Lộ diện những doanh nghiệp lỗ khủng

(ĐTTCO) - Bức tranh về kết quả kinh doanh (KQKD) quý II-2018 của các doanh nghiệp niêm yết ngày càng rõ nét với gam màu sáng chủ đạo. 
Thế nhưng, vẫn có doanh nghiệp đang sa lầy với những khoản lỗ khủng, thậm chí mức lỗ có thể tăng cao trong những tháng cuối năm nếu không có giải pháp hiệu quả.
Lỗ chồng lỗ
Thanh tra UBCKNN vừa có quyết định xử phạt CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) số tiền 60 triệu đồng. Nguyên nhân do TTF công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định đối với các tài liệu gồm báo cáo tài chính (BCTC) công ty mẹ và hợp nhất quý II-2017; BCTC quý I-2017; giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quý I-2017; báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2017.
 Tính tới thời điểm hiện tại, có 365 doanh nghiệp nêm yết trên sàn HOSE công bố BCTC quý II, với 88,8% doanh nghiệp có lợi nhuận tăng. Tương tự, có 379 doanh nghiệp niêm yết sàn HNX công bố BCTC quý II, với 81,8% doanh nghiệp có lợi nhuận tăng.
Việc TTF bị phạt làm tăng thêm nỗi đau của cổ đông doanh nghiệp này, sau khi đã đón nhận thông tin xấu về KQKD quý II-2018. Theo BCTC quý II, TTF báo lỗ 565 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên gần 568 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ lũy kế chưa phân phối đến hết quý II lên đến 1.927 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 301 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu trên 2.146 tỷ đồng.
Giải trình về KQKD quý II, ông Mai Hữu Tín, Tổng giám đốc TTF, đưa ra 3 nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp lỗ nặng: giá vốn tăng cao đối với hàng dở dang thi công công trình và trích lập các khoản dự phòng hàng tồn kho; chi phí tài chính tăng vì lỗ từ hoạt động chuyển nhượng vốn; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh do việc trích lập dự phòng phải thu khó đòi.
Theo thống kê, các khoản mục trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm 30-6, TTF có 428 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, giảm mạnh so với 1.537 tỷ đồng đầu năm do tăng trích lập dự phòng và phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng giảm. Trong đó, TTF ghi nhận 733 tỷ đồng phải thu khách hàng ngắn hạn, các khoản phải thu khác chiếm 255 tỷ đồng; trích lập 560 tỷ đồng, gồm 370 tỷ đồng mới trích quý II. Đặc biệt, 348 tỷ đồng phải thu khách hàng ngắn hạn đến từ nhóm 6 công ty. 
TTF cho biết đã ký thỏa thuận cam kết với nhóm công ty và các cổ đông cá nhân dùng 40,32 triệu CP TTF được nắm giữ bởi nhóm này, để đảm bảo khả năng thu hồi các khoản phải thu với tổng trị giá 290 tỷ đồng. Các khoản phải thu bao gồm phải thu khách hàng, trả trước cho người bán và phải thu về cho vay, thời hạn thu hồi và thanh toán số tiền 290 tỷ đồng là quý IV-2019.
Cũng theo lãnh đạo TTF, việc xử lý hàng tồn kho có thể khiến doanh nghiệp lỗ lớn nhưng là việc phải làm, bởi lượng tồn kho này đã tồn tại hơn 10 năm và không còn đủ chất lượng cho sản xuất. Như vậy, nếu xử lý hàng tồn kho trong nửa cuối năm 2018, khả năng cao TTF còn lỗ nhiều hơn nữa.
Lộ diện những doanh nghiệp lỗ khủng ảnh 1 Gỗ Trường Thành nằm trong danh sách DN lỗ khủng với lỗ lũy kế đến quý II lên đến 1.927 tỷ đồng. 
Nỗ lực bất thành
Theo BCTC hợp nhất quý II, CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) tiếp tục ghi nhận lợi nhuận âm 22 tỷ đồng. Kết quả này tiếp tục đẩy VOS lún sâu vào khó khăn khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 30-6 âm hơn 844,6 tỷ đồng. Về KQKD quý II, dù doanh thu thuần tăng nhẹ 5% nhưng lợi nhuận gộp của VOS rất thấp, khi tỷ suất lãi gộp biên chỉ ở mức 4%, hoạt động tài chính cũng sụt giảm mạnh với doanh thu từ các hoạt động tài chính giảm 35%.
Nguyên nhân chủ yếu do giảm lãi bán các hoạt động đầu tư, cổ tức lợi nhuận được chia và lãi chênh lệch tỷ giá so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, VOS ghi nhận 825 tỷ đồng doanh thu (tăng 13% và đạt 60% kế hoạch năm) và tiếp tục lỗ ròng 52 tỷ đồng.
Kết quả này khiến nỗ lực tái cơ cấu của VOS trở nên khó khăn hơn, dù trước đó 2 quý doanh nghiệp này ghi nhận KQKD cực kỳ ấn tượng. Cụ thể, theo BCTC quý IV-2017, VOS bất ngờ lãi đột biến gần 242 tỷ đồng. Từ KQKD này, ngay từ đầu năm 2018 HĐQT VOS tỏ ra hết sức tự tin với kế hoạch kinh doanh là “cân bằng được thu chi”.
Thậm chí, VOS còn chủ động công bố những giải pháp tái cơ cấu hoạt động trong giai đoạn 2018-2023, như tập trung nguồn lực để tái cơ cấu, trong đó tập trung tái cơ cấu nợ với các dự án vay tại ngân hàng thương mại; tái cơ cấu đội tàu theo hướng thanh lý các tàu không hiệu quả, tiếp tục thuê thêm tàu ngoài để tăng năng lực vận chuyển, tăng sản lượng; mở rộng thị trường vận tải hàng xuất nhập khẩu và chở thuê, trong đó tập trung các hợp đồng COA và hàng 2 chiều.
Cùng lâm vào hoàn cảnh tương tự VOS là CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (NOS). Theo BCTC quý II, lũy kế 6 tháng đầu năm NOS tiếp tục lỗ ròng 188 tỷ đồng (gần gấp 2 lần so với mức lỗ cùng kỳ năm 2017). Điều đáng nói, tại ĐHCĐ thường niên, HĐQT của doanh nghiệp khá tự tin với kế hoạch kinh doanh trong năm 2018, với mục tiêu doanh thu đạt 126 tỷ đồng và phấn đấu cân bằng được lợi nhuận.
Theo Tổng giám đốc Trịnh Hữu Long, mục tiêu của NOS là trở thành doanh nghiệp phát triển trên lĩnh vực dịch vụ vận tải biển, môi giới và cho thuê tàu; hoạt động hiệu quả hơn trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp theo lộ trình; tiếp tục tập trung thị trường hàng hóa xuất khẩu nông sản, than, clinker, sắt thép; đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp, khoanh nợ, giãn nợ để có cơ hội vay vốn lưu động phục vụ hoạt động của các đội tàu.

