PPH không như kỳ vọng

(ĐTTCO) - Là doanh nghiệp chủ chốt trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng CTCP Phong Phú (PPH) được xem sẽ mang lại làn gió mới cho nhóm CP dệt may. 
PPH không như kỳ vọng
Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng của giới đầu tư, PPH đã giảm mạnh ngay trong phiên chào sàn và hiện đang giao dịch ở mức giá tương đối thấp so với nhóm CP dệt may.
Hoàn thiện chuỗi giá trị

PPH là doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước với vốn điều lệ 733,5 tỷ đồng. PPH đang hoạt động dưới mô hình mẹ - con với 5 công ty con và 10 công ty liên kết trong lĩnh vực dệt may. Với 53 năm kinh nghiệm đã sở hữu chuỗi cung ứng tích hợp từ kéo sợi, dệt - nhuộm vải, may, cùng số lượng sản phẩm đa dạng, đã tạo ra nền tảng vững chắc để PPH tiến từ gia công CMT lên sản xuất xuất khẩu ODM, OBM.
Lợi thế từ sản xuất sợi cũng giúp doanh nghiệp hưởng nhiều ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết, bởi PPH và các công ty thành viên có đủ năng lực đáp ứng các đơn hàng và các loại sản phẩm đa dạng với chất lượng cao. Tại thị trường nội địa, PPH hợp tác với Viện Mẫu thời trang Fadin thiết kế các sản phẩm quần, áo sơ mi trên vải dệt kim denim mang tính thời trang. Đây là một sản phẩm với xu thế mới đáp ứng được nhu cầu nội địa và mở ra hướng xuất khẩu. Trong tháng 10, PPH dự kiến cho ra mắt sản phẩm mới trên thị trường nội địa. Ngoài ra, PPH còn có các đơn vị thành viên hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính và bất động sản.

Giai đoạn 2015-2018, để nâng cao khả năng cạnh tranh trong thị trường nội địa và xuất khẩu, PPH tiếp tục đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ tại các nhà máy sản xuất. Cụ thể, doanh nghiệp đã tiến hành thay toàn bộ dây chuyền sản xuất vải denim từ năm 1999 lạc hậu về công nghệ, đồng thời đưa vào sử dụng nhà máy vải denim Nha Trang từ quý I-2017, đổi mới dây chuyền máy dệt khăn tại các nhà máy ở TPHCM và Ninh Thuận. Bên cạnh đó, PPH cũng đã đưa vào sản xuất nhà máy khăn bông Quảng Phú (TPHCM), dịch chuyển ngành dệt nhuộm ra các tỉnh để xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải.
PPH còn đẩy mạnh đầu tư mới các dự án, như dây chuyền kéo sợi 2-3 vạn cọc cho sợi 100% cotton chải kỹ trong năm 2016, dây chuyền kéo sợi 2-3 vạn cọc trong năm 2017 cho vải dệt kim cao cấp và vải denim. Công ty cũng đã xây dựng cụm công nghiệp tại xã Lê Minh Xuân (TPHCM) với diện tích 90ha. Tổng đầu tư xây dựng cơ bản dở dang của PPH vào thời điểm 30-6-2017 là 500,7 tỷ đồng.

Thất vọng vì lợi nhuận  

Ngoài những lý do trên, một trong những yếu tố được NĐT đặt kỳ vọng vào PPH là quỹ đất doanh nghiệp đang sở hữu. Như các doanh nghiệp nhà nước khác, PPH sở hữu rất nhiều quyền sử dụng đất có giá trị cao bắt nguồn từ các nhà máy, nhà xưởng và văn phòng làm việc cũ tại Hà Nội và TPHCM. Thế nhưng, tất cả yếu tố này đã không thể giúp PPH có được sự khởi đầu tốt đẹp trên sàn UPCoM.
Ngày 23-8, PPH chính thức niêm yết hơn 73,3 triệu CP với giá khởi điểm 25.000 đồng/CP. Ngay trong phiên chào sàn, PPH đã giảm 16%, xuống còn 21.000 đồng/CP. Chưa dừng lại, PPH tiếp tục sụt giảm chỉ còn 15.200 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 31-8. 

Việc PPH đi ngược xu thế khiến nhiều cổ đông hết sức bất ngờ bởi lĩnh vực dệt - may đang có dấu hiệu khả quan trở lại kể từ cuối 2016. Nhóm CP dệt may cũng được giao dịch khởi sắc trở lại với kỳ vọng về sự tăng trưởng của ngành. Lý do bắt nguồn từ kết quả kinh doanh không mấy khả quan của PPH. Trái ngược với kế hoạch đầy tham vọng của các doanh nghiệp dệt may khác, PPH đề ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu 27% trong năm 2017, trong khi lợi nhuận sau thuế lại giảm do đưa vào sản xuất nhiều dây chuyền mới, giá nguyên vật liệu tăng, điều chỉnh tăng chính sách lương và mức đóng bảo hiểm xã hội.
Theo BCTC bán niên 2017, PPH đạt tổng doanh thu thuần 1.392 tỷ đồng (tương đương 34% kế hoạch năm), giảm 8,58% so với cùng kỳ 2016. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2017 tăng khoảng 8,5%, lợi nhuận sau thuế đạt 137,14 tỷ đồng (tương đương 70,7% kế hoạch năm), giảm 38,1% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá vốn hàng bán tăng mạnh và giảm phần lãi trong công ty liên kết.
Điểm đáng chú ý là biên lợi nhuận của PPH gộp giảm từ 14,94% xuống còn 12,63% chủ yếu do chi phí bông tăng 19,7% và một số nhà máy vừa đi vào hoạt động còn đang trong giai đoạn lỗ dự án, bao gồm Nhà máy khăn bông Quảng Phú, Nhà máy Denim Nha Trang. 

Việc NĐT không mấy mặn mà với PPH có thể xuất phát từ những vụ lùm xùm trong hoạt động của tổng công ty này trước đó. Thực tế, ĐTTC đã nhận được rất nhiều đơn thư tố cáo của các cổ đông phản ánh về các vấn đề như: không minh bạch khi tiến hành sáp nhập CTCP Dệt gia dụng Phong Phú vào PPH khiến cho cổ đông của doanh nghiệp bị thiệt hại; thường xuyên chậm trễ trong việc cung cấp thông tin cho cổ đông.

Các tin khác