trương Thanh Hoài, cho biết dựa theo 3 tiêu chí: mức giá tham chiếu bình quân 30 phiên trên TTCK trước thời điểm công bố thông tin về việc chào bán là 281.500 đồng/CP; mức giá cao nhất theo định giá của tư vấn 184.700 đồng/CP; giá đóng cửa phiên giao dịch trước ngày công bố thông tin là 320.000 đồng/CP.
Cũng theo ông Hoài, số cổ phần đặt mua tối thiểu 20.000 cổ phần, tối đa 343,66 triệu cổ phần. Riêng các NĐTNN chỉ được mua tối đa 247,47 triệu cổ phần, tương đương 38,59% vốn của Sabeco, do tỷ lệ sở hữu của các NĐTNN hiện nay là 10,41% trên tổng số 49% được quyền sở hữu.
 Thương vụ thâu tóm lớn nhất trong ngành bia là vụ sáp nhập giữa thương hiệu bia số 1 thế giới AB InBev thâu tóm SABMiller thương hiệu lớn thứ 2 với giá trị của thương vụ 103 tỷ USD, hoàn tất vào tháng 10-2016. Theo BCTC của SABMiller chốt tại 31-3-2016, P/E được trả là 38,16x, thấp hơn nhiều so với mức hơn 45x của SAB.
Do đây là thương vụ bán vốn có quy mô rất lớn, để đảm bảo sự công khai minh bạch cho đợt bán, Bộ Công Thương đã lập ban giám sát để kịp thời phát hiện những hành vi thao túng giá CP SAB. Cụ thể, từ ngày 29-11, tổ giám sát bao gồm UBCKNN và Bộ Công an sẽ theo dõi toàn bộ diễn biến thị trường để kịp thời xử lý các giao dịch bất thường có thể xảy ra.
Tuy nhiên, theo ông Hoài, việc giám sát chặt chẽ CP SAB trên thị trường không có nghĩa sẽ có sự cản trở từ cơ quan nhà nước trong quá trình thoái vốn, mà đảm bảo không để xảy ra sai sót, vi phạm hay có hành vi thao túng trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa Sabeco.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đặt ra thêm quy định, NĐT nếu có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25%  và phải thực hiện báo cáo ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua. Dự kiến, phiên chào bán sẽ được tổ chức vào ngày 18-12 tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). 
Sabeco thấp thỏm trước giờ G ảnh 1 Dây chuyền sản xuất bia Sài Gòn. 
Giá cao hơn các hãng bia hàng đầu thế giới
Việc Bộ Công Thương công bố mức giá khởi điểm cao chót vót đã góp phần đẩy giá CP SAB trên TTCK tăng chạm mốc 347.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 30-11. Dù SAB có giảm lại nhưng với mức giá trên 300.000 đồng/CP như hiện tại P/E của SAB đã vượt mốc 45x. Đây là mức giá quá cao so với các tập đoàn bia hàng đầu thế giới hiện nay như: Heineken (27x), Carlsberg (22x), ThaiBev (18x), Asahi Group (24x), Kirin Holdings (21x), San Miguel (15x), Sapporo (28x). Với mức giá cuối tuần vừa qua 309.000 đồng/CP, vốn hóa của Sabeco cũng tăng chóng mặt và hiện đạt hơn 198.000 tỷ đồng (tương đương hơn 8,6 tỷ USD), đứng thứ 2 sau Vinamilk (273.000 tỷ đồng).
Mức vốn hóa này thậm chí vượt qua vốn hóa nhiều đại gia như Sapporo (2,5 tỷ USD), San Miguel (5,3 tỷ USD). Trong khi đó, quy mô của Sabeco lại quá khiêm tốn so với các đối thủ. Đơn cử năm 2016, doanh thu Sabeco chỉ đạt 1,35 tỷ USD, trong khi những doanh nghiệp trong khu vực như ThaiBev gần 6 tỷ USD, Sapporo gần 5 tỷ USD, San Miguel gần 13 tỷ USD. Thậm chí, doanh thu Heineken ngay tại thị trường Việt Nam trong năm 2016 cũng đã gần gấp đôi Sabeco với 2,5 tỷ USD.
