LIC lận đận cả trong và ngoài sàn

(ĐTTCO) - Là doanh nghiệp xây dựng góp mặt tại nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhưng Tổng công ty Licogi (LIC) lại đang đối mặt với vô vàn thách thức, từ hoạt động kinh doanh kém hiệu quả và sự lạnh nhạt của NĐT.
 
LIC lận đận cả trong và ngoài sàn
Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục 

LIC là đơn vị chuyên ngành xây lắp thuộc Bộ Xây dựng được cổ phần hóa theo Quyết định 2243/QĐ-TTG ngày 11-12-2014, với vốn điều lệ (VĐL)  900 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng nắm 40,71%. Đến tháng 9-2015, LIC ký hợp đồng bán 35% cổ phần cho NĐT chiến lược là Công ty TNHH Kinh doanh - Bất động sản khu Đông.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài 2 cổ đông chiến lược trên, LIC còn có cổ đông chiến lược khác là Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường hiện đang sở hữu 22,24% VĐL. Hoạt động kinh doanh chính của LIC là xây dựng (chiếm gần 37% doanh thu) và vật liệu xây dựng (chiếm gần 63% doanh thu).

 Năm 2017, LIC đặt kế hoạch doanh thu 931,4 tỷ đồng (tăng 94%); lợi nhuận sau thuế 29,46 tỷ đồng, cổ tức 0%, VĐL giữ nguyên ở mức 900 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh quý I vừa được công bố, lợi nhuận tiếp tục âm hơn 40 tỷ đồng, mục tiêu 2017 của LIC khó có khả năng trở thành hiện thực.
Thời gian gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của LIC gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong năm 2016. Theo BCTC kiểm toán năm 2016, doanh thu thuần của LIC đạt xấp xỉ 2.900 tỷ đồng (giảm 6,8%) nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lại âm 414,48 tỷ đồng (năm 2015 lãi 50,3 tỷ đồng). Điều đáng nói, kiểm toán đã đưa ra 10 ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty.
Chẳng hạn, về dự án khu đô thị Nam Ga Hạ Long, tính đến ngày 1-1-2016, LIC ghi nhận tổng doanh thu lũy kế của dự án này 88,4 tỷ đồng trên cơ sở nhận tiền trả trước của khách hàng. Cơ sở ghi nhận doanh thu này chưa tuân thủ theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 và Thông tư 200 của Bộ Tài chính. Nếu LIC hạch toán theo chuẩn mực kế toán 14, số dư người mua trả tiền trước ngắn hạn sẽ tăng lên 88,4 tỷ đồng, hàng tồn kho chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tăng lên 67,9 tỷ đồng, đồng thời lợi nhuận chưa phân phối đầu kỳ tại 1-1-2016 sẽ giảm 20,5 tỷ đồng. 

Đặc biệt, trong năm tài chính kết thúc ngày 31-12-2016, lưu chuyển tiền thuần trong năm âm 142 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 803,52 tỷ đồng. Các vấn đề này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn mang tính trọng yếu, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty.
Những con số này phần nào cho thấy hoạt động kinh doanh của LIC đang gặp khó khăn, xuất phát từ các vấn đề như doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh, cho thấy sự kém hiệu quả của các khoản đầu tư tài chính. Đồng thời chi phí hoạt động kinh doanh tăng mạnh cũng cho thấy sự yếu kém trong công tác kiểm soát chi phí của LIC. 

Thanh khoản cạn kiệt

Tháng 4-2015, LIC bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 21,26 triệu cổ phần với giá đấu thành công bình quân 10.006 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, phải đến ngày 5-6 vừa qua, LIC mới chính thức nêm yết 90 triệu CP trên sàn UPCoM, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 4.900 đồng/CP. Việc chậm trễ niêm yết phần nào cho thấy những bất ổn trong doanh nghiệp. Thực tế, quá trình cổ phần hóa LIC kéo dài do nhiều yếu tố, trong đó có việc vài lần thay đổi cơ quan quản lý. 

Chẳng hạn, có thời gian LIC là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam. Sau đó tập đoàn này giải thể và LIC trở thành doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng. Đặc biệt, do có nhiều đơn vị thành viên, tài sản và dự án rải khắp cả nước, nên việc quản lý và quá trình định giá doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều dự án LIC còn bị nợ đọng, nợ khó đòi và có trường hợp phải đưa ra tòa khiếu kiện để đòi nợ. 

Việc chậm trễ niêm yết chính là nguyên nhân khiến NĐT thêm nghi ngờ về tình hình nội tại của tổng công ty. LIC vì lý do này trở nên kém hấp dẫn đối với NĐT, và mức giá chào sàn 4.900 đồng/CP (bằng 50% giá IPO) đã phần nào lý giải điều này. Thế nhưng, từ ngày xuất hiện trên sàn UPCoM đến nay, sau 10 phiên giao dịch, LIC đã không có bất cứ hoạt động mua bán nào. Giá CP rẻ bèo, thanh khoản khánh kiệt trong sự hờ hững của NĐT cũng là tình trạng chung của nhóm CP họ Licogi trên TTCK hiện tại, như CTCP Licogi 12 (L12), CTCP Licogi 14 (L14), CTCP Licogi 16.6 (LCS).

Các tin khác