Lạm phát đe dọa chứng khoán

(ĐTTCO) - Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018. 
Lạm phát đe dọa chứng khoán
Theo đó, kinh tế vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý II đạt 6,79%, cao hơn so với mức 6,2% cùng kỳ 2017 và quý II của các năm trước, nhưng chậm hơn quý I vừa qua. Tính chung 6 tháng, tăng trưởng GDP đạt 7,08%. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,78% tổng GDP (tương đương mức tăng 9,07%), khu vực dịch vụ chiếm 41,82% (tăng 6,9%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9,7% (tăng 3,93%). 
Mức tăng trưởng của quý II dù sụt giảm so với quý I nhưng không bất ngờ và vẫn được coi là tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng của nền kinh tế. Trên thực tế, mức tăng đột biến của quý I có nguyên nhân chính do tăng trưởng đột biến ở 2 doanh nghiệp FDI là Samsung và Formosa, vốn là yếu tố chỉ mang tính thời điểm. Trong khi đó, mức tăng 6,79% của quý II vẫn là mức cao nhất kể từ 2012 cho đến nay. 
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu đáng mừng về GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 lại bất ngờ tăng mạnh do nhóm hàng ăn - dịch vụ ăn uống và nhóm giao thông. Cụ thể, CPI tháng 6 tăng 0,61% so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng ăn - dịch vụ ăn uống (chiếm 36,12% quyền số rổ tính CPI) tăng 1,08% so với tháng trước; nhóm giao thông (chiếm 9,37% quyền số rổ tính CPI) tăng 1,04% so với tháng trước. Các nhóm hàng khác như nhà ở và vật liệu xây dựng, văn hóa, giải trí du lịch và giáo dục đều tăng với mức tăng vừa phải. 
Như vậy nếu so với cùng kỳ năm 2017, CPI tháng 6 tăng 4,67%. Theo nhận định của các chuyên gia CK, nếu chỉ số CPI không hạ nhiệt trong vài tháng tới, rất có thể chính sách điều hành của NHNN sẽ theo hướng thận trọng hơn thông qua việc kiểm soát cung tiền, tăng trưởng tín dụng. Chính sách thắt chặt tiền tệ này sẽ ít nhiều có tác động tiêu cực đến biến động trên TTCK.

Các tin khác