Quý I-2011: Kinh doanh sụt giảm

Cho đến nay đã có hơn 500 doanh nghiệp (DN) niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý I-2011, trong đó tới 54% DN có lợi nhuận quý I-2011 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có không ít DN lỗ nặng do trích lập dự phòng đầu tư tài chính.

 Cho đến nay đã có hơn 500 doanh nghiệp (DN) niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý I-2011, trong đó tới 54% DN có lợi nhuận quý I-2011 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có không ít DN lỗ nặng do trích lập dự phòng đầu tư tài chính.

Không tính các CTCK, toàn thị trường có 30 trong tổng số 393 DN thua lỗ trong quý I-2011. Trong số 26 nhóm ngành, có đến 13 ngành có mức lợi nhuận sụt giảm, sự phân hóa giữa các ngành cũng khá mạnh. Một số ngành có lợi nhuận giảm mạnh như công nghệ thông tin và truyền thông giảm đến 88,2%, cơ khí giảm 66,5%, thiết bị điện giảm 48,4%, bất động sản giảm 37,8%, vận tải - kho bãi giảm 31,9%, thủy sản giảm 24,7%.

Thống kê về doanh thu cho thấy trong quý I các DN chỉ tăng trưởng 16,71%, trong đó DN trên HNX tăng trưởng 21,78%, DN trên HOSE chỉ tăng trưởng 3,33%. Mức tăng trưởng doanh thu này thấp hơn so với tăng trưởng vốn chủ sở hữu 28,1% và cũng thấp hơn tốc độ tăng lạm phát trong 1 năm qua. Điều này đồng nghĩa với hiệu quả hoạt động của DN giảm sút khá mạnh. Mức tăng trưởng lợi nhuận của các DN niêm yết còn thấp hơn nhiều, lợi nhuận quý I của các DN niêm yết chỉ tăng 9,73%, trong đó trên HOSE tăng 12,86%, còn trên HNX lại giảm 4,52%.

Phần lớn DN thua lỗ trong quý I-2011 đều là những DN đã thua lỗ trong những năm trước (khi nền kinh tế vẫn đang sáng sủa) và CP nằm trong diện kiểm soát hoặc hủy niêm yết. Điển hình là CTCP Sữa Hà Nội (HNM) lỗ 1,89 tỷ đồng, là quý thứ 3 liên tiếp HNM lỗ (cả năm 2010 lỗ 21 tỷ đồng). CTCP Gạch men Thanh Thanh (TTC) lỗ 2,55 tỷ đồng, là DN lỗ liên tục từ quý IV-2009 đến nay với tổng lỗ lũy kế 18,89 tỷ đồng. CTCP Vận tải biển Sài Gòn (SGS) lỗ 14,8 tỷ đồng, cao hơn con số thua lỗ cả năm 2010 là 10,87 tỷ đồng. CTCP Nước giải khát Sài Gòn (TRI) lỗ 8,97 tỷ đồng. CTCP Vitaly (VTA) lỗ 8,8 tỷ đồng. Đây là quý thứ 10 liên tiếp DN này lỗ.

Ngoài những DN liên tục thua lỗ, có không ít DN bất ngờ thua lỗ trong quý I do đầu ra gặp khó khăn, chi phí lãi vay cao, tỷ giá tăng cao. CTCP bất động sản Phát Đạt (PDR) lỗ 14,42 tỷ đồng do doanh thu giảm mạnh nhưng các khoản chi phí hoạt động vẫn phải trả, thậm chí tăng cao hơn so với cùng kỳ. CTCP Sông Đà 27 (S27) lỗ 4,5 tỷ đồng do doanh thu giảm mạnh (chỉ bằng 18,4% so với cùng kỳ năm trước). CTCP Gas Petrolimex (PGC) lỗ 3,85 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá. CTCP Xuất nhập khẩu khoáng sản Hà Nam (MIH) lỗ 4,2 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng 118,7% so với cùng kỳ năm trước. CTCP Đầu tư tổng hợp Sài Gòn (SHN) lỗ 3,1 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng cao. CTCP Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu thủy sản Cà Mau (CMX) lỗ 20,5 tỷ đồng do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. CTCP viễn thông Thăng Long (TLC) lỗ 1,9 tỷ đồng do doanh thu giảm 76,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài những khó khăn khách quan từ kinh tế vĩ mô, một trong những nguyên nhân khiến các DN niêm yết thua lỗ trong quý I là do phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính. Chỉ tính riêng trong quý I tổng khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính và lỗ do hoạt động tài chính của các DN bằng 33,61% lợi nhuận sau thuế, cao hơn mức 17,87% của cùng kỳ năm trước. Không xét đến các CTCK, DN có khoản trích lập dự phòng khá lớn. Đáng chú ý là SCR, chỉ riêng khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính trong quý I của SCR đã hơn 60 tỷ đồng. Các DN có mức trích lập dự phòng lớn khác là TLH là 38 tỷ đồng, REE 28 tỷ đồng.

Theo phân tích của các chuyên gia, chi phí do trích lập dự phòng và đầu tư tài chính sẽ giảm vì thị trường đã gần như chạm đáy. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các khoản chi phí khác và lãi suất sẽ vẫn còn lớn. Ngoài ra, sức mua và đầu tư của nền kinh tế cũng còn khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ và giảm đầu tư công đang được thực hiện ráo riết. Với những điều kiện này, triển vọng về lợi nhuận của DN vẫn chưa thể sáng sủa, ít nhất là trong khoảng thời gian từ 1-2 quý tới.

Các tin khác