NĐT phản ứng thái quá?

(ĐTTCO) - TTCK 2 phiên đầu tuần đã giảm mạnh, nhất là ngày 3-7, chỉ số VN Index đã giảm 41,14 điểm về mức 906,01 điểm. 
NĐT phản ứng thái quá?
Trong phiên ngày 4-7, VN Index hồi phục nhẹ đầu phiên nhưng liên tục trồi sụt, có thời điểm VN Index chỉ còn hơn 890 điểm. Tuy VN Index tăng nhưng khối lượng và giá trị giao dịch sụt giảm so với phiên ngày 3-7 (tương ứng với khoảng 30% và 23%), cho thấy, NĐT vẫn có tâm lý thận trọng, quan sát và dường như vẫn chưa hết lo ngại về việc bán ròng, rút vốn của khối ngoại.
Cú sốc từ thế giới
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3-7, khi VN Index giảm sâu, CTCK TPHCM (HSC) nhận định: “Có cảm giác như NĐT đã đầu hàng khi nhìn vào lực bán mạnh trong thời gian giao dịch buổi chiều 3-7”. Khối ngoại đã bán ròng đáng kể sau vài phiên ngừng bán, kéo theo nhiều NĐT rút tiền ra và đứng ngoài hoặc đầu tư trên thị trường phái sinh. Thị trường có vẻ đã bước vào vùng bán quá mức trong ngắn hạn, nhưng tình hình có thể vẫn còn xấu do VN Index đã giảm xuống đáy mới từ đầu năm.
 Về động thái giao dịch của NĐT nước ngoài, mong các NĐT bình tĩnh quan sát để tránh bị tác động thái quá về tâm lý và đánh giá quá mức tác động của thông tin bán ròng đến TTCK. Khối ngoại vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, nên không thể có chuyện họ rút hết vốn. Chỉ số tổng giá trị chứng khoán nắm giữ của khối ngoại trên dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức khá an toàn.
Ông TRẦN VĂN DŨNG, 
Chủ tịch UBCKNN
Chỉ số VN30 đã đóng cửa dưới 900 điểm và cả hợp đồng tương lai một số kỳ hạn cũng vậy. Cuối phiên ngày 3-7, VN Index giảm mạnh 4,3% (tương đương với khoảng 6,5 tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi thị trường) còn 906,01 điểm, và là phiên giảm lớn thứ hai chỉ sau phiên ngày 5-2. NĐT quyết liệt bán để thoát khỏi thị trường, nhưng lực cầu quá yếu khiến nhiều CP giảm xuống giá sàn cuối phiên và trống bên mua, tập trung ở các nhóm tài chính và bất động sản như: STB, CTG, BID, VPB, HCM, VIC, VHM…
Đây là lần thứ 2 sau nhiều tháng VN Index giảm xuống mặt bằng thấp hiện nay nên có thể nói rủi ro giảm tiếp là khá cao. Những nguyên nhân ngắn hạn đằng sau sự giảm điểm của thị trường là đồng nhân dân tệ yếu đi và TTCK Trung Quốc giảm điểm (tỷ giá USD/CNY tăng mạnh, còn TTCK Trung Quốc giảm mạnh trong 2 tuần qua).
Như vậy cho đến khi tỷ giá USD/CNY còn tăng mạnh và TTCK Trung Quốc còn giảm mạnh như vừa qua, thì TTCK Việt Nam cũng sẽ giảm theo. Thị trường khu vực, đặc biệt Trung Quốc và Hồng Công lao dốc cùng với nước ngoài bán ròng liên tục, là các rủi ro đang đè nặng tâm lý NĐT trong nước. 
Nhận định của một số CTCK, thị trường có vẻ đã bước vùng bán quá mức, nên có lẽ sẽ có những phiên hồi phục kỹ thuật trong vài ngày tới. Đặc biệt là khi thị trường khu vực ổn định trở lại.
Theo Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng, từ cuối năm 2017 đến nay, chúng ta vẫn lo lắng về 2 nguy cơ có thể gây tác động kép ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam là FED tăng lãi suất điều hành và căng thẳng thương mại quốc tế, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Và cả 2 điều đó đều đã đến trong tháng 6, khi mà ngày 13-6 FED đã thông báo tăng lãi suất cơ bản ngắn hạn lên mức 1,75-2%, và dự báo có thể tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay. Sau đó, ngày 25-6, những căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và châu Âu, giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tác động đến TTCK gây hiện tượng sụt giảm.
Tác động kép của 2 sự kiện này đã làm rung động cả thị trường tài chính thế giới. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq của Hoa Kỳ đã giảm mạnh tương ứng khoảng 1,2% và 2,09% chỉ trong ngày 25-6. Tuy nhiên, tác động của sự kiện kép này tới châu Á là lớn hơn rất nhiều. Chỉ số Composite của Thượng Hải đã giảm 6,4% trong tháng 6 và giảm thêm 2,5% trong 2 ngày 2 và 3-7.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm giá liên tục trong 14 ngày gần đây, với mức giảm trên 5%. Thị trường Hàn Quốc và các nước ASEAN cũng đồng loạt giảm. “Tôi cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các quỹ đầu tư nước ngoài gia tăng rút vốn khỏi một số thị trường châu Á. Trong 6 tháng đầu năm, các quỹ đã rút vốn khỏi 7 thị trường: Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines 22,8 tỷ USD. Và tất nhiên, dù được đánh giá là đất nước có kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng Việt Nam cũng không khỏi bị ảnh hưởng của tác động của kinh tế toàn cầu, một số quỹ đã bán bớt CP để chốt lời và chuyển bớt vốn về nước” - ông Dũng nói.

