Nghịch lý dòng vốn trên sàn chứng khoán (Kỳ 2): Chung tay gỡ nút thắt

(ĐTTCO) - Những nguyên nhân khiến doanh nghiệp (DN) niêm yết không thể huy động vốn trên TTCK đều được giới phân tích nhận diện từ lâu. Thế nhưng, để tháo gỡ nút thắt này lại là vấn đề không đơn giản, cần sự nỗ lực từ cơ quan quản lý và cả DN.

Đóng góp quan trọng
Thống kê cho thấy, nếu như cách đây 5 năm, TTCK Việt Nam chỉ có 1 DN có mức vốn hóa 1 tỷ USD, đến thời điểm hiện nay đã có khoảng 32 DN niêm yết có mức vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên.
Tiêu biểu như VIC (Vingroup) có vốn hóa khoảng 16,4 tỷ USD, VNM (Vinamilk) vốn hóa tương đương 10,5 tỷ USD và VCB (Vietcombank) vốn hóa hơn 10,1 tỷ USD. Với quy mô vốn hóa như hiện tại, TTCK Việt Nam đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, hỗ trợ thị trường tiền tệ, giảm áp lực đối với hệ thống các ngân hàng. 
 Phải làm cho TTCK gần với người dân hơn nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi “chơi CK”, mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả.
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
Phát biểu tại lễ đánh cồng đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định TTCK Việt Nam đang thực sự trở thành kênh huy động vốn quan trọng trong và ngoài nước cho nền kinh tế. Vốn hóa của thị trường đã tăng gần 17 lần trong vòng 12 năm qua, từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 72% trong năm 2018. Huy động vốn của khối DN tư nhân thông qua phát hành CP, trái phiếu DN tăng 70% trong năm 2017 và trên 30% trong năm 2018 với 86.000 tỷ đồng, đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức huy động vốn qua kênh CK thành công nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những hạn chế của TTCK. Đó là quy mô thị trường còn nhỏ, nhất là thị trường trái phiếu DN, tính minh bạch có nhiều cải thiện nhưng chưa cao, nhiều DN đã cổ phần hóa nhưng chậm niêm yết.
“Nhiều người dân không dám đầu tư vào TTCK vì họ không tin đó là kênh đầu tư đáng tin cậy và an toàn. TTCK chỉ có các NĐT lướt sóng, ngắn hạn sẽ không bao giờ trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, trong khi đây là thị trường rất an toàn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

DN nhỏ đứng ngoài cuộc chơi
Trong bài viết trước, ĐTTC đã đề cập đến trường hợp của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR). Sau khi thất bại trong kế hoạch phát hành 48,7 triệu CP tăng vốn, SCR đã có giải pháp xử lý số CP ế bằng việc chào bán hết cho DN có liên quan là CTCP Đầu tư Thành Thành Công.
 Phải có giải pháp xử lý hiệu quả trong thời gian tới, để thị trường vốn, TTCK thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho DN, còn ngân hàng là nơi cung cấp nguồn vốn ngắn hạn như phân vai của các loại thị trường này theo thông lệ quốc tế.
Ông NGUYỄN ĐỨC KIÊN,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng nhận được “quyền trợ giúp” như SCR. Trên thực tế, việc huy động vốn, trên TTCK đang là cuộc chơi của các DN có tiềm lực. Mới đây, HĐQT của VIC công bố kế hoạch chào bán tối đa 250 triệu CP cho tổ chức NĐTNN, với giá trên 100.000 đồng/CP. Phương án chào bán cũng như kế hoạch sử dụng vốn sẽ được HĐQT của VIC trình các cổ đông thông qua trong kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2019 tới đây. Theo tính toán, nếu thành công, VIC sẽ thu về số tiền khủng 25.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, những DN đang không thuận lợi về vốn đã gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC). Do hiệu quả kinh doanh ngày càng đi xuống, DN này luôn gặp khó mỗi khi có kế hoạch phát hành CP tăng vốn. Không huy động vốn trên TTCK, HQC chuyển sang vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, càng khiến DN thêm lao đao.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT HQC, cho biết sau khi gói ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng chấm dứt, DN làm nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại, nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế lợi nhuận 10%, làm hạn chế hoạt động đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội.
Ở góc độ ngân hàng, ngân hàng sẽ hạn chế cho vay DN làm nhà ở xã hội. Với các cổ đông, họ bị hạn chế do vốn liên kết. Theo ông Tuấn, hầu hết tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Việc liên kết này diễn ra ở cá nhân, 1 dự án hay 1 sản phẩm. Với quy định này, khi hợp tác, DN bỏ vốn cũng sẽ bị ảnh hưởng nên không ai dám bỏ vốn vào đầu tư.
Nghịch lý dòng vốn trên sàn chứng khoán (Kỳ 2): Chung tay gỡ nút thắt ảnh 1 TTCK chỉ có các NĐT lướt sóng sẽ không  trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Khó khăn khi huy động vốn trên TTCK còn làm nảy sinh ra những vấn đề tiêu cực. Đơn cử là việc DN sử dụng các chiêu trò để đẩy giá CP đang niêm yết lên cao hơn mức giá chuẩn bị phát hành. Những chiêu trò này không chỉ khiến DN đánh mất thương hiệu, còn tác động xấu đến TTCK.
Trong 1 tháng trở lại đây, mã HSG (Hoa Sen) bất ngờ tăng mạnh, từ mức chỉ hơn 6.000 đồng/CP (phiên giao dịch này 12-2) lên gần 10.000 đồng/CP. Ngoài yếu tố tích cực giá thép tăng cao, giới đầu tư đang đặt nghi vấn về khả năng thổi giá của DN để thực hiện kế hoạch tăng vốn (tối đa 1.000 tỷ đồng).
Theo kế hoạch, ngày 29-3, HSG sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. thông qua việc phát hành CP cho cổ đông hiện hữu, đối tác chiến lược và NĐT, để bổ sung vốn hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Tạo dựng niềm tin
Để tháo gỡ những gút mắc trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài chính sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý CK và TTCK. Trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật CK để trình Quốc hội thông qua trong năm 2019. Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Sở Giao dịch CK Việt Nam và thực hiện đúng lộ trình.
Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trên TTCK, tạo dựng lòng tin cho công chúng, NĐT, giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững. Tăng chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin giao dịch không đúng. 
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, bản thân DN cũng phải thay đổi tư duy trong việc tìm vốn. Thông thường, khi cần vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các DN thường nghĩ ngay tới ngân hàng và coi đây là nguồn vốn duy nhất. DN vay nhiều trong bối cảnh vốn tự có không đáng kể, khiến chi phí tài chính tăng cao, tác động không tích cực đến hiệu quả kinh doanh của DN.
Chính thói quen này khiến gánh nặng tài trợ vốn cho nền kinh tế, cũng như DN tiếp tục đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng, chưa có sự chia sẻ xứng tầm, mà lẽ ra thị trường vốn, TTCK phải đảm trách như thông lệ các nước.

Các tin khác