Những hạt sạn trong báo cáo sử dụng vốn

Các DN niêm yết đã đồng loạt công bố báo cáo tiến độ sử dụng vốn trong các đợt phát hành CP năm 2010. Thông qua các báo cáo, NĐT ít nhiều thấy được sự chuyển biến trong việc công bố thông tin của doanh nghiệp (DN), song vẫn còn đó những hạt sạn rất lớn.

Các DN niêm yết đã đồng loạt công bố báo cáo tiến độ sử dụng vốn trong các đợt phát hành CP năm 2010. Thông qua các báo cáo, NĐT ít nhiều thấy được sự chuyển biến trong việc công bố thông tin của doanh nghiệp (DN), song vẫn còn đó những hạt sạn rất lớn.

Làm cho có

Báo cáo của Petrosetco (PET) công bố: Ngày 7-10-2009, Petrosetco đã đấu giá 6 triệu cổ phần ra công chúng theo giấy chứng nhận chào bán 421/UBCK-GCN ngày 31-8-2009 của UBCKNN. Tổng giá trị thu được từ phiên đấu giá này là 110,84 tỷ đồng.

Cho đến thời điểm 20-4-2011, tất cả số tiền này đã được Petrosetco đầu tư vào dự án nhà máy sản xuất Ethanol tại Dung Quất theo đúng mục đích và kế hoạch sử dụng vốn của đợt chào bán này.

Hiện nay, tỷ lệ vốn góp của Petrosetco tại CTCP Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung là 14%, tương đương 112 tỷ đồng, việc chạy thử nhà máy dự tính sẽ được thực hiện vào tháng 10-2011. Đọc qua những nội dung trên, nhiều NĐT cho rằng PET đã công bố theo kiểu cho có.

Cuối năm 2009 đến nay là khoảng thời gian không ngắn, vì vậy, cần phải nêu rõ ràng tiến độ giải ngân hơn 110 tỷ đồng ra sao, công ty ngoài chuyện góp vốn có sử dụng số tiền này để tạo thêm lợi nhuận hay không. Nếu nói “đúng mục đích và kế hoạch”, thiết nghĩ không cần phải lập báo cáo làm gì.

Theo quy định, định kỳ 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, tổ chức phát hành phải báo cáo UBCKNN, Sở GDCK và công bố thông tin trên các ấn phẩm, trang thông tin điện tử về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán. Nhưng hiện tại, vẫn có khá nhiều DN mặc dù đã kết thúc đợt chào bán nhưng báo cáo sử dụng vốn vẫn không thấy đâu.

Lấy thí dụ trường hợp của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU) năm ngoái phát hành 10 triệu CP giá 2.0 có thời gian đăng ký nộp tiền mua kết thúc vào tháng 8 và số CP phát hành thêm cũng đã được niêm yết vào tháng 11. Nhưng đến giờ vẫn không thấy SDU công bố báo cáo sử dụng vốn. Có thể các cổ đông khi đi dự ĐHCĐ hoặc đọc những thông tin SDU công bố cũng đã nắm phần nào tình hình sử dụng vốn của công ty, nhưng phải theo luật, việc công bố là điều kiện bắt buộc.

Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý phải có những quy định mạnh tay hơn nữa nhằm siết hoạt động công bố tiến độ sử dụng vốn của các DN. Đây là giai đoạn khó khăn, nhu cầu NĐT nắm bắt được đồng vốn của mình sử dụng như thế nào là hợp lý và cần thiết.

Chuyện những CP nóng

Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 5-2010, MCG (CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam) đã có một đợt tăng nóng từ hơn 3.0 lên gần 6.0 và là một trong những CP thu nhút nhiều sự chú ý nhất. Tháng 8 năm ngoái, MCG nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán 38 triệu CP ra công chúng của UBCKNN.

Tổng số tiền thu được từ sau đợt phát hành của MCG đạt gần 470 tỷ đồng. Theo kế hoạch của MCG, sẽ có gần 448 tỷ đồng được dùng để đầu tư cho 2 dự án 102 Trường Chinh và khu đô thị mới phía Đông huyện Văn Giang, 30 tỷ đồng để đầu tư tăng năng lực sản xuất và hơn 31 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, MCG đã điều chỉnh phương án khi thực hiện với việc chỉ đầu tư cho các dự án 250 tỷ đồng, đầu tư thiết bị tăng năng lực sản xuất 30 tỷ đồng, bổ sung vốn lưu động hơn 30 tỷ đồng, 41,2 tỷ đồng mua CP quỹ và gửi ngân hàng gần 120 tỷ đồng.

Một số NĐT nhìn vào những gì MCG đã thực hiện có thể trách lãnh đạo DN đã tính toán sai lầm trong chiến lược phát hành, dẫn đến việc huy động tiền từ cổ đông rồi lại đem đi gửi ngân hàng lấy lãi. Nhưng người ôn hòa hơn lại nói rằng dù sao MCG công bố rõ ràng như vậy còn đỡ hơn những kiểu che giấu, mập mờ.

Cũng như MCG, SHN (Hanic) đã gây sốt tại HNX từ tháng 3 đến hết tháng 7-2010. SHN đã tăng vốn điều lệ từ hơn 87 tỷ đồng lên gần 325 tỷ đồng. Trong báo cáo sử dụng vốn của SHN, việc rót vốn cho một số hạng mục đầu tư đã bị thay đổi với lý do “đảm bảo nguồn vốn đầu tư của công ty mang lại hiệu quả cho DN và đảm bảo lợi ích của cổ đông”.

Đáng kể nhất là việc bổ sung vốn cho sàn giao dịch bất động sản Hanic từ 75 tỷ đồng theo kế hoạch lên 155 tỷ đồng và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh thép, xuất khẩu nông sản từ gần 52 tỷ đồng lên 70 tỷ đồng. Nhưng điểm băn khoăn ở đây là nếu đã giải thích những sự thay đổi này nhằm mang lại hiệu quả cho DN thì SHN nên chứng minh cụ thể hơn.

Thí dụ: Việc gia tăng vốn cho sàn giao dịch bất động sản đã đem lại lợi nhuận bao nhiêu, hoặc việc giảm vốn góp vào khu công nghiệp Điềm Thụy ở Thái Nguyên sẽ tiết kiệm bao nhiêu chi phí và tiến độ thi công của khu công nghiệp này đến đâu. Không thể phủ nhận nhờ những đợt tăng nóng SHN mới có thể tăng vốn gần gấp 4 lần dễ dàng như vậy.

Nhưng khả năng SHN có thể lặp lại những đợt sóng lớn là rất khó khăn, chính vì vậy, sau khi gây ấn tượng với NĐT bằng giá CP, công ty nên tính đến chuyện củng cố hình ảnh của mình thông qua sự minh bạch.

Các tin khác