Nóng lòng chờ “hàng nóng”

(ĐTTCO) - Việc mã VGI của CTCP Đầu tư quốc tế Viettel tăng gần 60% sau 2 phiên giao dịch đầu tiên trên UPCoM, đã tạo nên sự kỳ vọng cho những CP chuẩn bị lên sàn trong thời gian tới.

VGI “cháy hàng”
Phiên giao dịch ngày hôm qua (26-9), VGI vẫn trong tình trạng “cháy hàng” với dư mua lên đến hàng triệu đơn vị. Như vậy sau 2 phiên giao dịch, VGI tăng từ 15.000 đồng/CP lên 23.900 đồng/CP (tương đương mức tăng 60%).
Việc VGI tăng mạnh là hiện tượng được giới đầu tư dự báo từ trước, bởi VGI là đơn vị phụ trách mảng đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), với vốn điều lệ 960 tỷ đồng. VGI hiện đầu tư vào 9 thị trường tại 3 khu vực gồm Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Đông Timor và Myanmar), Mỹ Latin (Haiti) và châu Phi (Cameroon, Tanzania, Burundi và Mozambique). Trong số đó, Viettel đang giữ vị trí số 1 về thị phần tại 5/9 quốc gia là Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Burundi. 
Tính đến hết năm 2017, VGI đang phục vụ gần 40 triệu khách hàng quốc tế (tăng 13% và gấp hơn 4 lần trung bình thế giới là 3%). Tổng doanh thu hợp nhất năm 2017 của VGI đạt 19.023 tỷ đồng (tăng 24%), lợi nhuận trước thuế đạt 27 tỷ đồng. Đây là một kết quả rất tích cực trong bối cảnh phải đầu tư lớn ở thị trường Myanmar và một số thị trường ở châu Phi mới ở giai đoạn đầu, nên chi phí vận hành lớn. Năm 2018, VGI đặt mục tiêu đạt lợi nhuận dương, dù mới vận hành thị trường quốc tế lớn nhất là Myanmar (khai trương ngày 9-6). 
Nóng lòng chờ “hàng nóng” ảnh 1 Dù là CTCK quy mô nhỏ, nhưng xét trên nhiều yếu tố Artex đang hoạt động hiệu quả nhất trên TTCK. 
Tại ĐHCĐ thường niên tổ chức vào giữa tháng 6, cổ đông của VGI thông qua việc tăng vốn điều lệ lên 30.430 tỷ đồng bằng phương án phát hành riêng lẻ 800 triệu cổ phần phổ thông, với giá 10.000 đồng/cổ phần (trị giá 8.000 tỷ đồng). Toàn bộ số vốn này sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động phù hợp với nhu cầu đầu tư cho các dự án của VGI đến năm 2020.
Một trong những yếu tố được giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào VGI trong thời gian tới, là việc Tập đoàn Viettel có vốn đăng ký đầu tư ở các thị trường quốc tế là hơn 2 tỷ USD, trong đó hơn 50% đã được giải ngân. Tổng lợi nhuận đã được chuyển về Việt Nam 516 triệu USD, chiếm gần 45% số vốn đã đầu tư. Mục tiêu tới năm 2020 của VGI là mở rộng thị trường đầu tư đạt quy mô dân số 400-500 triệu dân, và vào Top 10 công ty viễn thông toàn cầu.

Hàng hiếm ART
Phiên giao dịch ngày mai (28-9), sàn HNX sẽ chào đón tân binh mới là CTCK Artex (ART). Theo đó, ART sẽ chính thức niêm yết hơn 37,2 triệu CP với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên 8.100 đồng/CP. Như vậy sau hơn 1 năm niêm yết trên UPCoM (tháng 8-2017), ART sẽ góp mặt trên sân chơi có tiêu chuẩn cao hơn.
Trước khi nộp hồ sơ chuyển sàn, ART đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng để đáp ứng tiêu chuẩn niêm yết trên sàn HNX, cũng như tham gia cung cấp các dịch vụ CK phái sinh. Đơn cử là việc phát hành hơn 6,2 triệu CP trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông với tỷ lệ 20%, và chào bán gần 109 triệu CP cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 1:3,5.
Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán hơn 1.086 tỷ đồng sẽ dùng để nâng cao tỷ lệ an toàn tài chính, bổ sung vốn cho hoạt động vay ký quỹ, và đáp ứng yêu cầu về vốn để tham gia cung cấp dịch vụ và kinh doanh CK phái sinh. Đặc biệt, việc phát hành CP này sẽ giúp ART tăng vốn điều lệ lên trên 1.459 tỷ đồng, đủ điều kiện về vốn để tham gia cung cấp dịch vụ và kinh doanh CK phái sinh.
Một trong những yếu tố giúp cho ART thu hút được sự chú ý của giới đầu tư chính là hiệu quả kinh doanh không ngừng được cải thiện. Là CTCK có quy mô nhỏ, nhưng ART đã có những bước tiến khá vững chắc trong thời gian gần đây, khi lần đầu tiên lọt Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất sàn HOSE năm 2017.
Cũng trong năm 2017, ART ghi nhận doanh thu 154 tỷ đồng, trong đó doanh thu hoạt động môi giới CK đạt 107 tỷ đồng. So với năm 2016, doanh thu ART tăng hơn 6 lần, doanh thu môi giới tăng 4,8 lần. Doanh thu tăng trưởng mạnh giúp cho lợi nhuận trước thuế của ART đạt con số kỷ lục 106 tỷ đồng (tăng gấp 20 lần so với năm 2016), EPS đạt 5.147 đồng/CP.
Như vậy, nếu xét trên vốn điều lệ, doanh thu và các tiêu chí hoạt động khác, ART được xếp vào nhóm các CTCK hoạt động hiệu quả nhất trên TTCK hiện nay. Năm 2017, ART đạt chỉ tiêu doanh thu 180 tỷ đồng (tăng 16,8%), trong đó doanh thu môi giới CK đạt 150 tỷ đồng (tăng 39,7%) và lợi nhuận trước thuế đạt 120 tỷ đồng (tăng 13,1%).

Bước chuyển mình của TTE 
Ngày 24-9, HOSE nhận được hồ sơ xin đăng ký niêm yết 28,5 triệu CP của CTCP Đầu tư năng lượng Trường Thịnh (TTE). TTE có hoạt động kinh doanh chính là sản xuất, phân phối và truyền tải điện. Doanh nghiệp này hiện đang trực tiếp và gián tiếp (thông qua công ty con TNHH Trung Việt) vận hành 4 nhà máy thủy điện là Đăk Ne, Đăk Pia, Tà Vi và Đăk Bla 1. 4 nhà máy này có tổng vốn đầu tư hơn 1.150 tỷ đồng, tổng công suất 28,3MW, riêng nhà máy Đăk Bla 1 (bắt đầu vận hành tháng 4-2018) có tổng vốn đầu tư 639 tỷ đồng và công suất 15MW. 
Năm 2017, TTE đạt doanh thu thuần gần 122 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 17,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 76,5% và 67% so với năm 2016. Theo nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2018, TTE đặt chỉ tiêu doanh thu thuần 146 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20,6 tỷ đồng. Sau 6 tháng kinh doanh doanh, TTE đã hoàn thành 45,2% kế hoạch doanh thu và 71,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018. Với kết quả kinh doanh tương đối tích cực, việc đăng ký niêm yết CP của TTE hết sức hợp lý. Ngoài việc tiếp cận được nguồn vốn trên TTCK, việc niêm yết CP còn là động lực giúp cho doanh nghiệp minh bạch hóa thông tin. 

Các tin khác