Ngân hàng kéo VN Index

(ĐTTCO) - VN Index lại một lần nữa vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng 750 điểm một cách rất nhẹ nhàng với động lực đến từ nhóm CP ngân hàng (NH).
 
Vai trò trụ cột

Phiên 6-6, VN Index tăng 7,82 điểm, tương ứng 1,05% đạt 751,31 điểm một cách dễ dàng, nhưng một loạt CP có vốn hóa lớn, vốn là trụ cột tăng điểm của những lần trước, chỉ tăng rất nhẹ, chẳng hạn: VNM tăng từ 153.700 đồng/CP lên 154.200 đồng/CP; SAB tăng 191.000 đồng/CP lên 191.300 đồng/CP; PLX từ 61.100 đồng/CP lên 61.500 đồng/CP…
Những ngôi sao của phiên này thuộc về nhóm CP NH với sự bùng nổ của VCB, tăng từ 37.200 đồng/CP lên 38.650 đồng/CP, tỷ lệ tăng 3,9%; CTG từ 18.800 đồng/CP lên 19.200 đồng/CP, tỷ lệ tăng 2,1%; BID từ 18.700 đồng/CP lên 19.400 đồng/CP, tỷ lệ tăng 3,7%… 

Xét về tổng GTGD, phiên 6-6 tại HOSE cũng chỉ đạt hơn 4.000 tỷ đồng, mức phổ biến trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, thanh khoản tại những CP NH chủ chốt lại tỏ ra vượt trội, như: KLGD của VCB đạt gần 4,8 triệu CP, tăng 2,4 lần so với phiên trước đó; còn của CTG đạt 1,4 triệu CP, tăng gần 50% so với phiên hôm trước; BID có tỷ lệ tăng KLGD gần gấp 3 lần, đạt 8,7 triệu CP…
Đặc trưng của nhóm CP NH là ngoài việc có giá trị vốn hóa lớn, tác động mạnh đến biến động của VN Index, còn có thanh khoản lớn. Dòng tiền ùn ùn đổ vào CP NH không chỉ là chỉ báo cho một nhóm CP đơn lẻ mà là chỉ báo của toàn thị trường. Khi PLX, cũng như VNM, tác nhân chính để VN Index vượt qua các ngưỡng 730 và 740 điểm chững lại, đến lượt CP NH đứng ra đảm đương vai trò của trụ cột. 

Ảnh minh họa: LONG THANH 
Kéo dài bao lâu?

Ước tính từ đầu năm đến nay, thời gian “tỏa sáng” của nhóm CP hoặc từng CP lớn rơi vào tầm 1 tháng đổ lại và hiếm hoi lắm mới có chuyện lặp lại 2 lần, điều này có thể thấy rõ qua các trường hợp của SAB, PLX hay cả VNM. Riêng đối với CP NH, tính đến thời điểm này vẫn chưa có một đợt sóng thực sự đáng đồng tiền bát gạo. 6 tháng qua, VCB tăng được từ 3.4 lên 3.8, CTG tăng từ 1.5 lên gần 2.0, BID tăng từ hơn 1.4 lên hơn 1.9, tức suất sinh lời dao động trong khoảng 20-30%.
Những tỷ lệ này thấp hơn hẳn so với những nhóm CP “hot” khác như CK, bất động sản và tất nhiên còn kém rất xa so với đợt sóng lớn của CP NH vào năm 2015. Có thể nói khi nhiều CP khác tăng mạnh nhưng CP NH vẫn chưa, cũng đồng nghĩa với khả năng tăng mạnh vẫn còn. Tất nhiên, giá CP còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như nền tảng cơ bản, hoạt động của ngành…

Thực ra tính từ đầu năm 2017 đến giờ, đã có một số lần CP NH nổi sóng nhưng rơi vào tầm 10% thì chững lại, tức những đợt sóng này chỉ theo xu hướng nước lên thuyền lên của thị trường. Trong đợt tăng giá này, xét về thông tin của ngành, NĐT sẽ quan tâm đến các vấn đề như xử lý nợ xấu, hiệu quả hoạt động của các NH tốp đầu. Còn các yếu tố mang tính thị trường đơn giản hơn, thứ nhất CP NH là CP vua, khi thị trường tích cực sớm hay muộn vị thế của nhóm CP này cũng sẽ được khẳng định. Điểm kế tiếp chính là việc khi CK, bất động sản đã “hot” không có lý gì tiền không đổ về với CP NH. Hơn nữa nếu xét về mặt thị giá, CP NH hiện nay có thể gọi là rẻ, VCB được xem như CP NH hàng đầu nhưng giá hiện nay chưa đến 4.0, thấp hơn nhiều so với các blue chip khác với giá lên đến hàng trăm ngàn đồng cho mỗi CP. Còn với BID, CTG hay cả ACB mức giá 1.0-2.0 có khi còn thấp hơn cả những CP midcap và penny trước đây. Xin nhấn mạnh là đối với CP NH, yếu tố thị giá ảnh hưởng đến sức bật CP rất lớn ngoài các yếu tố cơ bản, vì vậy trong một số thời điểm ngắn hạn, thị giá thấp được xem như rẻ. 

Tác động với thị trường

Phiên 7-6, VCB chững lại đà tăng khi giảm từ 38.650 đồng/CP xuống còn 38.250 đồng/CP; trong khi CTG vẫn tăng khá tốt (3,6%) lên 19.900 đồng/CP, có những lúc chạm mốc 20.000 đồng/CP; BID chững lại ở vùng giá 19.400 đồng/CP. Sự khởi sắc phiên hôm qua thuộc về ACB của sàn Hà Nội với việc tăng 4,3% đạt 26.400 đồng/CP. Đặt giả thiết nếu có một đợt sóng mới cho CP NH, đây chỉ mới là chân sóng và những diễn biến kể trên sẽ tương đối bình thường.
Mặt khác, VN Index hiện cũng đã vượt lên một vùng đỉnh mới, nên sẽ rất khó có chuyện CP tăng quá mạnh, hoặc tăng đồng loạt, thay vào đó là một sự thận trọng chừng mực. Cũng trong phiên này, một loạt blue chip bị bán mạnh và ngay cả CTG khi tiến đến vùng giá 20.000 đồng/CP cũng đã bị chốt lời khá nhiều, quay trở về những mức giá thấp hơn trước khi quay lại 19.900 đồng/CP.

Bản chất của CP NH là nhóm CP hút tiền rất mạnh và có thanh khoản lớn, vì vậy sẽ khó có chuyện nhóm này tăng giá nhiều phiên liên tiếp. Trong điều kiện dòng tiền hiện nay, sẽ không có gì bất ngờ nếu quy luật này lặp lại, nghĩa là CP NH sẽ có một 1 hoặc cao lắm 2 phiên tăng giá mạnh, sau đó chững lại rồi mới có thể tăng tiếp. Và nếu giải ngân vào CP NH, nên chuẩn bị sẵn tâm lý chấp nhận một suất sinh lời thấp trong ngắn hạn, nhưng xét về dài hạn với khoảng thời gian tính bằng tháng sẽ có nhiều điều đáng để chờ đợi.
Và vì nhóm CP NH chưa tăng mạnh nên cũng để ngỏ khả năng hỗ trợ cho điểm số thị trường trong thời gian tới đây. Ít nhất trong phiên 7-6, khi VN Index có dấu hiệu bị bán mạnh, việc một số CP NH giữ được vị thế cũng giúp cho chỉ số này đóng cửa tăng hơn 2 điểm, đạt hơn 753 điểm.

Các tin khác