MWG: Vòng xoáy tăng trưởng - M&A

(ĐTTCO) - Hôm 3-8, Thế giới di động (MWG) đã có cuộc gặp gỡ với các chuyên gia phân tích (analyst meeting) đến từ CTCK và quỹ đầu tư. 
Trong cuộc gặp này, thông tin về khả năng thực hiện những thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) đã được bàn luận khá sôi nổi. Ngay phiên ngày hôm sau, MWG đã có một phiên tăng gần trần, từ hơn 10.0 lên hơn 10.6. 
Câu chuyện tăng trưởng
 Với quy mô hiện nay của MWG, khi tham gia vào bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể tạo ra những sự xáo trộn và công ty cần đặc biệt cân nhắc. Nói đơn cử như trường hợp bán vé số, sự tham gia của hàng ngàn siêu thị Thế giới di động hay hàng trăm siêu thị ĐMX cũng sẽ tác động rất lớn đến các đại lý còn lại.
Ông Nguyễn Đức Tài
Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài chia sẻ khả năng có thể hoàn thành kế hoạch doanh thu (DT) xấp xỉ 3 tỷ USD tính đến thời điểm này khả thi. Nghĩa là nếu đạt được con số này DT của MWG năm 2017 có thể tăng trưởng gấp rưỡi so với 2016. Và tăng trưởng cũng chính là động lực quan trọng để MWG (tính từ khi niêm yết cách đây 3 năm), luôn nằm trong nhóm CP có thị giá cao nhất trên sàn.
Tăng trưởng tạo ra kỳ vọng, kỳ vọng lại đẩy giá CP tăng, giá tăng kỳ vọng lại cao hơn nữa và như vậy lại cần thêm những động lực tăng trưởng. Hoạt động M&A tất nhiên cũng để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng của MWG, vốn cũng là tiêu chí cực kỳ quan trọng để đánh giá các nhà bán lẻ.  

Ông Trần Kinh Doanh, thành viên HĐQT MWG và cũng có thể xem là nhân vật số 2 tại MWG sau ông Nguyễn Đức Tài, cho biết việc 1 tháng mở 30 chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX) đối với MWG là rất bình thường. Và cứ nhìn vào tốc độ mở chuỗi Thế giới di động hay Điện Máy Xanh (ĐMX) có thể thấy lời của ông Doanh là khả tín. Nói cách khác, mở chuỗi đã là “nghề” của MWG, nhưng câu hỏi đặt ra là nếu MWG đã “có nghề” như vậy tại sao không tự làm mà phải tiến hành M&A? 

Ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy cũng nằm ở vấn đề chi phí, nếu M&A ít tốn kém hơn tự mở thì chọn M&A. Nếu MWG mua lại một chuỗi khác có thể nhanh chóng thâm nhập vào thị trường mới, giảm thiểu được áp lực cạnh tranh. Nhưng ở đây cũng phải xem xét câu chuyện tăng trưởng dựa trên “động lực tăng trưởng”. Thành thực mà nói, việc mở rộng chuỗi của MWG rất nhanh, rất bài bản, được xem là kỳ tích, nhưng NĐT cũng dần quen rồi. Nhưng với M&A lại khác, riêng với MWG, đây là một hoạt động rất mới mẻ và thú vị, tất nhiên sẽ tạo ra một câu chuyện hay. 

