Những mã bất động với thời cuộc

(ĐTTCO) - VN Index đã có sự bứt phát mạnh mẽ trong khoảng 1 năm trở lại đây và lần lượt phá vỡ nhiều mốc điểm số quan trọng. 
Cùng với đó là mức tăng chóng mặt của hàng loạt mã CP đang giao dịch trên TTCK. Tuy vậy, vẫn có khá nhiều mã CP gần như bất động, thậm chí vẫn đang ngụp lặn ở mức giá rất thấp (dưới 5.000 đồng/CP) trong sự thờ ơ của NĐT.
Kinh doanh bết bát

Theo thống kê, trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM hiện có 114 mã CP hiện đang giao dịch ở mức giá dưới 5.000 đồng/CP. Trong đó, nhóm CP dầu khí chiếm số lượng đáng kể với hàng loạt mã như: CTCP Đầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí (PTL), CTCP Xây lắp bể chứa dầu khí (PXT), CTCP Xây dựng công nghiệp và Dân dụng dầu khí (PXI), CTCP Hóa phẩm dầu khí DCM - Miền Bắc (PCN), CTCP Du lịch dầu khí Phương Đông (PDC), TCTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX), CTCP Đầu tư và Thương mại dầu khí Nghệ An (PVA), CTCP Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVL)… đang giao dịch dưới mức 4.000 đồng/CP.
Các mã này đều nằm trong diện kiểm soát hoặc cảnh báo của HOSE và HNX. Nguyên nhân khiến cho giá CP của các doanh nghiệp này lao dốc xuất phát từ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi giá dầu giảm. Lấy dẫn chứng từ PXT, BCTC kiểm toán năm 2016 của doanh nghiệp này đã nhận được những đánh giá tiêu cực từ công ty kiểm toán. Cụ thể, tính đến 31-12-2016, lỗ lũy kế 135,2 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 496,6 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh âm 11 tỷ đồng. Theo ý kiến của kiêm toán viên, các yếu tố này gây nên sự lo ngại về khả năng tạo tiền của PXT để thanh toán các khoản nợ đến hạn. 

Tương tự, nhóm CP vận tải biển cũng rơi vào tình cảnh hết sức bi đát do hoạt động kinh doanh liên tục sụt giảm. Đơn cử là CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) hiên đang giao dịch ở mức giá 1.600 đồng/CP. Đây là mức giá phản ánh hiện trạng đầy khó khăn mà doanh nghiệp này đang phải đối mặt.
Theo thống kê, VOS liên tục thua lỗ trong vài năm trở lại đây, với con số thua lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng, năm sau lỗ hơn năm trước. Cụ thể, lợi nhuận chưa phân phối năm 2014 âm 144 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 295 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 354 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm cuối năm 2016 âm hơn 800 tỷ đồng. Tại ĐHCĐ 2017, HĐQT của doanh nghiệp tiếp tục lên kế hoạch giảm lỗ. Mới đây, HOSE đã tếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với VOS. Một doanh nghiệp vận tải biển làm ăn thua lỗ khác là CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA). Mới đây, HOSE có quyết định về việc hủy niêm yết đối với VNA do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31-12-2016 âm 205 tỷ đồng (vượt vốn điều lệ thực góp là 200 tỷ đồng căn cứ trên BCTC kiểm toán 2016). Trước khi có quyết định hủy niêm yết, VNA đã bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 31-3-2016 do lợi nhuận sau thuế năm 2014 và năm 2015 đều là số âm. Tính đến 31-12-2016, nợ phải trả của VNA chiếm đến 92% trong nguồn vốn ở mức 871 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn và ngắn hạn. Trước khi bị hủy niêm yết, VNA cũng chỉ được giao dịch ở mức giá 1.150 đồng/CP (giảm 96% so với thời điểm lên sàn).
Những mã bất động với thời cuộc ảnh 1 Khai khoáng nằm trong nhóm CP gần như bất động với TTCK đang lên, có mã giao dịch quanh 1.000 đồng/CP. 
NĐT quay lưng
Chiếm số lượng tương đối trong nhóm CP giá bèo là các mã CP khai khoáng. Việc nhóm CP khai khoáng rơi xuống đáy bắt nguồn từ những khuất tất trong hoạt. Đơn cử là trường hợp của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (TMT). Doanh nghiệp này lên sàn UPCoM tháng 4-2016 và đã thu hút NĐT với những phiên khớp lệch ghi nhận biên độ giá chênh có thời điểm lên tới 28%, cùng với đó là khối lượng giao dịch thuộc hàng top trên thị trường.
Tuy nhiên chỉ sau hơn 1 tháng giao dịch, mã CP này trở thành nỗi kinh hoàng của NĐT khi mất đi 80% giá trị sau hàng loạt thông tin liên quan đến trụ sở, thương hiệu và tài sản của công ty này thực chất chỉ nằm trên giấy.

