Kỹ năng nhận diện cơ hội đầu tư

(ĐTTCO)-Hiện nay, không nhiều nhà đầu tư (NĐT) nắm bắt được cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu (CP) niêm yết trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX và UPCoM. Bởi lẽ bởi họ không hiểu được yếu tố nào khiến các CP tăng giá, tiêu chí nào đánh giá CP trước khi đầu tư. 
Kỹ năng nhận diện cơ hội đầu tư
Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho việc đầu tư không hiệu quả. Chúng ta cùng nhau chỉ ra những điều cần biết đối với NĐT khi tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) để hướng tới việc đầu tư CP hiệu quả hơn.
Bên cạnh 1.615 doanh nghiệp (DN) đang niêm yết trên 3 sàn còn có rất nhiều đợt chào bán công khai lần đầu ra công chúng (IPO) trong thời gian tiếp theo. Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã đưa ra lộ trình cổ phần hóa và niêm yết các tổng công ty, công ty lớn trong năm 2020 như Mobifone, Tập đoàn Than khoáng sản Việt nam (TKV), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel)… Cơ hội ngày càng gia tăng và kỹ năng nhận diện các cơ hội là yếu tố cực kỳ quan trọng.

Cổ tức - điều kiện cần nhưng chưa đủ
Có lẽ nhiều NĐT vẫn lập luận rằng, việc chọn lựa các CP trả cổ tức cao là tiêu chí đầu tư quan trọng trong việc lựa chọn các CP. Các mã SAS, GAS, NCT, VNM, TCT… được coi là những trường hợp ghi nhận trả cổ tức bằng tiền mặt tốt trong nhiều năm gần đây.
Nhưng nếu thống kê mức độ tăng giá của các CP này trong cùng giai đoạn nhất định, chúng không phải là những cơ hội đầu tư tốt nhất, hoặc không được coi là đích đến của dòng tiền trong ngắn hạn. Đầu năm 2019, các CP ăn khách lại là những cái tên như VGI, CTR, VTP, DAH, HAH, CCL, GTN…
Nhiều CP tăng giá mạnh lại không phải là CP của các DN có chi trả cổ tức tốt, hoặc thậm chí không trả cổ tức trong nhiều năm trở lại đây. 
Vậy lý do gì khiến các CP hấp dẫn hơn đối với NĐT. Có lẽ câu chuyện về triển vọng DN, giá trị của các tài sản, hay đơn giản chỉ là các “game” M&A của DN khiến các CP trở thành tâm điểm của dòng tiền. Điều này không có ý nói rằng, chính sách cổ tức hay việc chi trả cổ tức đều đặn của DN không quan trọng với quá trình lựa chọn đầu tư.
Ngược lại, việc đánh giá DN có hoạt động kinh doanh có lãi ổn định không, có thực hiện trả cổ tức đều đặn trong nhiều năm trở lại đây không, cho dù có thể thấp, lại là lý do nên được xem xét và nghiên cứu cẩn trọng.
Những điều quan trọng hơn doanh thu, lợi nhuận tốt
 Quá trình đầu tư luôn thử thách NĐT về khả năng phân tích độc lập, kỹ năng phân tích cơ bản, kinh nghiệm giao dịch thực tế cũng như khả năng quản lý danh mục hợp lý.
Sai lầm cố hữu đối với các NĐT cá nhân là chỉ quan tâm đến những DN có kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. Sai lầm này đang khiến nhiều NĐT đã bỏ qua nhiều cơ hội tốt hơn.
Trào lưu đầu tư theo tin đồn, đầu tư theo lời khuyên của người khác, hoặc đơn giản là theo dõi tin tức DN để đưa ra các quyết định đầu tư, đã lan tràn trong đại bộ phận NĐT cá nhân. Thí dụ, những DN có thông tin lợi nhuận tốt, CP của họ đang tăng giá hoặc giá đang ở mức cao, được NĐT săn đón.
Nhưng nếu chúng ta lựa chọn các DN tốt để đầu tư, cũng có nghĩa giá CP lúc đó đôi khi lại không hề rẻ, hoặc vượt quá giá trị. Còn tiêu chuẩn đầu tư CP phổ thông nhấn mạnh vào việc hãy mua các CP tốt ở mức giá hời, không phải là CP tốt ở mức giá cao hoặc rất cao.
Nghịch lý trên TTCK là các CP cơ bản trong 1 chu kỳ bởi lý do nào đó giá trở nên thấp, NĐT rời bỏ chúng do kết quả kinh doanh yếu kém tạm thời hoặc chúng đang trong giai đoạn khó khăn. Nhiều trường hợp xảy ra với các CP CSM, DRC... (phân ngành hóa chất, cao su săm lốp), khi giai đoạn 2011-2012 gặp khó khăn đi kèm kết quả kinh doanh giảm sút. Nhưng giai đoạn 2012-2015 giá CP tăng mạnh 200-300% khi doanh thu/lợi nhuận có xu hướng gia tăng mạnh. 
Như vậy, điều đáng lưu ý ở đây, bên cạnh nền tảng cơ bản của DN là quan sát và lựa chọn DN có tình hình kinh doanh được cải thiện, ban điều hành bắt tay thúc đẩy các hoạt động sản xuất, cắt giảm chi phí, như trường hợp CTCP Thép Việt Ý (VIS). Xu hướng lợi nhuận/doanh thu được cải thiện đi kèm với mức tăng trưởng đột phá, cũng là yếu tố quan trọng khiến giá trị DN gia tăng.

