Luật Chứng khoán: Chiếc áo pháp lý đã chật

(ĐTTCO) - Tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Chứng khoán (sửa đổi). Dù không nằm trong vấn đề lấy ý kiến, một lần nữa địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) lại tiếp tục được đưa ra mổ xẻ. 

 UBCKNN được thành lập 1996 theo Nghị định 75/CP của Chính phủ và là một ủy ban trực thuộc Chính phủ. Năm 2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định 66/2004/NĐ, chuyển UBCKNN về trực thuộc Bộ Tài chính.
Tháng 5-2006, dự thảo Luật Chứng khoán được đưa ra Quốc hội để thảo luận. Nhiều ý kiến nhất khi đó là địa vị pháp lý của UBCKNN. Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính, nhằm đảm bảo được sự gắn kết giữa chính sách tài chính nhà nước như cổ phần hóa, huy động vốn phát triển thị trường chứng khoán (TTCK)…  
Tuy nhiên, nhiều đại biểu khác lại cho rằng, để UBCKNN độc lập sẽ tạo điều kiện chủ động hơn trong việc thúc đẩy và quản lý thị trường. Và một trong những lý do được nêu ra là có 5/7 nước G7 có UBCK độc lập. Còn theo khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các UBCK (IOSCO), sự độc lập của UBCK sẽ góp phần gìn giữ sự ổn định tiền tệ và ổn định tài chính quốc gia. Nếu UBCK độc lập và được ban hành những văn bản pháp quy có tính chất quản lý nhà nước, TTCK có thể phát triển hơn. 
Luật Chứng khoán: Chiếc áo pháp lý đã chật ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Tính độc lập của UBCKNN một lần nữa cũng được nhắc đến khi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2010. Một số ý kiến cho rằng, UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính đã có những hạn chế nhất định về thẩm quyền, khó có thể xử lý nhanh nhạy những tình huống có tính phức tạp, thay đổi rất nhanh trên TTCK. 
Tuy nhiên, vấn đề địa vị pháp lý của UBCKNN lại trở nên nóng hơn trong những ngày gần đây, khi Luật Chứng khoán (sửa đổi) - được coi là Luật Chứng khoán thế hệ 2 - đưa ra thảo luận tại cơ quan thẩm tra Ủy ban Kinh tế và tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua.
Theo cơ quan thẩm tra, mô hình tổ chức của UBCKNN có 2 nhóm ý kiến. Nhóm thứ nhất cho rằng, UBCKNN cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện tại, giảm bớt các khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của UBCKNN, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế. Nhóm thứ hai cho rằng, UBCKNN trước mắt có thể trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần có lộ trình rõ ràng để chuyển thành cơ quan độc lập thuộc Chính phủ trong tương lai. 
Song quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc xác lập UBCKNN là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết. Bởi đến nay quy mô thị trường đã được mở rộng, với tốc độ tăng trưởng nhanh, cùng với những yêu cầu đổi mới và cấu trúc lại thị trường tài chính bảo đảm bền vững… Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, phần lớn các nước quy định UBCKNN có vị trí độc lập (121/128 quốc gia) và có đủ thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn.  
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, nếu UBCKNN thuộc Chính phủ sẽ nâng tầm cho UBCKNN hoạt động và tạo điều kiện tốt hơn. Bởi khi trực thuộc bộ thì bộ máy hành chính, tổng hợp hành chính… chuyển về các vụ của các bộ, nên cảm thấy bị thuộc các vụ chứ không phải thuộc lãnh đạo bộ.
Tuy nhiên, ông Định cũng nhìn nhận, nếu UBCKNN thuộc Chính phủ cũng không có nhiều tác dụng, vì cơ quan thuộc Chính phủ không có quyền ban hành văn bản quy phạm luật. Do đó, việc sửa luật phải làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho UBCKNN trong công tác tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ. 
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này được coi là Luật Chứng khoán thế hệ mới, được xác định là sửa đổi toàn diện, như nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Cởi bỏ chiếc áo pháp lý đã chật khi thị trường đã có sự tham gia của cả ngàn doanh nghiệp đại chúng, hàng triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước”. 

Các tin khác