Buông xuôi
Theo BCTC hợp nhất quý III niên độ 2017-2018 (từ ngày 1-10-2017 đến 30-9-2018) của CTCP Hùng Vương (HVG), doanh nghiệp này bất ngờ báo lỗ ròng lũy kế từ đầu niên độ tới nay 347 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên trên 645 tỷ đồng. Kết quả này khiến kế hoạch lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2017-2018 của HVG xem như thất bại hoàn toàn.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2018, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, cho biết HVG sẽ thanh lý tất cả lĩnh vực kinh doanh như nuôi heo, thức ăn chăn nuôi, nuôi tôm, bất động sản để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là cá tra. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 3 quý gần đây lại cho thấy bức tranh kém sáng sủa của HVG trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Cụ thể, doanh thu xuất khẩu giảm từ 5.234 tỷ đồng xuống còn 2.682 tỷ đồng; doanh thu nội địa giảm từ 7.041 tỷ đồng xuống còn 3.761,8 tỷ đồng.
Chịu mức lỗ khủng đến thời điểm hiện tại là trường hợp Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX). Theo BCTC quý II, PVX bất ngờ báo lỗ trên 54 tỷ đồng, dù quý trước đó doanh nghiệp này có lãi. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của PVX đạt 1.601 tỷ đồng (giảm 7% và hoàn thành 42% kế hoạch năm), lợi nhuận âm 91,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 5,6 tỷ đồng).
Như vậy, tổng lỗ lũy kế đến ngày 30-6 của PVX lên đến 3.437 tỷ đồng. Năm 2018, PVX xây dựng kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng doanh thu ước đạt 3.800 tỷ đồng, đồng thời để ngỏ kế hoạch lợi nhuận do liên tục không hoàn thành kế hoạch. Năm 2017, PVX đặt kế hoạch lãi 91,72 tỷ đồng nhưng kết quả thực hiện báo lỗ hơn 416,3 tỷ đồng.

Các tin khác