So sánh về quy mô của các tập đoàn quốc tế có thể khập khiễng, bởi Sabeco đang nắm giữ nhiều lợi thế như: chiếm hơn 40% thị phần tiêu thụ bia tại Việt Nam, doanh nghiệp bia duy nhất sở hữu hệ thống 23 nhà máy sản xuất và hệ thống phân phối phủ dọc từ Bắc tới Nam, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận chuyển và có lợi thế trong việc chiếm lĩnh địa bàn kinh doanh.
Bên cạnh đó, Sabeco giữ vai trò quyết định trong quản lý nguyên vật liệu đầu vào, định mức sản xuất cũng như bao tiêu sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh vững chắc và chất lượng ổn định cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi thế này khó lòng bù đắp vào khoảng trống chênh lệch về giá quá lớn giữa Sabeco và các đối thủ. Thực tế, theo như tiết lộ của Bộ Công Thương, định giá của tư vấn thì mức giá hợp lý của Sabeco chỉ vào khoảng 184.700 đồng/cổ phần, tương đương P/E đạt 26,76x. Như vậy, có thể khẳng định mức giá 320.000 đồng đang là trở lại lớn nhất của đợt thoái vốn nhà nước sắp tới tại Sabeco. 

Ai đủ sức mua Sabeco?
Theo ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco, đã có rất nhiều NĐTNN tỏ ra quan tâm đến cổ phần Sabeco. Ngoài các tên tuổi lớn trong ngành như Kirin Holdings, ThaiBev, Asahi Group...  rất nhiều quỹ đầu tư có quy mô rất lớn cũng đã có sự quan tâm và đặt ra rất nhiều câu hỏi cụ thể về tiềm năng và thực trạng doanh nghiệp cũng như thông tin chi tiết về đợt chào bán.
Ngoài những tập đoàn trên, theo Reuters, các đại gia như San Miguel, Heineken, AB InBev cũng quan tâm đến đợt thoái vốn nhà nước sắp tới tại Sabeco. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, NĐT nào sẽ mua cổ phần Sabeco vẫn là ẩn số, bởi mức giá khởi điểm Bộ Công Thương khiến các quỹ đầu tư suy nghĩ lại do lo ngại dư địa tăng giá của CP SAB sẽ không còn nhiều. Cuộc đua sở hữu nhiều khả năng chỉ là cuộc cạnh tranh giữa các tập đoàn bia quốc tế. 
Theo tính toán, với số lượng chào bán 343,66 triệu cổ phần, ước tính Bộ Công Thương có thể thu về tối thiểu 109.971 tỷ đồng (tương đương tỷ 4,8 tỷ USD). Do room NĐTNN tại Sabeco hiện đã lấp đầy được gần 10% nên theo quy định của đợt thoái vốn, NĐTNN chỉ được mua tối đa 38,59% vốn điều lệ (tương đương 247,47 triệu cổ phần) nhằm đáp ứng quy định room ngoại là 49%.
Như vậy, muốn sở hữu toàn bố số cổ phần này NĐTNN phải bỏ ra số tiền tối thiểu  77.590 tỷ đồng (tương đương 3,3 tỷ USD). Với NĐT trong nước, khả năng sở hữu toàn bộ số cổ phần chào bán trong đợt đấu giá tới là điều không tưởng, bởi thời điểm hiện nay không một tổ chức nào có đủ quỹ tiền mặt để gom toàn bộ 53,59% vốn điều lệ của Sabeco.
Ngay cả việc bỏ ra 1,5 tỷ USD để sở hữu số cổ phần mà NĐTNN không thể mua cũng cực kỳ khó khăn trong bối cảnh nguồn vốn đang phân tán vào các thương vụ thoái vốn khác. Trước nguy cơ không bán hết cổ phần tại Sabeco, đại diện Bộ Công Thương, cho biết nếu không bán hết lần này sẽ mang về, tùy tình hình và xin ý kiến Chính phủ bán lần sau.

Các tin khác