Không có chuyện NĐT ngoại rút vốn
Điều đáng nói là động thái bán ròng của NĐT nước ngoài đã tác động mạnh đến tâm lý của các NĐT trong nước. “Tôi có cảm giác nhiều NĐT đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế, NĐT nước ngoài đã rút vốn, biến động tỷ giá VNĐ… nên đã cố bán CP bằng mọi giá” - ông Dũng nói và cho rằng: “Trong khi nước ngoài bán khá nhiều và giảm giải ngân mới, thì những phản ứng thái quá của trong nước cũng gây thêm mất cân đối cung cầu, làm TTCK giảm mạnh trong 2 phiên ngày 2 và 3-7”.
Vậy lời khuyên cho NĐT thời điểm hiện nay là gì? Theo ông Dũng, NĐT trong và ngoài nước nên có cách nhìn khách quan vào tình hình để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh thị trường hiện nay. Không thể phủ nhận tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới như đã nêu trên, nhưng cần nhìn nhận mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam và TTCK Việt Nam nói riêng.
Ở khía cạnh tích cực trung và dài hạn, tôi tin TTCK Việt Nam còn đó nhiều yếu tố nền tảng cơ bản để phát triển. Điều đó thể hiện ở 6 tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật là GDP tăng 7,08%; 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng cao so với cùng kỳ. Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng quý III đạt 6,53%, quý IV 6,36%.
Bên cạnh đó, hiện giá của các CP trong rổ VN30 đã xuống thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2018, nhiều CP bluechips giảm về mức đáy trong vòng hơn 1 năm qua. Mặt khác, tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn ổn định. Tính đến ngày 8-5 đã có 667 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý I, trong đó hơn 86% doanh nghiệp kinh doanh có lãi.
Ngoài ra, dòng vốn ngoại dù có rút trong những ngày gần đây, nhưng nếu nhìn từ đầu năm, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đổ tiền vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội. Trong tháng 5, vốn đầu tư gián tiếp vào đạt 700 triệu USD và trong tình hình phức tạp của tháng 6 vẫn có lượng vào ròng 34 triệu USD. Nếu tính từ đầu năm, dòng vốn vào ròng vẫn đạt 2,28 tỷ USD là con số rất đáng kể so với mức 2,92 tỷ USD của cả năm 2017. 

Các tin khác