PV Oil bị “đè” giá khởi điểm?

(ĐTTCO) - Một trong những đợt bán vốn nhà nước được giới đầu tư mong đợi nhất chính là kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). 
Tuy nhiên, với mức giá khởi điểm trong đợt IPO tới là 13.400 đồng/cổ phần, nhiều NĐT tỏ ra bất ngờ vì mức giá này thấp hơn nhiều so với nhận định trước đó của giới phân tích.    
Ưu tiên tìm NĐT chiến lược
Theo Quyết định 1979/QĐ-TTg vừa được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký ngày 8-12, kế hoạch cổ phần hóa PV Oil là bán bớt một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Quyết định nêu rõ, vốn điều lệ của PV Oil là 10.342 tỷ đồng (tương đương 460 triệu USD), trong đó cổ phần do Tập đoàn Dầu khí (PVN) nắm giữ 363 triệu cổ phần (chiếm 35,1% vốn điều lệ), cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 1,86 triệu cổ phần (chiếm 0,18% vốn điều lệ), cổ phần bán đấu giá công khai 206,8 triệu cổ phần (chiếm 20% vốn điều lệ), cổ phần bán cho NĐT chiến lược 462,5 triệu cổ phần (chiếm 44,72% vốn điều lệ).
 PV Oil ước tính doanh thu hợp nhất đạt 55.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 520 tỷ đồng. Với kết quả này, PV Oil vượt 63% về doanh thu và 36% về lợi nhuận so với kế hoạch đã đề ra.
Quá trình cổ phần hóa PV Oil sẽ được Bộ Công Thương theo dõi, giám sát quá trình thực hiện công tác cổ phần hóa tại doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Quyết định 1979 cũng nêu rõ các vấn đề quy định được cho là khá “dễ thở” trong việc tìm kiếm NĐT chiến lược của PV Oil.
Theo đó, việc bán cổ phần cho NĐT chiến lược phải đảm bảo tiêu chí lựa chọn về năng lực tài chính: chứng minh đủ nguồn tài chính để mua cổ phần theo tỷ lệ trong phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt; có nguồn vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất tối thiểu 2.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp trong nước, hoặc tương đương 2.000 tỷ đồng theo tỷ giá quy đổi tại ngày đăng ký tham gia NĐT chiến lược đối với doanh nghiệp nước ngoài.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (đã được kiểm toán) 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi, không có lỗ lũy kế. Ngoài ra, NĐT chiến lược phải có cam kết bằng văn bản của HĐQT hoặc người đại diện theo pháp luật, hoặc người có thẩm quyền về việc tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu PV Oil trong thời gian ít nhất là 10 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành NĐT chiến lược; không chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời gian tối thiểu 10 năm kể từ ngày PV Oil được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. 
Tại buổi gặp gỡ báo chí ngay sau khi có Quyết định 1979, đại diện PV Oil cho biết tổng công ty cũng đã đề xuất phương án cổ phần hóa, trong đó cho NĐTNN được phép mua tối đa 49% lượng cổ phần của công ty để tạo sự hấp dẫn cho đợt IPO của PV Oil.
Theo ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil, với mức được sở hữu tới 44,72% vốn điều lệ, NĐT chiến lược không chỉ ra quyết định quan trọng mà còn được tham gia điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thay vì bán tỷ lệ ít quá, NĐT không được quyền quyết định hoạt động doanh nghiệp.
PV Oil bị “đè” giá khởi điểm? ảnh 1 Petrolimex (mã PLX) và PV Oil là 2 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường phân phối bán lẻ xăng dầu
với thị phần lần lượt là khoảng 50% và 19%.  
Có định giá thấp?
Việc PV Oil tạo mọi điều kiện tốt nhất cho NĐT có ý định tham gia vào đợt thoái vốn nhà nước sắp tới là điều đáng ghi nhận và được giới đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm 13.400 đồng/cổ phần lại khiến nhiều người bất ngờ, bởi trước đó nhiều CTCK đưa ra những nhận định khả quan về tương lai cũng như mức giá hợp lý cho PV Oil. 
Theo CTCK TPHCM (HSC), PV Oil còn nhiều dư địa tăng trưởng và cải thiện tỷ suất lợi nhuận nhờ số lượng xe ô tô tăng nhanh trong khi số lượng các phương tiện khác cũng tăng, nhu cầu đối với xăng và sản phẩm xăng dầu sẽ tăng với tốc độ gộp bình quân năm là 3,5-4%. Doanh nghiệp này có thể nâng được thị phần bán lẻ xăng dầu hiện nay lên khoảng 30-35% trong 3-5 năm tới nhờ mở rộng nhanh chóng số lượng trạm xăng. Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện lên mức khoảng 6-6,5% nhờ nâng cao hiệu suất và có được lợi thế kinh tế theo quy mô. Với lợi thế trên, HSC đưa ra mức định giá sơ bộ của PV Oil 12.000 tỷ đồng (tương đương 520 triệu USD).
Tương tự, các chuyên gia phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), cho rằng đợt IPO sắp tới của PV Oil được rất nhiều NĐT trông chờ do sự kiện này đánh dấu bước tiếp theo trong kế hoạch mở cửa dần thị trường xăng dầu trị giá khoảng 6 tỷ USD của Việt Nam. Hiện nay, CTCP Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã CK: PLX) và PV Oil là 2 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường phân phối bán lẻ xăng dầu với thị phần lần lượt là khoảng 50% và 19%.
Sau khi niêm yết, giá CP PLX biến động tương đối mạnh, tăng 47,8% trong vòng 2 tháng đầu tiên và sau đó ổn định kể từ cuối tháng 6 đến nay ở mức 63.000-68.000 đồng/CP. Mức giá hiện tại của PLX đã phản ánh tốt hơn yếu tố cung cầu tự nhiên của CP cũng như kỳ vọng của NĐT về giá trị nội tại và triển vọng của PLX.
Do vậy giá trị vốn hóa của PLX được BVSC sử dụng làm tham chiếu để xác định giá trị hợp lý của PV Oil. Cụ thể, vốn hóa của PLX theo giá đóng cửa ngày 25-9 vào khoảng 74.859 tỷ đồng. Nếu xét tương quan giữa thị phần (thị phần của PLX là 50%, PV Oil là 19%) và quy mô vốn hóa thì giá trị vốn hóa của PV Oil sẽ vào khoảng 28.848 tỷ đồng, tương đương với giá trị cổ phần 29.740 đồng/cổ phần.

Các tin khác