PXS chờ sáp nhập

(ĐTTCO) - Kể từ năm 2013 đến nay, biên lợi nhuận gộp của CTCP Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PXS) lao dốc do giá dầu sụt giảm mạnh. 
Không còn kỳ vọng về sự chuyển biến của doanh nghiệp, nhiều cổ đông nắm giữ cổ phần quay sang ngóng tin đồn PXS sáp nhập với Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS).
Khó khăn chồng chất

 Thời gian gần đây, thị trường có tin đồn về đề án tái cấu trúc PVX, theo đó PVS sẽ tiếp quản PXS. Tuy nhiên, hiện đề án vẫn đang trong quá trình triển khai và chưa có thông tin cụ thể về cách thức thực hiện, cũng như tỷ lệ CP mà PVS sẽ nắm giữ. 
Hoạt động kinh doanh chính của PXS là thiết kế, cung ứng vật tư và xây lắp các công trình offshore (ngoài khơi) và các công trình về điện khí đạm onshore (trên bờ). Doanh thu từ hoạt động xây lắp thường chiếm trên 95% tổng doanh thu của PXS, phần nhỏ còn lại từ các hoạt động bất động sản, cung ứng vật tư, cung cấp dịch vụ cảng biển tại Cảng Sao Mai - Bến Đình và dịch vụ cung ứng nguồn nhân lực.
Không như các dự án đặc thù trên biển, ngoài việc cạnh tranh với các doanh nghiệp có năng lực thi công dự án onshore trong cùng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), như Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX), CTCP Dịch vụ lắp đặt vận hành và Bảo dưỡng công trình dầu khí biển (PTSC), CTCP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí (PXT), Vietsovpetro, PXS còn chịu sự cạnh tranh từ các công ty ngoài PVN, đặc biệt là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama).

PXS hiện đang thực hiện các công trình offshore như xác giàn khai thác dầu và khai thác khí trên biển. Đối tượng khách hàng là các công ty quản lý khai thác dầu khí trên biển như Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP); các công ty điều hành chung (JOC) như Hoàng Long JOC, Cửu Long JOC; các nhà giàn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và bảo vệ an ninh biển đảo cho Bộ Quốc phòng.
Đối với các công trình offshore, hiện tại chỉ có 3 đơn vị có thể thực hiện các dự án là PXS, PVS và Liên doanh Việt - Nga (Vietsopetro). Đối với các dự án onshore, PXS thực hiện các khâu thiết kế, cung ứng vật tư, thi công xây lắp các kết cấu thép, hệ thống đường ống, bồn bể lưu trữ dầu khí cho các nhà máy nhiệt điện (nhiệt điện than và nhiệt điện khí), phân bón, xử lý khí gas, hóa dầu. Đa số các dự án này PVN làm chủ đầu tư hoặc có vốn đầu tư của PVN.  Năm 2015, PXS đã tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng nhằm tài trợ cho dự án đầu tư giai đoạn II phân kỳ 3 của dự án Sao Mai - Bến Đình. Đến nay PXS đã hoàn thành việc nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở của dự án. Thế nhưng, với việc giá dầu giảm đã ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp cũng như khối lượng công việc. Vì vậy, ban lãnh đạo PXS đang tạm hoãn việc đầu tư cho giai đoạn II phân kỳ 3 và sẽ thực hiện khi khối lượng công việc gia tăng trở lại.
PXS chờ sáp nhập ảnh 1  Ảnh minh họa. 
Lợi nhuận lao dốc
Kể từ năm 2013 đến nay, biên lợi nhuận gộp của PXS đã sụt giảm qua từng năm, từ mức 24,5% (năm 2013) xuống còn 13,98% (năm 2016). Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu sụt giảm làm giảm các dự án dầu khí trên biển, kéo theo khối lượng công việc cũng như mức giá các dự án offshore giảm mạnh.
Đối với dự án offshore có yếu tố nước ngoài là các JOC, biên lợi nhuận gộp giảm từ 20% các năm trước về mức 16-17%. Đối với dự án offshore do các thành viên trong PVN làm chủ đầu tư, biên lợi nhuận gộp giảm từ 17-18% các năm trước về mức 13-15%.

Trước tình trạng này, doanh nghiệp chuyển dịch sang thực hiện nhiều hơn các công trình nhà giàn cho Bộ Quốc phòng và các công trình trên bờ. Cụ thể, từ năm 2013, PXS kế hợp Vietsovpetro thực hiện các nhà giàn trên biển cho Bộ Quốc phòng. PXS cho biết biên lợi nhuận gộp của các giàn này khoảng 15%. Đối với các dự án onshore, PXS chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhà thầu khác, đặc biệt là Lilama dẫn đến biên lợi nhuận gộp ở dự án onshore thấp hơn nhiều so với dự án offshore (chỉ ở mức 8-10%).

Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), nếu PXS trở thành công ty con của PVS, đây sẽ là thông tin tích cực cho PXS về cả giá CP cũng như hoạt động kinh doanh trong tương lai. PVS với thế mạnh về năng lực thi công và đấu thầu dự án, sẽ là nguồn hỗ trợ không nhỏ cho PXS trong việc nâng cao năng lực thi công và có thêm dự án để triển khai.

Tuy nhiên, nếu việc sáp nhập này chưa thể thực hiện, PXS sẽ đối mặt với sự chỉ trích của cổ đông khi kết quả kinh doanh năm 2017 được dự báo sụt giảm mạnh. Thậm chí, tình trạng này còn kéo dài sang năm 2018.
Theo BVSC, tính đến nay các dự án đã được ký hợp đồng và có thể ghi nhận doanh thu trong năm 2017 là 1.034 tỷ đồng. Kỳ vọng PXS sẽ đạt được thỏa thuận thầu phụ cho dự án Cá Rồng Đỏ và có thể ghi nhận khoảng 180 tỷ đồng doanh thu trong năm nay.
Với những giả định này, ước tính PXS sẽ ghi nhận doanh thu khoảng 1.214 tỷ đồng (giảm 21,57%) và lợi nhuận sau thuế khoảng 65 tỷ đồng (giảm 26,13%). Nếu giá PXS giảm về vùng 9.000 đồng/CP, đây là cơ hội khá hấp dẫn để tích lũy cho đầu tư dài hạn. Tại mức giá này, tỷ suất cổ tức 8,89% (mức cổ tức theo kế hoạch năm 2017) và tính theo tỷ lệ cổ tức năm 2016 là 14,44%, cao hơn mức lãi suất tiền gửi ngân hàng. Với mức giá này P/B chỉ còn ở mức 0,64x, mức khá thấp so với mặt bằng chung.

Các tin khác