PLX làm bước đột phá

(ĐTTCO) - Những ngày qua, PLX (Petrolimex) đang trở thành động lực quan trọng cho diễn biến tích cực của VN Index khi tăng từ 5.0 lên 6.0 chỉ trong thời gian ngắn. 
Trước khi lên sàn, vùng giá 4.0 của PLX đã được đánh giá là cao nên nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng khi CP này còn tăng lên mức 6.0.
Cửa tăng PLX vẫn còn?

Điều này gợi nhớ đến trường hợp của GAS những năm trước, khi CP này tăng lên 6.0 đã có không ít ý kiến cho là đắt, nhưng rồi vẫn tiếp tục tăng lên 8.0, rồi thậm chí vượt qua 10.0. Thực tế nhận định về GAS những năm trước hoặc về PLX thời gian gần đây đều có lý của nó, vấn đề là có phù hợp với thị trường và đầy đủ hay không. Một trong những nguyên nhân đã từng khiến cho GAS và cả PLX tăng mạnh đó là sự gắn kết với biến động chung của TTCK.
3 năm trước, GAS tăng mạnh vào giai đoạn quý III-2014 khi thị trường chung khởi sắc, cùng với đó là sự nổi trội của nhóm CP dầu khí. Khi đó, việc GAS vượt mức giá 10.0 góp phần làm cho VN Index cũng vượt đỉnh 600 điểm. Những ngày gần đây khi PLX tăng từ 5.0 lên 6.0 cũng là lúc VN Index vượt đỉnh 730 điểm rồi tiến thẳng lên 740 điểm. 

 Sau PLX có thể là một CP lớn nào đó mới lên sàn, hoặc đã lên sàn nhưng chưa tới thời của mình. Nhìn chung, khi CP trụ cột ngày càng nhiều, khả năng xoay trụ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, CP cũng sẽ bớt nóng hơn. Dù vậy, sức ép ngắn hạn không phải là không có. 
Mỗi giai đoạn thị trường tăng sẽ có một hoặc một vài CP mang tính dẫn dắt và buộc một số NĐT, đặc biệt là NĐT tổ chức sẽ phải mua vào để danh mục của mình bám sát với xu hướng của thị trường. Bất chấp giá CP lúc đó có đắt cách mấy một số quỹ vẫn phải mua, vì nếu không mua CP vẫn tiếp tục tăng, thị trường tăng không biết ăn nói sao với những người bỏ tiền vào quỹ (investor). 

Với mức giá đóng cửa 5.9 vào phiên 24-5 hôm qua, giá trị vốn hóa của PLX đạt hơn 76.300 tỷ đồng và tất nhiên CP này thuộc vào nhóm CP có vốn hóa lớn nhất thị trường và biến động sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến VN Index. Hiện có rất nhiều CP có vốn hóa lớn, thậm chí lớn hơn cả PLX, tuy nhiên sự chú ý sẽ đổ dồn về PLX bởi CP này đang có xu hướng hút tiền và biến động khá mạnh.
Cho đến ngày 24-5, PLX đã có tổng cộng 22 phiên giao dịch tại HOSE thì chỉ có 1 phiên duy nhất CP này bị khối ngoại bán ròng vào ngày 9-5, còn lại đều là mua ròng với giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Điều này đã từng xảy ra tương tự với GAS, CP càng lên, khối ngoại mua càng nhiều. Dự báo giá của PLX giờ đây sẽ không phù hợp cho bằng dự báo… nhu cầu của CP này, chừng nào nhu cầu còn lớn thì sự sôi động và cửa tăng vẫn còn. 
PLX làm bước đột phá ảnh 1 Ảnh minh họa: LONG THANH
Rủi ro vẫn lớn
Nhìn vào lịch sử của GAS cũng như những “tân binh” gần đây có vị thế như PLX cũng có thể nhận ra một số vấn đề tương tự nhau. Hãy bắt đầu bằng trường hợp của SAB lên sàn vào đầu tháng 12 năm ngoái và đã từng tăng lên 23.0 cách đây vài tháng. Khi đó, NĐT nhìn ra cửa SAB tăng lên 25.0, hay thậm chí lạc quan hơn là 30.0. Nhưng rồi sau đó, SAB cũng điều chỉnh dần tới 20.0 tưởng chừng là đáy ngắn hạn, thì CP này lại giảm tiếp về vùng 19.0.  Tương tự như SAB, cách tăng của ROS lên 16.0 rồi lên gần 18.0 cũng tạo ra sự suy đoán có thể tiến đến 20.0 thậm chí 25.0. SAB là CP có vốn hóa khoảng 122.500 tỷ đồng, ROS cũng là CP có vốn hóa lớn và cả 2 CP này cũng đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến VN Index. Nhưng sự chú ý của thị trường lúc này dành cho SAB và ROS có lẽ thua sút đôi chút so với PLX. Những dữ liệu này chỉ ra một điều không trụ cột nào là không thể thay thế trên thị trường và vai trò dẫn dắt của PLX cũng sẽ tương tự như vậy.  Nhìn những CP như PLX tăng, dám chắc không chỉ có NĐT tổ chức mà chính NĐT cá nhân cũng muốn mua, thậm chí phải mua, đôi khi quyết định có thể đến rất nhiều từ trực giác, lẫn cảm xúc.
Nói đơn cử, những người đã chốt lời PLX ở mức giá 4.5-5.0 hoàn toàn tiếc nuối và có thể mua lại ở mức giá 6.0 với kỳ vọng sẽ còn tăng nữa. Tăng mạnh kèm theo đó có thể là điều chỉnh mạnh tương ứng, dù rằng sau đó giá có thể đưa về một mức cân bằng hơn, và NĐT rất dễ rơi vào vòng xoáy mua đỉnh bán đáy. 

Mặc dù về cơ bản PLX là một CP có chất lượng, phù hợp với mục tiêu đầu tư dài hạn, nhưng các diễn biến ngắn hạn của CP này cũng tạo ra những rủi ro NĐT không thể xem thường. Nhìn rộng hơn nữa, nếu thị trường chưa xuất hiện những PLX mới, tức là khả năng xoay trụ bị gián đoạn thì một sức ép dành cho thị trường chung có thể sẽ xuất hiện. CP tăng mãi rồi cũng phải dừng, mà dừng lại rồi không tăng được tiếp thì phải giảm.

Các tin khác