Quy định bán cổ phần cho NĐT chiến lược

(ĐTTCO) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 126 về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành CTCP thay thế các quy định hiện hành. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018.
Quy định bán cổ phần cho NĐT chiến lược
NĐT không được lỗ, duy trì ngành nghề chính 3 năm
Nghị định 126 quy định NĐT chiến lược phải đáp ứng đủ các điều kiện: có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật; có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế; tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN cổ phần hóa (CPH) trong thời gian ít nhất 3 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành NĐT chiến lược (với DN đạt thương hiệu quốc gia, cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thời gian NĐT chiến lược phải cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN CPH); không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm…
Việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho NĐT chiến lược chỉ áp dụng đối với các DN thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi CPH theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán CP ra công chúng, DN CPH phải hoàn tất thủ tục đăng ký lưu ký CP tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Về giá trị quyền sử dụng đất, theo nghị định đối với những diện tích đất được giao để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán và xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng, hoặc cho thuê theo phương án sử dụng đất của DN CPH đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phải xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị DN.
Cụ thể, giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN CPH là giá đất cụ thể tại vị trí DN có diện tích đất được giao do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi DN có diện tích đất được giao) quyết định theo quy định tại Khoản 3 và Điểm d Khoản 4 Điều 114 của Luật Đất đai. 
Khoản chênh lệch tăng giữa giá trị quyền sử dụng đất xác định lại quy định tại Điểm a khoản này với giá trị đang hạch toán trên sổ sách kế toán (nếu có) được hạch toán phải nộp ngân sách nhà nước. Trường hợp giá trị quyền sử dụng đất xác định lại theo giá đất quy định thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất đang hạch toán trên sổ kế toán, giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị DN CPH theo giá trị DN đang hạch toán trên sổ sách kế toán.
Nghị định cũng quy định giá trị lợi thế kinh doanh của DN, bao gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển. Trong đó, giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của DN trước thời điểm xác định giá trị DN 5 năm, bao gồm chi phí thành lập DN, đào tạo nhân viên, quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang thông tin điện tử (website) của DN. 
Đối với một số DN đặc thù, cơ quan tư vấn xác định để báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có). Giá trị tiềm năng phát triển được tính vào giá trị DN CPH là tiềm năng phát triển của DN được đánh giá trên cơ sở khả năng sinh lời của DN trong tương lai khi so sánh tỷ suất lợi nhuận của DN với lãi suất trái phiếu chính phủ.

Người lao động được mua cổ phần bằng 60% mệnh giá
Với người lao động, mỗi năm làm việc được mua tối đa 100 cổ phần với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần). Khoản chênh lệch giữa giá bán cho người lao động so với mệnh giá cổ phần được trừ vào giá trị phần vốn nhà nước khi quyết toán tại thời điểm DN chính thức chuyển thành CTCP. Số cổ phần bán với giá ưu đãi, người lao động phải nắm giữ và không được chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ thời điểm nộp tiền mua cổ phần ưu đãi.
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người quản lý của DN CPH tại thời điểm xác định giá trị DN CPH, thuộc đối tượng DN cần sử dụng và có cam kết làm việc lâu dài cho DN trong thời hạn ít nhất 3 năm (kể từ ngày DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu) sẽ được mua thêm 200 cổ phần/năm cam kết làm việc tiếp trong DN, nhưng tối đa không quá 2.000 cổ phần cho 1 lao động.
Riêng người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao được mua thêm theo mức 500 cổ phần/năm cam kết làm việc tiếp trong DN, nhưng tối đa không quá 5.000 cổ phần cho 1 người lao động. DN CPH căn cứ đặc thù ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của mình xây dựng và quyết định các tiêu chí để xác định chuyên gia giỏi, có trình độ nghiệp vụ cao và phải được nhất trí thông qua tại Hội nghị người lao động của DN trước khi CPH.
Giá bán cổ phần cho người lao động mua thêm quy định tại Điểm a khoản này, là giá khởi điểm được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt trong phương án CPH.

Các tin khác