Khó lướt sóng ngành

(ĐTTCO) - Trong khoảng 3 năm trở lại đây, TTCK liên tục đón nhận những đợt sóng ngành dẫn dắt thị trường, như xi măng năm 2014, ngân hàng và nhóm hưởng lợi từ TPP năm 2015, thép năm 2016. 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có nhóm ngành nào thật sự vượt trội, nên việc lựa chọn CP của NĐT gặp nhiều khó khăn. 

Theo đánh giá của giới đầu tư, dù TTCK liên tục tăng điểm và thanh khoản nhưng thị trường rất khó đoán định. Càng khó hơn khi từ đầu năm đến nay không có sóng ngành nào thật sự nổi bật để NĐT có thể đặt trọn niềm tin, dù số doanh nghiệp mới niêm yết tăng cao.
Trong phân tích mới nhất vừa được CTCK VNDirect (VNDS) công bố cũng nhắc đến yếu tố này. Cụ thể, dù chưa có sóng ngành tạo sự khác biệt nhưng nếu chọn lựa đúng mã CP tốt trong trong từng ngành, NĐT vẫn có khả năng chiến thắng. Cũng theo VNDS, xét về tiềm năng, ngân hàng, hàng không, vật liệu xây dựng, điện và phân bón sẽ là những nhóm ngành có thể tạo nên sự khác biệt trong thời gian tới. 
Vốn hóa toàn thị trường tính đến thời điểm cuối quý III đạt 121 tỷ USD (tăng 41,7% so với cuối năm 2016); quy mô thị trường CP đạt 61,3% GDP so với 38,5% GDP trong cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp mới niêm yết trong 9 tháng với tổng trị giá 16 tỷ USD đã phần nào đóng góp cho sự tăng trưởng quy mô của thị trường.
Đối với nhóm CP ngân hàng, các ngân hàng có cơ cấu vốn lành mạnh, thanh khoản tốt sẽ tiếp tục hoạt động ổn định trong bối cảnh nới lỏng tín dụng.
Theo thống kê của CTCK Maybank KimEng (MBKE), lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2017 của toàn ngành ngân hàng đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 39%; lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh 15,8%; tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên tăng lên mức 2,8% (cùng kỳ năm 2016 là 2,7%); lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tăng khoảng 30,2% so với cùng kỳ; tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng/tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng khoảng 49% (giảm từ 53% cùng kỳ năm 2016).
Trong 12 ngân hàng niêm yết chỉ có lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BID) giảm 3,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (STB) tăng mạnh nhất 392,8%, nhưng lại có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hiện nay là 6% (các ngân hàng khác dưới mức 3%). Tuy nhiên, việc lãi suất tăng mạnh để kiềm chế lạm phát có thể làm tăng trưởng tín dụng chậm lại, nên đây vẫn là rủi ro cần cân nhắc khi đầu tư vào CP ngân hàng.
Khó lướt sóng ngành ảnh 1 NĐT theo dõi giá CP. 
Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục tăng trưởng mạnh sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không gia tăng lợi nhuận. Một trong những doanh nghiệp hưởng lợi là CTCP Hàng không Vietjet (VJC).
Dự báo, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tăng thu nhập từ dịch vụ phụ trợ/hành khách tăng và đội bay tăng trưởng nhanh. Để đón đầu cơ hội này, VJC đã lên kế hoạch mở rộng đội bay nhanh thông qua hoạt động bán - thuê lại (SLB).
Theo kế hoạch, VJC sẽ tăng thêm 14 máy bay trong năm 2017 và 37 chiếc trước năm 2019. Song song đó, VCJ cũng chú trọng cải thiện hiệu suất bằng việc triển khai máy bay mới như Boeing 737 Max 200 kể từ năm 2019. Trong khi đó, vị thế độc quyền và phí dịch vụ hành khách nội địa chuẩn bị tăng, là những yếu tố có thể giúp Tổng CTCP Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng giá dịch vụ. 
Điện là ngành then chốt có liên quan đến toàn bộ nền kinh tế hiện đang tăng trưởng 10-12%/năm. Tuy nhiên, các nhà máy điện đang phải chịu rủi ro về giá nhiên liệu đầu vào và điều kiện thời tiết, nên lợi thế thuộc về doanh nghiệp không chịu rủi ro đầu vào và ít phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Với các điều kiện này, CTCP Xây lắp điện 1 (PC1) được giới đầu tư đánh giá cao.
Tiềm năng tăng trưởng của PC1 trong năm 2018 đến từ số lượng hợp đồng đã ký, lộ trình xây dựng hạ tầng phân phối truyền tải điện của Chính phủ, các nhà máy thủy điện sắp hoàn thiện và chuẩn bị hòa lưới điện quốc gia. Tuy vậy, rủi ro chính của PC1 là các dự án hạ tầng bị trì hoãn do áp lực ngân sách nhà nước và tình trạng hạn hán có thể xảy ra trong năm tới.
Trong khi đó, động lực tăng trưởng cho ngành phân bón đến từ giá bán tăng và sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực nông nghiệp vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và tình trạng xâm mặn năm 2016. Nếu đặt lên “bàn cân” so sánh, CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) được đánh giá cao hơn Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM). Bởi lẽ DCM được đảm bảo về giá khí đầu vào (đảm bảo ROE) và có thị phần lớn ở khu vực ĐBSCL, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt hạn hán năm ngoái và dự báo năm nay nông nghiệp của khu vực này sẽ phục hồi.
Ngoài ra, giá phân đạm thế giới trở lại chu kỳ tăng cũng giúp giá bán trung bình tăng. Tuy vậy, yếu tố rủi ro cho DCM là việc Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) thay đổi chính sách giá khí, thời tiết không thuận lợi trong năm 2018 và tình trạng dư cung trên thị trường phân đạm.
Đối với ngành vật liệu xây dựng, CP thép luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư vì đây là ngành được hưởng lợi nhờ sự hồi phục của giá thép thế giới và hoạt động xây dựng trong nước. Giá thép thế giới dự báo vẫn tăng cao trong vài quý tới do hoạt động đầu tư xây dựng nhà máy và phát triển cơ sở hạ tầng sẽ bù đắp cho thị trường bất động sản chững lại.
Trong nhóm CP thép, CTCP tập đoàn Hòa Phát (PHG) giữ vị thế quan trọng trong ngành xây dựng nhờ sở hữu chuỗi sản xuất khép kín và định giá rẻ. Rủi ro có thể là giá thép sụt giảm và doanh nghiệp thép đua nhau bán phá giá, hoặc thị trường bất động sản trong nước chững lại nhanh hơn dự báo.

Các tin khác