Sự thất vọng của NĐT đối với nhóm CP khoáng sản càng gia tăng khi hàng loạt mã CP bị đưa vào diện cảnh báo do thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin trên TTCK. Đơn cử là CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB), CTCP Khoáng sản Luyện kim màu (KSK) hay CTCP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Hưng Long (KHL). Đặc biệt, nhiều CP bị tạm ngưng giao dịch như các trường hợp của CTCP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc (KTB), CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á (BAM), CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS), CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Bắc Giang (BGM).
Đáng nói là những doanh nghiệp không rơi vào “danh sách đen” thì hoạt động kinh doanh cũng hết sức bết bát. Đơn cử là trường hợp của TCTCP Khoáng sản TKV (KSV). Cuối năm 2016 vừa qua, HĐQT của doanh nghiệp này vội vã điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh từ từ 61,5 tỷ đổng lợi nhuận xuống chỉ còn 0 đồng, tỷ lệ cổ tức theo kế hoạch mới là 0% so với kế hoạch đầu năm là 2%.

Với những dẫn chứng trên thì việc NĐT quay lưng với nhóm CP khoáng sản là điều không tránh khỏi. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhóm CP này lao dốc và phần nhiều đang được giao dịch ở mức rất thấp, thậm chí có giá dưới 1.000 đồng/CP như KSS, KHL hay BGM. Các mã còn lại cũng chỉ giao dịch quanh mức giá từ 1.000-4.000 đồng/CP. Dù giao dịch ở mức giá cực thấp nhưng nhóm CP này vẫn không tạo được sự chú ý của NĐT.

Rào cản thanh khoản

Điều dễ dàng nhận thấy nhất ở nhóm CP giá thấp này là thanh khoản. Đơn cử CTCP 482 (B82). Thời điểm tháng 9-2015, B82 còn giao dịch trên mốc 10.000 đồng/CP nhưng đến phiên giao dịch cuối tuần trước chỉ còn 2.600 đồng/CP. Điều đáng nói là dù giá CP giảm sâu nhưng lực cầu bắt đáy B82 vẫn chưa xuất hiện khiến cho thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp. Phiên có khối lượng giao dịch lớn nhất cũng chỉ đạt hơn 10.000 đơn vị, trong khi số phiên không có giao dịch vẫn chiếm số lượng đáng kể.
Việc B82 rơi vào tình trạng như hiện nay xuất phát từ kết quả kinh doanh kém khả quan của doanh nghiệp này. Đơn cử năm 2016, HĐQT của doanh nghiệp này lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế hơn 5 tỷ đồng nhưng kết quả thực tế chưa đầy 50 triệu đồng. Mới đây, HNX đã có quyết định đưa B82 vào diện cảnh báo do chậm nộp BCTC kiểm toán 2016.

CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (SGO) hiện đang niêm yết 20 triệu CP trên sàn HNX với giá tham chiếu hiện tại là 1.200 đồng/CP. Tương tự các doanh nghiệp trên, kết quả kinh doanh èo uột chính là yếu tố đẩy giá SGO xuống mức đáy như hiện nay.
Theo BCTC năm 2016, tổng doanh thu của SGO đạt 307 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 1,68 tỷ đồng (hoàn thành 9,3%% kế hoạch năm). Bản thân lãnh đạo SGO trong công văn giải trình về nguyên nhân gây thua lỗ trong quý I-2017, đã thừa nhận sự yếu kém trong quản lý chính là nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Tuy vậy, thanh khoản mới chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt của SGO chứ không phải mức giá thấp.
Từ đầu năm 2017 đến nay, cứ 2-4 phiên không có giao dịch thì mã CP này lại có 1 phiên giao dịch đột biến với hơn 100.000 CP được chuyển nhượng. Những yếu tố bất ổn này khiến càng cho SGO không nhận được sự quan tâm của NĐT dù giá CP đang ở mức hấp dẫn.  

Theo nhiều NĐT, CP giá thấp mang lại rất nhiều cơ hội vì kết quả kinh doanh doanh nghiệp ở thời điểm này có thể không tốt nhưng có thể cải thiện theo chiều hướng tốt lên nếu HĐQT đưa ra được những giải pháp kinh doanh hiệu quả. Chính vì vậy, NĐT vẫn có thể đầu tư vào những doanh nhiệp này nếu đánh giá đúng được năng lực điều hành của Ban lãnh đạo và triển vọng của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thanh khoản mới chính là rào cản lớn nhất trong việc thu hút dòng vốn của CP giá rẻ. Thực tế cho thấy, đầu tư vào CP giá rẻ, muốn có lợi nhuận phải mua vào số lượng lớn nhưng với lượng giao dịch lèo tèo vài trăm CP, thậm chí không có CP nào được mua bán trong cả phiên giao dịch thì không một NĐT nào dám mua vào, bởi nếu ôm hàng với số lượng lớn khi muốn bán ra cũng hết sức khó khăn.

Các tin khác