Ngành thép phải tự chủ sau chính sách bảo hộ

(ĐTTCO) - Chính sách bảo hộ với ngành thép đã giúp cho các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận được kết quả kinh doanh ấn tượng trong giai đoạn 2016-2017.
Tuy nhiên, một khi hiệu lực của chính sách bảo hộ không còn, các doanh nghiệp phải tự đi trên chính đôi chân của mình để có thể cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm thép nhập khẩu.
Thắng lớn nhờ bảo hộ
Kế hoạch 5 năm cho giai đoạn 2016-2020 để cải tổ ngành thép, Chính phủ Trung Quốc đưa ra 2 biện pháp chính: tăng tính tập trung của ngành thép thông qua các hoạt động M&A, với mục tiêu 10 doanh nghiệp thép lớn nhất sẽ nắm giữ 60% thị phần (từ mức 35% năm 2015); cam kết cắt giảm 100-150 triệu tấn thép/năm (tương ứng 12,5% công suất) trong giai đoạn 2016-2020.
Về phía tổng cầu, Trung Quốc cũng kích cầu tiêu thụ thép thông qua các chính sách như: hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua các biện pháp giảm lãi suất cho vay, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm tỷ lệ đặt cọc mua nhà và bỏ các quy định ràng buộc người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Trung Quốc; giảm thuế tiêu thụ để kích cầu ô tô (chiếm khoảng 8% nhu cầu tiêu thụ thép); tăng chi tiêu đầu tư công (tăng trưởng 20% trong giai đoạn 2016-2017).
Những giải pháp trên đã được thực thi khá mạnh tay trong 2 năm trở lại đây và có những kết quả hết sức tích cực. Chẳng hạn, nhu cầu nội địa tăng trưởng tốt và các biện pháp cắt giảm nguồn cung mạnh tay, bức tranh ngành thép Trung Quốc đã trở nên sáng sủa hơn, ảnh hưởng từ sự dư thừa công suất của quốc gia đối với ngành thép thế giới đã giảm đáng kể. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ nội địa tăng khiến xuất khẩu giảm mạnh, tồn kho thép trung bình trong 2 năm 2016-2017 giảm 25% so với giai đoạn 2014-2015 và đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Trong giai đoạn 2014-2016, nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc yếu và dư thừa công suất đã khiến các doanh nghiệp thép nước này chấp nhận thua lỗ, bán dưới giá thành để đẩy mạnh xuất khẩu. Cạnh tranh không lành mạnh và phá giá của doanh nghiệp Trung Quốc đã ảnh hưởng tới rất nhiều nước lân cận và hàng loạt các biện pháp chống bán phá giá được thực thi trong giai đoạn này.
Tính đến nay, thép Trung Quốc đang phải chịu 121 rào cản thương mại như: thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và đình chỉ thương mại. Năm 2016, Việt Nam đã áp dụng thuế tự vệ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Kết quả sản lượng nhập khẩu phôi thép từ Trung Quốc giảm mạnh, giá bán tăng và các doanh nghiệp trong ngành đã có những kết quả kinh doanh rất khả quan sau khi áp thuế.
Ngành thép phải tự chủ sau chính sách bảo hộ ảnh 1 Dây chuyền sản xuất thép cuộn chất lượng cao của Hòa Phát. 
Buộc phải đương đầu cạnh tranh
Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), hiện tại tình hình tài chính các doanh nghiệp thép Trung Quốc đã khỏe mạnh hơn rất nhiều so với giai đoạn 2014-2016. Giá phôi và thép xây dựng tại Trung Quốc còn đang cao hơn tại thị trường Việt Nam nhờ chính sách kích cầu tiêu thụ và thắt chặt nguồn cung. Do đó, thuế tự vệ với mục tiêu bảo vệ các doanh nghiệp thép trong nước hiện gần như đã không còn ý nghĩa.
Cũng theo BVSC, trong giai đoạn 2018-2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp cải cách ngành thép để tăng tính tập trung, loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém và giảm tình trạng dư thừa công suất. Từ đó tình trạng chấp nhận bán lỗ như năm 2015 để xuất khẩu được hàng và gây ảnh hưởng tới các quốc gia lân cận sẽ khó có thể xảy ra. 
Vấn đề đặt ra khi thuế tự vệ hết hiệu lực, ngành thép Việt Nam còn có khả năng đương đầu với thép Trung Quốc hay không còn phụ thuộc vào chính sách đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhằm gia tăng sức mạnh cạnh tranh. Theo phân tích của CTCK Sài Gòn (SSI), các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và thương mại thép hiện đang hưởng lợi trực tiếp từ nhu cầu tiêu thụ cao cũng như giá thép tăng và chính sách bảo hộ trong nước.
Đơn cử, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có khả năng bứt phá mạnh trong thời gian tới nhờ triển vọng tích cực của ngành và gia tăng công suất sản xuất. Cụ thể, 2 dây chuyền cán thép thuộc giai đoạn 1 dự án Khu liên hợp thép Dung Quất dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 5 và tháng 11. Việc các nhà máy cán thép đi vào hoạt động giúp HPG tăng doanh thu, và đặc biệt giúp tạo lập thị trường cho sản phẩm trước khi nhà máy công nghệ lò cao đi vào hoạt động vào đầu năm 2019 để khép kín hoàn toàn quy trình sản xuất.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đưa vào sử dụng 2 dây chuyền mạ kẽm mới ở Ninh Bình và Nghệ An, giúp HSG gia tăng tổng công suất lên thêm 36% (đạt 2,2 triệu tấn/năm). Hơn nữa, 2 dây chuyền thép cuộn cán nguội mới sẽ giúp HSG tự cung cấp nguyên liệu đầu vào để sản xuất tôn mạ và công ty cũng mới phát triển mảng ống nhựa, qua đó tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Ngoài 2 đại gia trên, các doanh nghiệp có quy mô vừa cũng đã có những nỗ lực nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Chẳng hạn, CTCP Ðầu tư thương mại SMC (SMC) cũng chuyển dần từ hoạt động thuần thương mại phân phối thép xây dựng sang gia công chế biến. SMC hiện có 5 nhà máy với tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng. Dây chuyền tẩy mạ thép của SMC đang ở giai đoạn cuối để hoàn thiện và tham gia chuỗi sản xuất đã góp phần đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cũng như cơ cấu sản phẩm.
Trong khi đó, hệ thống nhà máy ống thép Sendo tiếp tục được đầu tư mở rộng, gia tăng công suất để đảm bảo chiến lược đến năm 2018 sản xuất 100.000 tấn/năm và lọt vào nhóm 10 nhà sản xuất ống thép lớn nhất.

Các tin khác