Nhà nước vẫn bảo bọc ACV

(ĐTTCO) - Lên kế hoạch chuyển niêm yết từ UPCoM lên HOSE từ khá lâu, nhưng đến nay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn nợ cổ đông lời xin lỗi sau nhiều lần lỡ hẹn. Tuy nhiên, nếu niêm yết thành công, ACV cũng khó thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư khi mức giá thoái cao, trong khi cổ đông nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối lớn.

Đi trước về sau
Chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) từ những năm 2015-2016, đến nay ACV vẫn là một trong những điển hình của các ông lớn doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”.
Nguyên nhân do cổ đông nhà nước tại ACV là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - CMSC (trước đó là Bộ Giao thông-Vận tải) đang nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ lên đến 95,4%. Trong khi đó, cổ đông NĐTNN chỉ nắm 3,63% cổ phần, còn lại là NĐT cá nhân nắm giữ 0,97% cổ phần. Với tỷ lệ nắm giữ quá cao của cổ đông nhà nước, những cổ đông nhỏ lẻ, thậm chí cả cổ đông NĐTNN gần như không có tiếng nói trong các quyết định quan trọng của ACV.
Theo lộ trình cổ phần hóa, Nhà nước sẽ thoái 20% vốn điều lệ (hơn 4.300 tỷ đồng tính theo mệnh giá cổ phần 10.000 đồng) trong năm 2018 và 10,4% còn lại vào năm 2020. Ngoài ra, còn có phương án khác cũng được tính đến là tiến hành thoái 1 lần cả 30% vào năm 2020.
Giá bán cổ phần được xác định theo nguyên tắc lựa chọn giá đặt mua từ cao xuống thấp, cho đến hết số lượng cổ phần thuộc vốn nhà nước cần chuyển nhượng, nhưng không thấp hơn giá khởi điểm. Sau nhiều lần cân nhắc, cuối cùng phương án 1 được lựa chọn và ACV sẽ niêm yết trên HOSE trong quý I-2019.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lộ trình chuyển sàn của ACV vẫn mịt mờ, với lý do chưa hoàn tất việc quyết toán giá trị vốn cổ phần sau cổ phần hóa. Sự chậm trễ này ngoài lý do khách quan, giới đầu tư đặt câu hỏi về năng lực của bộ máy quản lý và tổ chức tư vấn niêm yết.
Bởi lẽ, dù cùng có xuất phát điểm như ACV nhưng nhiều ông lớn đã chuyển sàn thành công trong thời gian ngắn. Đơn cử là trường hợp của Tổng CTCP Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power, mã CK POW), hay Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã CK HVN).

Chưa đủ hấp lực
Đặt giả sử, nếu “nút thắt” trên được tháo gỡ và ACV được chuyển niêm yết lên HOSE thành công, khả năng thoái vốn nhà nước cũng không dễ dàng. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nếu phương án cổ phần hóa xác định Nhà nước giữ tỷ lệ chi phối lớn, thường không được NĐT quan tâm.
Ngược lại, doanh nghiệp bán cổ phần với tỷ lệ lớn, hoặc bán hết phần vốn nhà nước, lại được NĐT quan tâm và trả giá cao hơn. Đơn cử là trường hợp của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK VCG). Sau nhiều lần chào bán từng phần thất bại, Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã quyết định chào bán cả lô, và số cổ phần đưa ra đủ nhiều để NĐT có được quyền nhiều hơn trong doanh nghiệp. 
Một thách thức được cho sẽ ảnh hưởng đến lộ trình thoái vốn, là mức giá của ACV trên TTCK. Năm 2014, Aéport de Paris đã từng đặt vấn đề hợp tác với ACV để góp vốn vào dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành khi dự án này còn trên giấy. Đến năm 2017, đối tác này tiếp tục có các cuộc đàm phán với ACV nhưng không thành công, nguyên nhân có thể do ACV đưa ra mức giá bán quá cao.
Thời điểm đó, ACV chào sàn UPCoM (tháng 11-2016) với giá tham chiếu chỉ 35.000 đồng/CP và mức giá IPO bình quân trước đó chỉ 14.344 đồng/cổ phần. Sau khi niêm yết, ACV bị đẩy giá lên, có thời điểm CP này gần chạm mốc 120.000 đồng/CP. Sau nhiều đợt điều chỉnh, ACV đang giao dịch ở mức giá hơn 84.000 đồng/CP, cao gần 8 lần so với thời điểm IPO.  Với mức giá này, việc tìm kiếm được NĐT có đủ năng lực tài chính để hấp thụ số cổ phần chào bán, là việc không dễ dàng. 

Các tin khác