MWG, FRT và DGW: Lấn sân dược phẩm không dễ ăn

(ĐTTCO) - Các doanh nghiệp bán lẻ điện máy có xu hướng lấn sân sang mảng bán lẻ dược phẩm, với tham vọng lấp đầy khoảng trống do mảng bán lẻ điện thoại di động có dấu hiệu bão hòa. Tuy nhiên, mô hình này không đơn giản, bởi môi trường kinh doanh không thật sự thuận lợi như kỳ vọng của doanh nghiệp..  
Tìm đường lấp vào chỗ trống
Trên thị trường bán lẻ di động, chuỗi Thegioididong.com của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) với 42% thị phần, kế đến là chuỗi FPTShop của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) với 18% thị phần trên cả nước. Đây có thể xem là kỷ lục của FRT, bởi thị phần của doanh nghiệp này thời điểm năm 2014 mới chỉ ở mức 10%.
Tuy nhiên, với dư địa tiêu thụ điện thoại thông minh và khả năng chiếm lĩnh thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ không còn lớn, doanh thu trên mỗi cửa hàng hiện hữu (SSSG) của 2 chuỗi lớn nhất là Thegioididong và FPTShop đều giảm xuống mức khá thấp 1-1,5% so với mức 2 chữ số những năm trước.
Thậm chí, còn có nhận định về khả năng rơi về mức tăng trưởng âm trong tương lai. Đây là lý do khiến cho HĐQT của các doanh nghiệp bán lẻ kỹ thuật số quyết định tìm kiếm cơ hội mới từ mảng bán lẻ dược phẩm, nhằm duy trì được đà tăng trưởng trong tương lai.
Sau nhiều đồn đoán, cuối năm 2017, lãnh đạo MWG đã thừa nhận vừa hoàn tất mua vào chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và đổi tên thành An Khang. Chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang được thành lập từ tháng 5-2006, với 14 nhà thuốc hoạt động tại TPHCM. Mục tiêu của MWG khi thâu tóm Phúc An Khang là mở rộng sang bán lẻ dược phẩm với khoảng 50-60 cửa hàng trong năm sau. 
MWG, FRT và DGW: Lấn sân dược phẩm không dễ ăn ảnh 1 MWG đã mua chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và đổi tên thành An Khang. 
Một doanh nghiệp bán lẻ kỹ thuật số có tên tuổi khác là CTCP Thế giới số (DGW), cũng đã bắt tay với CTCP Dược phẩm Vinamedic phân phối thực phẩm chức năng. Lý giải nguyên nhân nhảy vào lĩnh vực kinh doanh mới mẻ này, lãnh đạo DWG cho rằng thị trường thực phẩm chức năng khác hẳn so với mặt hàng điện thoại di động.
Đây là lĩnh vực đang có rất nhiều mặt hàng chưa được nhận diện, thị trường đang còn phân mảnh rất lớn, là cơ hội đối với một công ty phát triển thị trường như DGW. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lĩnh vực kinh doanh mới này vẫn chưa đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh của DGW và cả MWG.
Trái ngược với sự im ắng của 2 doanh nghiệp trên, FRT đặt nhiều tham vọng hơn sau thương vụ mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu, với mục tiêu mở 400 nhà thuốc vào năm 2021. Chia sẻ tại ĐHCĐ thường nên 2018, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FRT, cho biết sau 1 năm tham gia vào chuỗi Long Châu đã tăng gấp đôi số cửa hàng dược phẩm này.
Cụ thể, thời điểm FRT bắt đầu đầu tư vào Long Châu thì chuỗi nhà thuốc chỉ đạt 5 cửa hàng. Chưa dừng lại, kế hoạch năm 2018 công ty sẽ mở thêm 20 nhà thuốc nữa tại khu vực TPHCM, và con số tiếp theo là 100 cửa hàng/năm. Theo kế hoạch, doanh thu lĩnh vực dược phẩm sẽ được đưa vào doanh thu chung của FRT từ năm 2019. Ước tính, trong khoảng 3 năm tới mảng này sẽ đóng góp 30-40% tổng doanh thu cho FRT. 

“Miếng bánh” không dành cho tất cả
Theo Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), tổng doanh số thị trường dược phẩm là 5,3 tỷ USD, trong đó kênh bệnh viện chiếm tới 70% miếng bánh thị phần. Như vậy chỉ còn 30% doanh số thuộc bán lẻ dược phẩm, tương đương 1,6 tỷ USD, được chia sẻ bởi khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc trên cả nước.
Chi tiêu y tế có thể được tài trợ từ 3 nguồn: bảo hiểm y tế (BHYT) của chính phủ (social healthcare insurance), tư nhân (private insurance) và tự chi trả (out-of-pocket). Ở các nước mà phần chi từ BHYT là không nhiều (Ấn Độ, Philippines), thị trường bán lẻ dược phẩm chiếm phần lớn doanh số. Đây là môi trường lý tưởng để chuỗi bán lẻ thuốc có thể thành công.
Tuy nhiên, thị trường bán lẻ lớn cũng chưa đảm bảo rằng chuỗi bán lẻ thuốc sẽ thành công. Đơn cử là thị trường Ấn Độ, nơi các nhà thuốc nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 86% doanh số nội địa nhờ lợi thế len lỏi ở khắp các ngóc ngách. 
Tại Việt Nam, BHYT sẽ ngày càng chiếm phần lớn trong chi tiêu thuốc, tương tự như Trung Quốc. Việc BHYT chỉ chi trả trong kênh bệnh viện hay các bệnh viện tư đều có nhà thuốc của riêng mình, sẽ làm hạn chế khả năng tăng trưởng của kênh bán lẻ. Thêm vào đó, nhà thuốc đơn lẻ vẫn đang áp đảo tại Việt Nam, thể hiện qua mật độ nhà thuốc/người dân thuộc top cao nhất trên thế giới. Có thể nhận thấy điều này qua các chuỗi nhà thuốc như Mỹ Châu hay Phano, đã xuất hiện từ 10 năm trước nhưng đến nay vẫn hết sức mờ nhạt. 
Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), kế hoạch mở 400 cửa hàng vào 2021 của FRT cũng không dễ để thực hiện. Ngay cả các chuỗi nhà thuốc đã thành công trên thế giới như Mercury (Philippines) hay Raia Drogasil (Brasil), cũng phải mất một thời gian dài để đạt được cột mốc này. Do vậy, việc tìm được các địa điểm phù hợp để nhân rộng thành công của các cửa hàng đầu tiên là không dễ dàng.
Từ những lý do này, VDSC cho rằng môi trường chung tại Việt Nam không thật sự ủng hộ chuỗi bán lẻ. Thành công của Long Châu sẽ phụ thuộc vào việc chiếm được bao nhiêu phần trong thị trường phân mảnh hiện tại hơn là tăng trưởng tự nhiên của ngành (dự đoán vào khoảng 12%/năm). Điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách thức triển khai của FRT.

Các tin khác