Ngành thép lo cho dài hạn

(ĐTTCO) -Nhóm CP thép đang hưởng lợi khá lớn từ các chính sách bảo hộ như thuế tự vệ, chính sách chống bán phá giá. Thế nhưng về dài hạn, CP thép vẫn phải đối mặi với thép nhập khẩu do sức cạnh tranh yếu.
 

Hưởng lợi nhờ chính sách

Ngành cơ khí của Việt Nam như đóng tàu, ô tô có sức cạnh tranh thấp, công nghệ lạc hậu, tỷ lệ nội địa hóa thấp nên không thể đảm bảo đầu ra cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thép chế tạo. Đây là nguyên nhân khiến ngành thép chế tạo của Việt Nam kém phát triển nhất so với các phân khúc còn lại.
Dù trải qua giai đoạn khủng hoảng 2008-2013, doanh thu các doanh nghiệp thép vẫn tăng trưởng liên tục, lên mức 104.000 tỷ đồng năm 2016 (gấp 3,7 lần so với năm 2008). Trong khi đó, lợi nhuận ròng có năm bị sụt giảm do thị trường bất động sản đóng băng, giá bán cũng bị sụt giảm. Tuy nhiên, sau năm 2012 sự ấm lên của thị trường bất động sản đã kéo tỷ lệ sinh lời trong kinh doanh của doanh nghiệp thép trở lại mức đỉnh cao năm 2008, với biên lãi ròng đạt 10% và ROE đạt 33% năm 2016.
Theo thống kê của CTCK KIS Việt Nam (KIS), ngành thép trong nước chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng hạ tầng và bất động sản, nhưng định giá P/E và P/B CP các công ty ngành thép lại thấp hơn đáng kể so với các ngành liên quan như bất động sản và vật liệu xây dựng khác (xi măng, đá, gạch).
Hiện định giá P/E ngành thép chỉ bình quân 5-6x, so với vật liệu xây dựng khoảng 10x và bất động sản 20x. Thậm chí, thống kê còn cho thấy Việt Nam đang là điểm sáng đi ngược với diễn biến ngành thép thế giới nói chung đang trong tình trạng dư cung. 

Thực tế, kết quả trên có được một phần nhờ chính sách các doanh nghiệp thép đang thụ hưởng. Trong xu thế hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với lộ trình chung cắt giảm các khoản thuế giữa các quốc gia, bao gồm cả ngành thép.
Theo đó Việt Nam duy trì mức thuế suất giảm dần đến năm 2020 để ngành thép trong nước có thời gian chuẩn bị tiềm lực cạnh tranh với các nước. Cụ thể, Việt Nam đã áp thuế tự vệ thép xây dựng vào năm 2016, với lộ trình thực hiện đến năm 2020 sẽ đánh thuế cao đối với sản phẩm phôi thép và thép dài xây dựng nhập khẩu để bảo vệ nền sản xuất thép trong nước.
Tương tự, Việt Nam cũng áp dụng thuế chống phá giá sản phẩm tôn mạ kẽm, tôn lạnh từ Trung Quốc và Hàn Quốc, với biên độ 19-38% trong 5 năm (từ ngày 14-4-2017). Về sản phẩm tôn màu, Việt Nam áp dụng thuế tự vệ 19% đối với lượng nhập khẩu vượt quá hạn ngạch 380.000-460.000 tấn/năm (từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2020).

Ảnh minh họa: LONG THANH 

Sức cạnh tranh yếu

Ngành thép Việt Nam nhìn chung có sức cạnh tranh yếu hơn so với các nước sản xuất lớn trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu do quy mô nhà máy của Việt Nam quá thấp dẫn đến khó cạnh tranh về chi phí. Vì thế, dù các công ty trong nước sản xuất nhiều hơn nhu cầu nội địa, nhưng năm 2016 chúng ta vẫn nhập khẩu ròng 19,9 triệu tấn thép tương ứng 8 tỷ USD.
Ngoài nguyên nhân do năng lực cạnh tranh kém, sự mất cân đối trong các phân khúc sản phẩm thép cũng làm tăng nhập khẩu thép của Việt Nam. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nước ta đã đáp ứng được công suất nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép và tôn mạ. Trong khi đó, ngành thép lại thiếu sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) và sản phẩm thép chất lượng cao. Công suất nhà máy thép không lớn nên không cạnh tranh được về chi phí với các nước khác.
Có thời điểm các nhà máy mua phôi thép nhập khẩu do chi phí sản xuất phôi từ lò điện (EAF) của các doanh nghiệp hiện tại cao hơn. Ngoài ra chi phí điện chiếm 26% chi phí sản xuất, đang được Chính phủ đưa lộ trình tăng giá hàng năm, đã làm giảm đáng kể sức cạnh tranh các doanh nghiệp thép sản xuất theo lò EAF. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép quy mô nhỏ và dùng lò EAF sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai.

Phía ngược lại, các doanh nghiệp lớn cũng đối mặt rủi ro về tài chính do theo đuổi các dự án lớn nhằm gia tăng sức cạnh tranh. Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình nhập siêu thép sẽ giảm trong thời gian tới nhờ sự đầu tư của các nhà máy thép mới có sản xuất HRC. Đơn cử, Formosa Hà Tĩnh (FHS) hiện đang chạy thử lò cao giai đoạn 1 (tháng 6-2017). Theo kế hoạch FHS có công suất 7,5 triệu tấn thép sẽ hạn chế nhập siêu thép cán nóng HRC.
Ngoài ra, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng đang thực hiện dự án khu liên hợp thép Dung Quất với công suất kế hoạch 2 triệu tấn thép dài và 2 triệu tấn HRC/năm. Tuy nhiên, dự án này cũng chứa đựng không ít rủi ro, đặc biệt là rủi ro tài chính cho HPG do vốn đầu tư lớn (52.000 tỷ đồng). Trong khi đó, đến năm 2020, các rào cản về thuế tự vệ đối với thép Trung Quốc sẽ hết hiệu lực.
Tương tự là trường hợp của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Theo nhận định của giới đầu tư, trình độ sản xuất của HSG chỉ tập trung ở hạ nguồn sẽ khó cạnh tranh với các doanh nghiệp thép có sản xuất HRC như các công ty Trung Quốc và cả HPG.

Các tin khác