Chọn CP chu kỳ, CP giá trị hay CP tăng trưởng?
Các DN tốt trong quá trình hình thành và phát triển đều trải qua nhiều thăng trầm. Giá CP lúc tăng cao hoặc lúc xuống thấp một cách phi lý. Ngoài yếu tố thời điểm mua vào CP rất quan trọng, NĐT cần hiểu về tính đặc thù của mỗi DN và ngành nghề, lĩnh vực của DN đó đang hoạt động, vận hành. Không phải CP tốt nào cũng tăng giá, hoặc không phải CP nào có kết quả kinh doanh tốt cũng tăng giá, nếu chúng ta không hiểu rõ chúng thuộc loại hình nhóm CP gì. 
NĐT chuyên nghiệp đều xếp các DN hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, công nghệ thông tin, viễn thông, phụ tùng và lắp ráp ô tô là nhóm CP tăng trưởng. FPT, CMG là những CP công nghệ đang thu hút NĐT, là những thí dụ điển hình của nhóm CP tăng trưởng. Bên cạnh đó các CP ngành dầu khí, bảo hiểm, dịch vụ tài chính được xếp vào nhóm CP giá trị, bởi đặc tính chỉ số đại diện P/E thấp và chỉ nên mua vào khi giá CP ở mức rẻ.
Ngoài ra nhóm CP chu kỳ NĐT cũng cần nhận dạng và lưu ý, đó là các nhóm CP cao su, hóa chất, săm lốp, thép. Các DN lĩnh vực này này có mức tăng giảm doanh thu/lợi nhuận theo chu kỳ kinh doanh. Chu kỳ kinh doanh thuận lợi có thể kéo dài 3-5 năm và chu kỳ khó khăn đồng pha với chu kỳ kinh tế cũng có thời gian kéo dài tương tự. 
Do vậy, lựa chọn đầu tư CP gì rất quan trọng, nhưng để ý đặc điểm của CP đó thuộc ngành nghề nào cũng quan trọng không kém. Có những CP tăng trưởng trong thời gian ngắn, nhưng có những CP tăng trưởng trong nhiều năm, hoặc chỉ tăng vài năm rồi lại vào chu kỳ giảm, là những gợi ý đối với NĐT cá nhân, NĐT chuyên nghiệp, với mục đích cải thiện hiệu quả hoạt động đầu tư hoặc đầu cơ CP trên TTCK.
Tóm lại, việc lựa chọn CP đúng và để đầu tư thành công là công việc không hề dễ dàng. Đặc biệt, việc duy trì thành tích tốt trên thị trường liên tục nhiều năm là thử thách rất lớn với nhiều NĐT. Học hỏi từ những sai lầm, tích lũy kinh nghiệm đầu tư, am hiểu phân tích cơ bản cũng như đọc, hiểu báo cáo tài chính DN và/hoặc hiểu phân tích kỹ thuật để xác định điểm mua, là những lợi thế lớn đối với NĐT cá nhân. 

Các tin khác