Những gương mặt đáng chú ý sắp chào sàn UPCoM

(ĐTTCO)-Sở hữu thương hiệu nổi danh trong quá khứ, khi đưa cổ phiếu lên sàn, các doanh nghiệp này có thể dễ gây chú ý với giới đầu tư. Tuy nhiên, tình hình tài chính hiện tại cũng như triển vọng kinh doanh trong tương lai mới là yếu tố tạo sức hút…

 
Kem Thủy Tạ và Mì gói Miliket lên sàn chứng khoán, nhưng chưa tạo nên dấu ấn riêng như thương hiệu
Kem Thủy Tạ và Mì gói Miliket lên sàn chứng khoán, nhưng chưa tạo nên dấu ấn riêng như thương hiệu

Những tên tuổi cũ 

CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) vừa chốt danh sách cổ đông để nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Nhắc đến Bông Bạch Tuyết là nhắc đến thương hiệu Việt đình đám một thời, với sản phẩm bông y tế từng có thời điểm chiếm tới 90% thị phần cả nước.

Năm 2004, BBT gia nhập sàn HOSE khi ở giai đoạn thịnh vượng nhất, nhưng đến năm 2009 thì bị hủy niêm yết do thua lỗ triền miên và buộc phải ngừng sản xuất. Sau 8 năm, BBT trở lại sàn chứng khoán với hành tranh là 3 năm liên tiếp kinh doanh có lãi.

Theo báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2017, BBT đạt doanh thu 84,8 tỷ đồng và lãi trước thuế 14,7 tỷ đồng trong năm 2016. BBT cho biết, khoản lợi nhuận này hoàn toàn đến từ hoạt động kinh doanh và vượt hơn 200% kế hoạch đề ra. Trước đó, các năm 2014 và 2015, BBT lãi ròng lần lượt 2,5 tỷ đồng và 4,9 tỷ đồng.

Dù tình hình kinh doanh dần cải thiện, nhưng gánh nặng tài chính với BBT vẫn khá lớn. Tính đến cuối năm 2015, BBT còn lỗ lũy kế hơn 97 tỷ đồng trên vốn điều lệ 68,4 tỷ đồng.

Để giải quyết khó khăn này, ĐHCĐ đã thông qua phương án phát hành 2,96 triệu cổ phần riêng lẻ (giá 10.000 đồng/CP) để tăng vốn điều lệ lên 98 tỷ đồng, phân phối cho CTCP Xuất nhập khẩu và đầu tư Thừa Thiên Huế.

Theo lãnh đạo BBT, Công ty rất cần vốn, trước mắt là để sửa chữa nhà xưởng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải…, đặc biệt là giải quyết các khoản nợ tồn đọng hiện nay (hơn 56 tỷ đồng).

Năm 2017, BBT dự kiến đạt doanh thu 101 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 24,3 tỷ đồng, trong đó 12 tỷ đồng đến từ lĩnh vực bất động sản với dự án Khu nhà ở Nguyễn Văn Săng (quận Tân Phú, TP.HCM).

Có “hoàn cảnh” tương tự là CTCP Thực phẩm quốc tế-Interfood (IFS), doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nước ngọt trà bí đao Wonderfarm. IFS từng giao dịch trên sàn HOSE, nhưng bị hủy niêm yết từ năm 2013 do lỗ vượt quá vốn điều lệ thực góp thời điểm đó (381,4 tỷ đồng).

Thực tế, IFS bắt đầu kinh doanh bết bát từ năm 2008 và sau khi hủy niêm yết, IFS có thêm 2 năm (2014, 2015) lỗ liên tiếp, lỗ lũy kế ghi nhận đến cuối năm 2015 lên tới 852,8 tỷ đồng.

Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt của IFS, khi Công ty hoạt động khởi sắc và bắt đầu có lãi, đồng thời quyết định đưa cổ phiếu trở lại sàn chứng khoán. Cụ thể, kết thúc năm 2016, IFS đạt 1.330,5 tỷ đồng doanh thu thuần và 43,4 tỷ đồng lãi sau thuế, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 96 tỷ đồng.

6 tháng 2017, IFS ghi nhận 56,4 tỷ đồng lãi sau thuế, vượt  xa chỉ tiêu 15 tỷ đồng đặt ra tại ĐHCĐ thường niên 2017, nhờ đó giảm lỗ lũy kế xuống còn gần 753 tỷ đồng trên vốn điều lệ 871,4 tỷ đồng.

Theo đó, từ mức giá chốt 3.000 đồng/CP ngày 16/11/2016, cổ phiếu IFS đã leo lên mức đỉnh 13.300 đồng/CP vào đầu tháng 8/2017, trước khi lùi về quanh mức 9.000 đồng/CP hiện  nay.

Lĩnh vực kinh doanh chính của IFS là sản xuất nước trái cây, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến từ nông-thủy sản khác. Trong tương lai, IFS dự kiến cắt giảm các mảng khác để tập trung nguồn lực cho mảng nước giải khát, đặt mục tiêu sẽ tăng thị phần nội địa của ngành này từ 3% lên 8% trong năm 5 tới.

Các “lão làng” lần đầu ra mắt

Năm nay thị trường đón nhận 2 cái tên đáng chú ý khác là Kem Thủy Tạ và Mì gói Miliket lên sàn chứng khoán.

CTCP Thủy Tạ (TTJ) có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tiền thân là Nhà hàng Thủy Tạ được thành lập từ tháng 5/1958. Hoạt động kinh doanh của TTJ những năm gần đây diễn ra bình lặng. Năm 2016, TTJ đạt doanh thu thuần 110 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 7,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kết quả của 2 năm gần nhất.

Đối với CTCP Lương thực thực phẩm Colusa-Miliket (CMN), sản phẩm mì ăn liền Colusa - Miliket với hình ảnh hai con tôm hiện đang chiếm 4% thị phần nội địa, riêng dòng mì giấy vẫn dẫn đầu thị trường với tỷ lệ 80%.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh được CMN công bố, năm 2016, Công ty đạt 461 tỷ đồng doanh thu và 19,7 tỷ đồng lãi sau thuế, hoàn thành tương ứng 86% và 89% kế hoạch đặt ra. Trong năm 2017, CMN đặt mục tiêu đạt doanh thu 575 tỷ đồng, lãi ròng 22,4 tỷ đồng với kế hoạch tiêu thụ 18.000 tấn sản phẩm. CMN trung thành với chiến lược “nói không với quảng cáo”, tập trung vào phân khúc giá rẻ ở thị trường mì gói, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường này.

Mặc dù lợi nhuận không cao so với nhiều doanh nghiệp trong ngành, nhưng với quy mô tài sản, nguồn vốn nhỏ, giúp các chỉ số về hiệu quả hoạt động của TTJ và CMN ở mức khá cao. Như CMN năm 2016, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu đạt 41%, thu nhập trên vốn cổ phần đạt 4.103 đồng/CP.

Nhờ đó, TTJ và CMN chào sàn UPCoM ở mức khá cao là 31.000 đồng/CP và 25.000 đồng/CP. Từ khi lên sàn, CMN và TTJ đều tăng giá, riêng TTJ tăng gấp hơn 2 lần. Tuy nhiên, thanh khoản thấp là vấn đề chung của 2 cổ phiếu này.

Ngoài việc cơ cấu cổ đông cô đặc, nhiều ý kiến cho rằng, việc chưa có chiến lược mới cho hoạt động kinh doanh là nguyên nhân khiến CMN và TTJ chưa thu hút được nhà đầu tư lớn.

Các tin khác