Kiểm soát đầu tư

(ĐTTCO) - Dù đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) hay một thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A), kiểm soát đầu tư luôn là một quá trình phức tạp và khó khăn nhất.
 
Từ ERP

Cuối tháng 6, CTCP Gỗ An Cường đã chính thức nghiệm thu và đưa vào sử dụng hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp (ERP) do Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) tư vấn và triển khai. Hệ thống ERP của An Cường (SAP ERP) đã giúp công ty có thông tin đồng nhất, minh bạch, giảm thiểu rủi ro tài chính thông qua công cụ lập kế hoạch, kiểm soát thực hiện và ra quyết định mọi lúc mọi nơi.
Đồng thời, hệ thống này sẽ cải tiến quy trình hoạt động, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có. Nhưng để có được thành quả như vậy, ông Lê Đức Nghĩa, Tổng giám đốc An Cường, cho biết đã phải trải qua một quá trình cực kỳ gian khổ giữa doanh nghiệp và đơn vị nhà thầu thực hiện ERP, vị này ví von: “Việc triển khai SAP ERP khó hơn việc vượt qua bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong ngành gỗ trong 23 năm hoạt động”. 

Câu nói này có phần cường điệu, nhưng cũng phản ánh rõ nét sự khó khăn khi triển khai ERP tại các doanh nghiệp nói chung, với mục tiêu hướng đến kiểm soát hoạt động quản trị doanh nghiệp. Khoảng 1 năm trước, VinaCapital cùng một quỹ đến từ Đức đã đầu tư khoảng 30 triệu USD vào An Cường và việc công ty gỗ này hoàn thành SAP ERP có thể xem như một hệ quả tất yếu tích cực của thương vụ.
Thẳng thắn mà nói, VinaCapital dù có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, nhưng chắc chắn không thể am tường ngành gỗ giống ông Lê Đức Nghĩa, dù vậy nếu có một công cụ đủ mạnh để kiểm soát, đơn vị này hoàn toàn có thể theo dõi hoạt động của doanh nghiệp. Và việc một quỹ giải ngân vài chục triệu USD cần công cụ để kiểm soát, theo dõi các khoản đầu tư của mình cũng là điều bình thường. 

Ảnh minh họa:  LONG THANH 

Đến tái cấu trúc

Ông Lê Đức Nghĩa cũng chia sẻ một kinh nghiệm xương máu: Muốn triển khai ERP thành công, trước tiên phải tái cấu trúc doanh nghiệp thành công. Một trong những rào cản ngăn trở doanh nghiệp thành công với ERP chính là sự thiếu minh bạch trong sổ sách kế toán, có thể kể ra chính là thói quen có 2 hệ thống sổ sách kế toán tại một số doanh nghiệp. Thường khi có NĐT bên ngoài tham gia, lúc tiến hành thẩm định doanh nghiệp yêu cầu đầu tiên chính là việc phải được xem sổ thực, doanh thu thực, lợi nhuận thực. Không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng với việc này.
Và thậm chí, khi sổ sách được đưa ra, có những khúc mắc xuất hiện, việc tìm cách xử lý như thế nào cũng tốn rất nhiều thời gian. Đó là chưa kể mâu thuẫn giữa một bên là những cổ đông sáng lập và các cổ đông mới. Đôi khi mâu thuẫn không phải xuất phát từ quyền lợi, mà chỉ một vài câu nói và thái độ giữa 2 bên có thể khiến thương vụ bị đổ bể. Đó cũng là lý do khiến các quỹ đầu tư đến gặp doanh nghiệp, thỏa thuận đầu tư, nhưng sau 1 năm thẩm định lại chào thua vì không thể  nào xử lý xổ sách kế toán. 

Câu chuyện này không chỉ là thách thức với những doanh nghiệp lớn, mà ngay cả với những dự án startup. Chị Đỗ Thùy Trang, người sáng lập kiêm điều hành dự án startup chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cho mẹ bầu và em bé có tên BloomySpa, chia sẻ: “Làm startup nghĩa là phải theo đuổi những ý tưởng mới lạ, cũng như đảm bảo hệ thống được vận hành thông suốt, ít người nhưng phải làm nhiều việc. Điều hành startup có muôn vàn công việc quan trọng phải thực hiện, nếu không có ý thức chuẩn hóa hệ thống kế toán ngay từ ban đầu về sau sẽ rất khó thực hiện. Một ý tưởng kinh doanh mới lạ sẽ không thể tồn tại nếu không đảm bảo được nguồn tài chính”.
Được biết dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cho mẹ bầu hiện nay chỉ mới có 2 đơn vị tại TPHCM thực hiện và chị Đỗ Thùy Trang cũng cho biết sẽ cần rất nhiều thời gian để giới thiệu đến với các khách hàng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dòng tiền đầu tư cho dự án sẽ phải có tính chất lâu dài và phải được lên kế hoạch chi tiết. Nghĩa là chuẩn hóa hệ thống kế toán, xây dựng cơ chế kiểm soát đầu tư trước tiên có lợi cho chính những người sáng lập dự án startup.

Hiện nay có rất nhiều dự án startup được triển khai và có cơ chế hoạt động khá giống nhau từ cách vận hành đến ý tưởng, nhưng có dự án thành công, có dự án chưa thành công, hoặc thất bại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các kết quả này nhưng chắc chắn không thể thiếu việc kiểm soát đầu tư.
Nói đơn cử, các chuỗi cửa hàng ăn uống, cà phê liên tục được mở rộng trong thời gian gần đây, việc mở chuỗi gần như là bắt buộc. Nếu các nhà sáng lập startup muốn bán hoặc gọi vốn phải có một số lượng chuỗi lớn, hoặc ngược lại, khi nhận được vốn yêu cầu của NĐT là phải mở theo chuỗi. Một điều chắc chắn, khi đã mở chuỗi, nếu không có một hệ thống quản trị tốt sẽ thất bại, và nếu các NĐT không có cơ chế kiểm soát hiệu quả cũng khó lòng hy vọng có được thành công. Việc mở chuỗi phải dựa trên nền tảng kiểm soát tài chính, công nghệ, vận hành hiệu quả.
Từ nay sẽ khó có chuyện dòng vốn tìm đến những chuỗi hay hệ thống sau đó mới tiến hành tái cấu trúc, vậy nên yêu cầu về việc kiểm soát đầu tư giờ đây trở thành bắt buộc để doanh nghiệp hay các dự án startup thành công.

Các tin khác