Điều này cũng tương tự như việc FPT IS, thành viên của FPT (cũng thường được so sánh với MWG), công ty hàng đầu trong lĩnh vực tích hợp hệ thống, thời gian gần đây liên tục công bố trúng thầu các dự án khủng. Mới đây FPT IS đã ký hợp đồng với Vinasoy để triển khai hệ thống “Hoạch định và quản trị nguồn lực doanh nghiệp” - SAP ERP. Với tổng kinh phí đầu tư 46 tỷ đồng.
Hệ thống SAP ERP do FPT IS triển khai khi đi vào hoạt động, sẽ giúp Vinasoy quản trị hiệu quả các nguồn lực doanh nghiệp theo mô hình chuẩn, chuyên nghiệp, hiện đang được các công ty hàng đầu trên thế giới hiện nay trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) triển khai áp dụng. Vinasoy hiện đang dẫn đầu về sữa đậu nành bao bì giấy tại Việt Nam với hơn 80% thị phần và thuộc top 5 nhà máy sữa đậu nành lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu của Đường Quảng Ngãi (QNS), vốn đang được giao dịch tại UPCoM. 
MWG: Vòng xoáy tăng trưởng - M&A ảnh 1  
Liệu kết thúc sẽ có hậu?
Khi đã nói tới câu chuyện, người ta sẽ quan tâm đến bao nhiêu phần thực, bao nhiêu phần ảo, hay kết thúc có hậu hay không… Một analyst đã đặt câu hỏi rất thực tế cho ông Nguyễn Đức Tài, đó là “Nếu BHX thua lỗ, đến mức nào MWG sẽ phải cắt lỗ?”. Trả lời câu hỏi này, người đứng đầu MWG đã ví von Thế giới di động và ĐMX giống như 2 người anh trong gia đình, đã tốt nghiệp và đi làm để lấy tiền nuôi cho người em là BHX.
Nếu BHX tiêu tốn quá nhiều chi phí và Thế giới di động cũng như ĐMX không thể nuôi được thì phải “cắt”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chi phí của MWG đầu tư cho BHX cũng giống như một nguồn tiền để duy trì động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp. 

Câu chuyện M&A xuất phát từ động lực tăng trưởng của MWG, khi mảng điện thoại đang dần tiến đến điểm bão hòa, MWG đẩy mạnh mảng điện máy. Nhưng điện máy cũng không thể tăng trưởng trong thời gian dài bởi vòng đời của các sản phẩm như máy lạnh, máy giặt, TV sẽ dài hơn điện thoại. 

Đó cũng là lý do MWG tiếp tục thúc đẩy BHX và trang thương mại điện tử (TMĐT) VuiVui.com. Cần biết rằng cả 2 lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh và TMĐT đều đang được kỳ vọng tăng trưởng rất mạnh. Nói một cách khác, MWG đã và đang tạo ra nhiều câu chuyện liên quan đến tăng trưởng, nhưng có kỳ vọng cũng có cả rủi ro. Trong buổi analyst meeting mới nhất, ông Nguyễn Đức Tài cho biết đã bỏ ý định bán vé số Vietlott do có nhiều thách thức. Vé số cũng là một sản phẩm có thể giúp doanh số MWG tăng trưởng, nhưng rõ ràng từ ý định cho đến hiện thực vẫn còn tồn tại một khoảng cách nhất định. 

Thị trường hàng tiêu dùng nhanh trị giá 60 tỷ USD rất nhiều tiềm năng, khả năng quản lý hệ thống, chất lượng dịch vụ 5 sao… có thể là những điểm cộng để kỳ vọng cho BHX. Nhưng đây cũng là thị trường có rất nhiều đối thủ tham gia.
Nói đơn cử hệ thống BHX hiện tại xuất hiện rất nhiều tại các quận Bình Tân, Tân Phú tại TPHCM, nhưng các quận trung tâm thì không. Thử đặt giả thiết ngược lại, khi các hệ thống bán lẻ tương tự BHX sau khi “đánh chiếm” các khu vực tại trung tâm TP rồi cũng tiến đến các khu vực có BHX thì cuộc cạnh tranh sẽ như thế nào?

Mỗi sản phẩm có một đặc thù riêng và bối cảnh thị trường cũng là một điểm không dễ để dự báo.  Không phải lúc nào chuyện mạnh được, yếu thua cũng diễn ra một cách suôn sẻ trên thị trường. Nói cách khác thì M&A cũng như một chương thú vị trong câu chuyện tăng trưởng của MWG, nhưng hiệu quả đến đâu hồi sau mới biết.

Các tin khác