Quản lý tài chính, thành bại của doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Mọi tổ chức, doanh nghiệp (DN) trên toàn cầu đều có một yếu tố chung, đó là thành công của họ phụ thuộc trong quản lý tài chính kế toán (TCKT). 
Điều này cho thấy TCKT rất quan trọng với những ai đã và đang làm lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, giám đốc công ty, DN, đơn vị hành chánh sự nghiệp có thu, các dự án đầu tư, các tổ chức tài chính, ngân hàng...
Hầu như giao toàn quyền cho kế toán

 Những lãnh đạo DN thường nghĩ việc quản lý TCKT là công việc riêng của bộ phận kế toán. Đó không phải nhận thức đúng. Cần hiểu rằng cán bộ kế toán làm sai, nhưng lãnh đạo chịu trách nhiệm trước tiên.
Sai lầm trong quản lý TCKT là sự xuất hiện các tình huống dẫn đến suy giảm khả năng thanh toán, nợ tăng, đối mặt với nhiều khả năng bị xử phạt, bị xuất toán, truy thu thuế, không thu hồi được vốn, mất khả năng sinh lời của DN, thậm chí có thể dẫn đến phá sản. Vậy nhưng, hầu như ở nước ta giám đốc các DN phần lớn không học qua TCKT. Đối với các cấp lãnh đạo nếu hiểu rõ tầm quan trọng của TCKT sẽ không bố trí cán bộ một cách tùy tiện.
Việc bố trí cán bộ không nắm vững TCKT về làm thủ trưởng đơn vị, chẳng khác nào cán bộ lãnh đạo tự làm khó cán bộ cấp dưới của mình. Và chính không nắm vững về TCKT, đã đẩy những lãnh đạo gây nên những hậu quả nghiêm trọng, mà đôi khi bản thân họ không biết hoặc chỉ biết mơ hồ gây thất thoát tiền của rất lớn, kéo theo những vi phạm liên đới, dây chuyền. 

Trong thực tế có những trường hợp đề bạt làm lãnh đạo không tuân theo khoa học quản lý, đề bạt theo cảm nhận. Đôi khi cán bộ chỉ được học cao cấp chính trị là được đề bạt làm lãnh đạo ở nhiều nơi quan trọng liên quan đến quản lý TCKT. Và khi lãnh đạo không nắm vững về TCKT, hầu hết đều giao toàn quyền cho bộ phận kế toán. Trong tình huống này giám đốc chỉ quản lý về con người chứ không quản lý được mảng TCKT trong DN, trong khi đây là khâu cốt lõi quyết định sự sinh tồn của DN.
Đó là chưa kể các lãnh đạo không am hiểu vẫn chỉ đạo dẫn đến nhiều vấn đề sai nguyên tắc TCKT nghiêm trọng. Khi vỡ lẽ bảo cấp dưới tìm cách khắc phục, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán khống để đối phó với cơ quan chức năng, nếu bị thanh tra đổ lỗi do bộ phận kế toán.  Lấy đơn cử một kỹ sư cơ khí hay kỹ sư xây dựng, kỹ sư nông nghiệp giỏi... được lãnh đạo đề bạt lên làm tổ trưởng, quản đốc, giám đốc, tổng giám đốc... Nhưng khi nhìn lại nhiệm vụ quản lý của cán bộ này khác xa chuyên môn của họ. Bởi khi làm giám đốc liên quan đến các khoản thu, tiền, chi vốn liên quan đến TCKT, phải quyết định thu chi như thế nào cho đúng. Trong khi bước vào vai trò là thủ trưởng đơn vị, giám đốc phải là người quyết định và chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của đơn vị mình cũng như rất nhiều vấn đề liên quan đến TCKT. Do vậy nếu muốn đề bạt theo dạng này, dứt khoát phải đưa các kỹ sư này đi học bổ sung căn bản về TCKT.
Quản lý tài chính, thành bại của doanh nghiệp ảnh 1  Ảnh minh họa.
 Lãnh đạo phải am hiểu TCKT
Đối với đơn vị hành chánh sự nghiệp, việc quản lý TCKT cũng không kém phần quan trọng. Nhận thức đúng việc này sẽ góp phần quản lý chặt chẽ các nguồn thu, chi từ ngân sách nhà nước và các nguồn viện trợ...
Gần đây một số báo chí đã nêu các vụ thất thoát tiền của do lãnh đạo đơn vị không nắm vững TCKT, đã để cho nhân viên của mình bỏ ngoài sổ sách hàng trăm tỷ đồng như ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; trầm trọng hơn là thất thoát hàng ngàn tỷ đồng ở những tập đoàn kinh tế do lãnh đạo thiếu hiểu biết TCKT, đã chủ quan trong chỉ đạo điều hành, thậm chí cứ ngỡ như cơ quan chức năng không phát hiện ra, nên cố tình làm sai để tạo lợi ích nhóm, tạo lợi ích cho đối tác để chia chác tư lợi cá nhân.  

Quản lý tài chính của một đơn vị không thể hiểu chung chung mà phải là con người cụ thể, từng việc làm cụ thể, mỗi việc chi ra, thu vào phải đúng nguyên tắc và tính trung thực trong nghiệp vụ kinh tế, vụ việc phát sinh và chứng từ hóa đơn phải hợp lý, hợp lệ. Là giám đốc, không thể duyệt chi hàng tỷ đồng mà không xem kỹ chứng từ hóa đơn.
Do vậy, ngoài công tác đối ngoại, giám đốc nên đầu tư quỹ thời gian cần thiết về quản lý tài chính đảm bảo những bước tiến vững chắc, hạn chế rủi ro. Tất cả những điều nói trên cần phải học một cách cơ bản về TCKT. Nếu không, giám đốc luôn ở thế bị động, thiếu tự tin dẫn đến có thể bỏ qua nhiều cơ hội tốt cho DN mình.

Trong rất nhiều tình tiết mà người lãnh đạo DN cần phải có kiến thức về TCKT cần và đủ để có khả năng kiểm tra nhanh các báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm trước khi ký và có khả năng kiểm tra nhanh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh mà đôi khi kế toán đã làm sai bất kể vô tình hay cố ý. Để từ đó khẳng định khả năng quản lý của mình. Giám đốc không thể làm những chuyện quá nhỏ, nhưng báo cáo tài chính gửi cho cơ quan chức năng thì không thể xem thường và viện dẫn lý do không có thời gian xem xét, vì đó là thành quả lao động trong một chu kỳ của DN và ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của DN. 

Tóm lại, là lãnh đạo thời gian của bạn vô cùng quý giá, nhưng buộc phải học qua các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính và phải cập nhật, nắm rõ về tài TCKT. Với hiểu biết am tường về tài chính của giám đốc như thế mới có khả năng tập hợp được tất cả những thế mạnh của DN, cũng như những khả năng tinh tế nhất của cán bộ dưới quyền, tạo nên mối liên kết khoa học trong công tác quản lý DN.

Các tin khác