Quy định khắt khe, IPO của VRG thất bại

(ĐTTCO) - Ngày mai (2-2), Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) sẽ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại HOSE. 

Tuy nhiên, với số lượng NĐT đăng ký mua khá khiêm tốn, nhiều khả năng đây là sẽ đợt IPO thất bại đầu tiên trong năm 2018.

Mang đến lại mang về
Theo thông tin từ HOSE, hết hạn đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của VRG, nhưng số lượng cổ phần đăng ký đấu giá chỉ tương đương 20% so với khối lượng mang ra đấu giá. Cụ thể, phiên IPO sắp tới của VRG chỉ thu hút 499 NĐT đăng ký mua cổ phần với tổng khối lượng đăng ký chỉ đạt gần 101 triệu cổ phần trên tổng số 475,1 triệu cổ phần (tương đương 11,88% vốn điều lệ) đưa ra đấu giá. Trong đó, NĐT trong nước đăng ký mua 34,2 triệu cổ phần, NĐTNN cá nhân đăng ký mua 507.200 cổ phần, tổ chức trong nước đăng ký mua 39,4 triệu cổ phần và NĐTNN tổ chức đăng ký mua 26,66 triệu cổ phần. 
  VRG là một tập đoàn có quy mô lớn và cơ cấu tổ chức phức tạp với 123 đơn vị trực thuộc là các công ty con, công ty liên doanh liên kết. VRG hiện đang quản lý khoảng 40% trong tổng số gần 1 triệu ha đất trồng cây cao su, chiếm khoảng trên 30% tổng sản lượng cao su thiên nhiên của cả nước.
Theo phương án cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt, vốn điều lệ của VRG sau cổ phần hóa dự kiến là 40.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ cổ phần. Do VRG đang quản lý diện tích đất đai lớn, ở nhiều vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng nên nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ 75% vốn điều lệ. Nhà nước sẽ bán ra 1 tỷ cổ phần (tương đương 25% vốn điều lệ), trong đó 475 triệu cổ phần được IPO với mức giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phần. Tính theo mức giá khởi điểm này VRG được định giá lên đến 52.000 tỷ đồng và dự kiến thu về gần 6.200 tỷ đồng từ phiên IPO. 
Như vậy, sau 3 phiên IPO thành công của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power), VRG sẽ là doanh nghiệp đầu tiên đối mặt với nguy cơ thất bại trong năm 2018. Cuối năm 2017, phiên IPO của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) và Tổng công ty Sông Đà cũng không thành công do chỉ bán được lượng nhỏ so với số cổ phần đem đấu giá.
Quy định khắt khe, IPO của VRG thất bại ảnh 1
Khó tìm NĐT chiến lược
Ngoài 475 triệu cổ phần được mang ra IPO, theo phương án cổ phần hóa, VRG sẽ chào bán khoảng 50 triệu cổ phần cho người lao động (giá bán sẽ được xác định bằng 60% giá đấu thầu thành công thấp nhất), 475 triệu cổ phần còn lại sẽ được chào bán cho các NĐT chiến lược. Tuy nhiên, khả năng chào bàn thành công cho NĐT chiến lược cũng rất thấp bởi những quy định qua khắc khe. Chẳng hạn, VRG đòi hỏi NĐT chiến lược phải là các doanh nghiệp, tổ chức trong nước thỏa mãn các điều kiện về vốn, hoạt động kinh doanh, cam kết không chuyển nhượng trong thời gian tối thiểu là 5 năm và đặc biệt không được chuyển nhượng số cổ phần này cho NĐTNN. Ngoài ra, NĐT chiến lược phải đáp ứng các tiêu chí như: vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng với các tổ chức tài chính, hoặc 1.000 tỷ đồng với các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với mục tiêu của VRG. Điều này sẽ làm giảm đi đáng kể cơ hội tìm kiếm các NĐT chiến lược của VRG, bởi mức giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phần, NĐT phải chi gần 6.200 tỷ đồng để nắm giữ 11,88% cổ phần tại VRG.
Theo bản công bố thông tin trước cổ phần hóa của VRG, tổng doanh thu hợp nhất năm 2016 đạt 15.693 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.290 tỷ đồng. Trong đó, khối các công ty cao su (ngành nghề chính là trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su thiên nhiên) đạt sản lượng tiêu thụ 337.926 tấn, đóng góp trên 70% doanh thu và lợi nhuận trước thuế. Điều này cho thấy nông nghiệp vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi của VRG. 
Theo nhận định của CTCK FPT (FPTS), đây cũng là yếu tố khiến cho việc gọi vốn từ các NĐT chiến lược thêm khó khăn, bởi con số 6.200 tỷ đồng để nắm giữ 475 triệu cổ phần VRG là quá lớn đối với các NĐT đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, đối với những NĐT là các tổ chức tài chính, VRG chưa đủ sức hấp dẫn, bởi đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều rủi ro, cùng với quy lớn, mô hình tổ chức phức tạp và các tiêu cực trong những năm gần đây. Tất cả những yếu tố này đã phần nào làm giảm đi sức hấp dẫn của VRG trong mắt của NĐT chiến lược.

Các tin khác