Mua CP quỹ - Nói nhiều, làm ít

Khi giá CP đang xuống quá thấp, hàng loạt doanh nghiệp (DN) công bố mua lại CP của mình làm CP quỹ. Tuy nhiên, có những DN đăng ký mua số lượng rất lớn nhưng kết quả thực hiện chẳng là bao.

Khi giá CP đang xuống quá thấp, hàng loạt doanh nghiệp (DN) công bố mua lại CP của mình làm CP quỹ. Tuy nhiên, có những DN đăng ký mua số lượng rất lớn nhưng kết quả thực hiện chẳng là bao.

Chạy theo phong trào

Nhiều NĐT đang tỏ ra khá sốt ruột trước các thông tin doanh nghiệp mua CP quỹ. Ảnh: LÃ ANH

Nhiều NĐT đang tỏ ra khá sốt ruột trước các thông tin
doanh nghiệp mua CP quỹ. Ảnh: LÃ ANH

Với giá CP thấp như hiện nay, không chỉ có cổ đông nội bộ đăng ký mua vào để nâng cao tỷ lệ sở hữu, nhiều DN cũng công bố mua lại CP quỹ nhằm bình ổn và chặn đà giảm của CP.

Theo thống kê, trong tháng 5 vừa qua đã có 412 thông tin về giao dịch mua của cổ đông nội bộ trong 205 DN với tổng giá trị 3.300 tỷ đồng, bao gồm cả những giao dịch của cổ đông chiến lược; 41 DN công bố mua lại CP quỹ với tổng giá trị 565 tỷ đồng. Phần lớn các giao dịch mua CP quỹ được thực hiện từ đầu tháng 6 và kết thúc vào tháng 9.

Những DN công bố mua CP quỹ với số lượng lớn gồm có: CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu Khí (PTL) 8 triệu CP, CTCP Cơ điện lạnh (REE) 5 triệu CP, CTCP Kinh Đô (KDC) 5 triệu CP, CTCP Mía đường Bourbon Tây Ninh (SBT) 4 triệu CP, CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) 2,5 triệu CP, CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (MCG) 2,37 triệu CP, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) 2 triệu CP, CTCP Xi măng Hoàng Mai (HOM) 2 triệu CP, CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR) 1,5 triệu CP, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) 1,36 triệu CP, CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha (ASP) hơn 1 triệu CP.


Mua CP quỹ - Nói nhiều, làm ít ảnh 2Đã trở thành phong trào DN đua nhau mua CP quỹ mỗi khi thị trường suy giảm. Việc mua CP quỹ của các DN niêm yết tác động không nhiều tới thị trường nếu so với phương thức trả cổ tức bằng tiền mặt. Với số tiền DN dự định bỏ ra mua CP quỹ, nếu thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn. Việc DN tăng tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ góp phần cải thiện thu nhập NĐT, tức tạo điều kiện cho cổ đông của mình tận dụng nhiều cơ hội tái đầu tư, cân bằng lại giá vốn đầu tư vào khi giá nhiều CP đang quá rẻ.
Mua CP quỹ - Nói nhiều, làm ít ảnh 3

Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI)

Liệu các DN này có mua đủ số CP quỹ mình đã đăng ký? Thực tế, với khối lượng đăng ký mua quá lớn như vậy, DN sẽ rất khó thực hiện đúng kế hoạch đặt ra. Dẫn chứng là trường hợp của CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (UDC). Theo kế hoạch, UDC đăng ký mua lại 1 triệu CP trong vòng 3 tháng, kể từ ngày 3-6.

Thế nhưng nhiều NĐT đang nắm giữ CP UDC tỏ ra khá sốt ruột vì kể từ ngày UDC đăng ký mua đến nay vẫn chưa thấy động thái mua lại CP, trong khi giá UDC vẫn sụt giảm mỗi ngày. Có thể dễ dàng nhận thấy điều này qua diễn biến của UDC trong phiên giao dịch ngày 6-6. Trong đợt giao dịch cuối của phiên này, xuất hiện lệnh bán UDC với số lượng hơn 2.000 CP nhưng vẫn không có bất kỳ lệnh mua đối ứng nào được đẩy vào, khiến UDC giảm sàn về cuối phiên trong sự tiếc nuối của NĐT. 

Ngoài trường hợp nêu trên, có thể dẫn chứng từ những DN đã đăng ký mua CP quỹ trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Dù số lượng đăng ký khá thấp nhưng vẫn có nhiều DN không thực hiện đúng kế hoạch với những lý do chung chung như tình hình thị trường không thuận lợi hoặc lệnh đặt mua không khớp.

CTCP Ngôi nhà mơ ước (DRH) đăng ký mua lại 1,8 triệu CP nhưng cuối cùng chỉ mua được 50% so với số lượng đã đăng ký, CTCP Sản xuất thương mại và May Sài Gòn (GMC) đăng ký mua 260.000 CP nhưng chỉ mua hơn 45.000 CP, CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) đăng ký mua 677.000 CP nhưng chỉ mua 377.000 CP.

Khó khả thi

Thông thường khi hoạt động kinh doanh đang có chiều hướng tốt, lợi nhuận bình quân cao hơn các ngành khác, các DN thường sử dụng tiền nhàn rỗi (từ nguồn lợi nhuận để lại, chưa có dự án đầu tư) để mua lại CP làm CP quỹ nhằm thể hiện sự tin tưởng vào triển vọng phát triển của DN cũng như ngành nghề của mình.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thị trường tín dụng đang bị siết chặt, việc mua lại CP quỹ sẽ dẫn tới thiếu vốn phát triển sản xuất. Tại thời điểm đăng ký mua, DN có thể có nguồn vốn nhàn rỗi, nhưng nếu gặp phải những nguy cơ rủi ro về tài chính như không thu được các khoản nợ đến hạn, rủi ro thanh khoản có thể xảy ra? Với lý do này, DN đăng ký nhiều nhưng con số thực hiện sẽ không đúng như dự tính là điều gần như chắc chắn.

Giả sử mọi chuyện suôn sẻ như dự tính, giá CP sẽ tăng khi DN mua CP quỹ, tác dụng cũng chỉ là làm đẹp một số chỉ số tài chính. Sự tăng trưởng này không được đem lại từ hoạt động kinh doanh chính và không tạo ra giá trị cho cổ đông.

Đôi khi đây chỉ là chiêu của lãnh đạo DN. Thực tế, việc dùng tiền mua lại CP của chính mình thường làm giảm vốn chủ sở hữu, giảm giá trị DN trên sổ sách kế toán, giảm lượng tiền mặt hiện có. Từ đó tạo ra nhiều bất lợi cho DN như không có khả năng đầu tư nhanh chóng, kịp thời khi có thời cơ cho các dự án mới. Xét về đầu tư dài hạn, quyết định này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của DN.

Các tin khác