Lợi thế đón vốn từ Hàn Quốc

(ĐTTCO) - Hàn Quốc - một trong những quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lớn nhất tại Việt Nam, đang có xu hướng chuyển dịch sang Hoa Kỳ. 
Tuy nhiên, với lợi thế cốt lõi hiện tại, Việt Nam vẫn có thể chào đón làn sóng đầu tư thứ 2 của Hàn Quốc tại Việt Nam, bất chấp nỗ lực thu hút FDI từ Chính phủ Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ: Mở rộng cửa đón Hàn
Thời gian qua, Chính phủ Hoa Kỳ đang nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bằng các biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng hàng rào thuế nhập khẩu. Những động thái trên có thể khiến các doanh nghiệp, NĐTNN cân nhắc lại kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Đáng chú ý, vào cuối tháng 11-2017, Chính phủ Hàn Quốc cho biết 42 công ty Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư tổng cộng 17,3 tỷ USD vào Hoa Kỳ trong vòng 4 năm tới. Trong danh sách này, có khá nhiều tập đoàn lớn có mối quan hệ kinh tế mật thiết với Việt Nam như Samsung, LG hay NĐT tiềm năng Hyundai Motor. 
 Hàn Quốc có cộng đồng doanh nghiệp đông đảo đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó nhiều ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ và đặc biệt là có 5 CTCK gốc do Hàn Quốc sở hữu 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối trên 90%. 
Ông TRẦN VĂN DŨNG, 
Chủ tịch UBCKNN
 
Cụ thể, Samsung cho biết sẽ chi 1,5 tỷ USD cho nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn tại bang Texas. Đáng chú ý, Samsung chưa hề có một nhà máy thiết bị nào ở Hoa Kỳ kể từ đầu thập niên 1990, sau khi hãng này đóng cửa một nhà máy sản xuất ti vi lớn. Samsung cho biết sẽ đầu tư 380 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, bao gồm cả máy giặt công nghiệp tại Nam California.
Hiện tại, bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu máy giặt công nghiệp lớn thứ 2 của Hoa Kỳ khi chiếm 13% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này, tương đương 180 triệu USD trong năm 2016. Trong khi đó, Huyndai Motor và Kia với kế hoạch đầu tư nhà xưởng sản xuất ô tô vào Việt Nam hoặc Indonesia, cũng đã thông báo sẽ đầu tư 3,1 tỷ USD vào nhà máy tại Hoa Kỳ của 2 công ty này. Lượng vốn đầu tư trên tăng 50% so với số vốn đã đầu tư trong giai đoạn 5 năm trước đó.
Lợi thế đón vốn từ Hàn Quốc ảnh 1 NĐT Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam có lợi thế tìm hiểu thông tin từ CTCK KIS Việt Nam (KIS) của người Hàn Quốc. 
Việt Nam: Lợi thế còn nhiều cho người Hàn
Nhận định về những chuyển động mới này, các chuyên gia phân tích CTCK Rồng Việt (VDSC), cho rằng dù thấp hơn kỳ vọng, nhưng với những lợi thế cốt lõi hiện tại, dòng vốn FDI vẫn sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam. Đầu tiên là sự chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia ASEAN.
Việt Nam nói riêng và các quốc gia trong khu vực nói chung đang dần thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, nhờ lợi thế về giá nhân công và vị trí địa chính trị quan trọng. Bên cạnh thị trường Hoa Kỳ, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cũng được định hướng xuất khẩu sang các thị trường rộng lớn như Trung Quốc, ASEAN và châu Âu.
Ngoài ra, những thay đổi chính sách của Trung Quốc cũng khiến các doanh nghiệp thực phẩm và bán lẻ Hàn Quốc tìm đến Việt Nam. Đáng chú ý là cái tên CJ Cheiljedang, tập đoàn thực phẩm hàng đầu tại Hàn Quốc, cho biết sẽ đầu tư 70 tỷ won để xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại TPHCM.
Không thể phủ nhận rằng, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng gắn bó chặt chẽ. Trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài 3 ngày mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jaein, một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trong chính sách “Làn gió mới phương Nam” của Hàn Quốc đề ra từ cuối năm 2017. Đáng chú ý, 2 nước thống nhất sẽ thúc đẩy thương mại song phương lên 100 tỷ USD trong năm 2020 (tăng 62% so với năm 2017 là 62 tỷ USD). Điều này hàm ý tốc độ tăng trưởng thương mại 2 chiều sẽ đạt trung bình trên 17% trong 3 năm tới. 
Thực tế, Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc và trở thành nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt các hoạt động đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực như ngân hàng - tài chính, logistics, bán lẻ… cũng như các thương vụ M&A đang ngày càng gia tăng, thể hiện sự quan tâm rõ nét đối với thị trường tiêu dùng của Việt Nam nói riêng và khu vực Asean nói chung.
Làn sóng đầu tư FII
Ngoài vốn FDI, Hàn Quốc là quốc gia có vốn đầu tư gián tiếp (FII) lớn nhất vào Việt Nam thông qua các hình thức góp vốn và mua CP trên TTCK. Theo ông JunDong Kim, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), kiêm Chủ tịch Hiệp hội các NĐT tài chính Hàn Quốc (KOFIA), Việt Nam là đối tác trọng tâm của sự hợp tác. KOFIA hiện có 200.000 thành viên là doanh nghiệp, trong đó trên 50% rất quan tâm đến châu Á và Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn nhất. 
Ông Wi Sung-ho, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Shinhan Bank, cho biết Việt Nam có nền tảng kinh tế phát triển cao và ổn định, có chính sách đầu tư cởi mở, cầu thị. Chính vì vậy, Việt Nam là quốc gia mà Shinhan Bank đã đến và có hoạt động năng động nhất. Lãnh đạo ngân hàng đến từ Hàn Quốc còn tiết lộ, bên cạnh việc chỉ đạo các hoạt động của Shinhan Bank tại Việt Nam, cá nhân ông đã đầu tư vào 1 doanh nghiệp tại Việt Nam vào tháng 10-2017 và đến nay giá trị danh mục đã tăng 30%. 
Thực tế, TTCK Việt Nam có mức tăng trưởng vượt trội trong thời gian gần đây có đóng góp không nhỏ từ dòng vốn của NĐTNN. Theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2018, khối ngoại mua ròng trên TTCK Việt Nam đạt 10.423 tỷ đồng, trong đó đóng góp một phần quan trọng đến từ các NĐT Hàn Quốc thông qua các quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam, cũng như các quỹ đầu tư chỉ số ETF. 
Theo ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Tổng giám đốc CTCK KB Việt Nam (KBS), Việt Nam đang có những điểm tích cực và lợi thế hấp dẫn các NĐT Hàn Quốc như: vị trí địa lý thuận lợi, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, TTCK ngày càng hấp dẫn nhờ chính sách cổ phần hóa và thoái vốn được đẩy mạnh. Với những thuận lợi trên, cùng sự quan tâm đặc biệt và các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao của 2 nước gần đây, xu hướng đầu tư của Hàn Quốc tới Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong nhiều năm tới, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng như các hoạt động M&A. Đây có thể là làn sóng đầu tư thứ 2 của Hàn Quốc vào Việt Nam, sau làn sóng thứ nhất thông qua vốn FDI. 
Hàn Quốc hiện nay là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Đến tháng 3-2018 tính lũy kế đã có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng thứ nhất với 59 tỷ USD, tiếp theo sau là Nhật Bản, Singapore và Đài Loan.

Các tin khác