Mờ nhạt kiểm toán nội bộ

(ĐTTCO) - Thuật ngữ “kiểm toán nội bộ” (KTNB) đã xuất hiện khá lâu trên thị trường tài chính, CK, nhưng để hiểu một cách tường tận lại không dễ dàng.

Thậm chí NĐT còn ví von KTNB giống như… ban kiểm soát của doanh nghiệp (DN), vì sự thầm lặng hoặc cũng có thể là mờ nhạt của những bộ phận này trong hệ thống quản trị DN (QTDN).


Làm cảnh là chính

Trước đây, chức năng của KTNB được gói gọn trong phạm vi kiểm soát những vấn đề liên quan đến BCTC của DN. Nếu như kiểm toán độc lập thường sẽ công bố chất lượng BCTC cho cổ đông, cơ quan quản lý, thì KTNB sẽ là một kênh kiểm soát phản biện trong nội bộ, thông tin, ý kiến được chuyển tải cho HĐQT, ban giám đốc… tùy theo đặc thù DN. Tuy nhiên, vai trò của KTNB hiện nay được mở rộng thêm việc giám sát hệ thống, hiệu quả hoạt động và khả năng tuân thủ mục tiêu, chiến lược… Vai trò của KTNB có thể là sự tổng hòa của 2 chức năng giám sát và tư vấn.
Chẳng hạn, khi thấy công tác kế toán có vấn đề, KTNB có thể báo cáo đồng thời tư vấn cho ban lãnh đạo DN cách thức xử lý, trong khi tư vấn lại không phải là trách nhiệm của kiểm toán độc lập.  Lý thuyết là vậy, và có lẽ cũng bắt nguồn từ năng lực quản trị của nhiều đơn vị trên thế giới đã được chuẩn hóa ở mức cao, cộng với việc DN liên tục phát triển về cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nên KTNB mới có thêm nhiều chức năng. Tại Việt Nam, bộ phận KTNB thường chỉ xuất hiện tại các DN lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực đòi hỏi sự kiểm soát, tuân thủ, cực kỳ chặt chẽ như ngân hàng, bảo hiểm, CK, công ty tài chính… Nhưng có một thực tế là KTNB vẫn chưa được xem như một thành tố trong việc nâng cao chất lượng quản trị cũng như tính minh bạch của DN. Hiểu một cách nôm na, một DN vốn đã minh bạch có thể nghiên cứu thành lập bộ phận KTNB để tối ưu hóa hoạt động quản trị, nhưng nếu không có KTNB DN vẫn minh bạch. Theo chiều ngược lại, nếu DN biến báo sổ sách, xào nấu BCTC thì dù có KTNB cũng chẳng cải thiện được gì khi vai trò của bộ phận này giống như để làm hình ảnh hơn là đi vào thực chất.  
Mờ nhạt kiểm toán nội bộ ảnh 1
Lép vế trước lãnh đạo

Theo thông lệ quản trị quốc tế, mô hình một cấp chỉ bao gồm đại hội đồng cổ đông, HĐQT, ban giám đốc và có một ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT. Tại Việt Nam, Vinamilk (VNM) chính là DN tiên phong trong việc thay đổi cơ cấu quản trị, ban kiểm soát được chuyển thành Tiểu ban kiểm toán (có tên khác là Ban KTNB trực thuộc HĐQT). Sự thay đổi của VNM, một trong những công ty được đánh giá tốt nhất Việt Nam, có thể tạo ra một xu hướng tích cực khi mô hình ban kiểm soát dù có nhiều quyền lực cũng như trách nhiệm, nhưng thực tế lại không thể phát huy. Rất khó có chuyện một thành viên trong DN tham gia ban kiểm soát có thể nói ngược, nói trái ý ban lãnh đạo, và đôi khi cũng không thủ thời gian để thực hiện đúng chức năng của mình. 
Hãy bắt đầu với 1 trong những chức năng quan trọng nhất của KTNB là giám sát hệ thống, khả năng tuân thủ, vận hành nhân sự. Nhìn vào cơ cấu quản trị hiện nay của nhiều DN, đặc biệt các DN lớn, sẽ thấy ảnh hưởng của một cá nhân như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, hoặc một người kiêm nhiệm cả 2 chức danh là cực kỳ lớn. Những con người này với năng lực, uy tín của mình có thể 1 tay điều hành và xử lý rất nhiều công tác, cấp dưới cũng nể phục cái uy mà tuân thủ. Tuy nhiên, theo thời gian và cũng có thể do khối lượng công việc ngày một nhiều hơn, chẳng hạn số lượng các công ty con, công ty thành viên gia tăng, dẫn đến nhân sự cũng tăng theo và tất nhiên không thể quản lý theo kiểu tình cảm được nữa.
Hoặc dễ hiểu hơn là khi lãnh đạo DN có sự chuyển tiếp cho thế hệ thứ 2, thứ 3, người mới lên chắc chắn sẽ có nhiều khác biệt. Về mặt uy tín, chắc chắn lãnh đạo thế hệ kế tiếp sẽ không thể có cái uy giống với những người sáng lập. Về tư duy, những nhà quản trị trẻ tuổi thường được đào tạo khá bài bản, được học hành tại nước ngoài và đã tiếp thu nhiều mô hình quản trị tiên tiến. 

Kỳ vọng dần thay đổi 

Hoạt động quản trị sẽ được số hóa tối đa  và những người đứng đầu sẽ thể hiện khả năng điều phối công việc, kiểm soát… Vai trò của KTNB vì vậy sẽ được nâng cao, do lúc này công tác giám sát, phản biện và tư vấn sẽ được thực thi liên tục. Khi không kiểm soát được bằng “ân uy” thì phải dùng hệ thống. Đặc biệt trong các ngành phát triển theo chuỗi, hệ thống như dịch vụ, bán lẻ, vai trò KTNB sẽ càng lớn vì hệ thống đơn vị thành viên sẽ “mọc” nhanh như nấm. Tuy nhiên, để KTNB có thể cất cánh, DN tạo điều kiện cho KTNB có thể phát huy tối đa chức năng của mình và điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận minh bạch thực sự. 

Một điều chắc chắn là nếu KTNB phát hiện ra những sai sót trong hệ thống và báo cáo lên ban lãnh đạo nhưng không được lắng nghe tiếp thu thì vai trò giám sát, phản biện sẽ giảm dần theo nhiệt huyết làm việc. Và điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc có thể thu hút các nhân sự giỏi về tham gia vai trò KTNB hay không. 

Cổ đông hay NĐT có thể không hiểu quá nhiều về các quy định cũng như cơ cấu hoạt động chi tiết của DN. Nhưng chắc chắn, nếu một DN có KTNB vẫn có sai phạm về BCTC, chẳng hạn BCTC trước và sau kiểm toán chuyển từ lỗ sang lãi, chênh lệch đến mức trọng yếu, có thể khẳng định hoạt động quản trị cũng như năng lực KTNB của DN đó có vấn đề.

Vấn đề ở đây có thể là DN dựng lên KTNB chỉ để ra vẻ chuyên nghiệp, còn nếu KTNB chuyên nghiệp thực sự lại chứng tỏ ban lãnh đạo DN thiếu minh bạch và không biết lắng nghe. Hay thậm chí, cổ đông có quyền yêu cầu khắt khe hơn: DN khi đã có KTNB, tức đã được kiểm toán trước, không thể chậm trễ công bố BCTC, hay BCTC có nhiều sai sót được. Chắc chắn trong tương lai gần KTNB và khả năng vận hành sẽ là chỉ báo quan trọng về chất lượng QTDN.

Các tin khác