Khó khăn tạm thời

(ĐTTCO) - Tuần qua, VN Index liên tục bị thử thách quanh khu vực 740 điểm và biến động của nhiều CP cũng cho thấy thị trường đang bước vào một giai đoạn khó khăn tạm thời.
 
Trụ cột nghỉ ngơi

PLX (Petrolimex), tác nhân quan trọng giúp VN Index vượt qua 730 điểm rồi 740 điểm, nhưng suốt tuần vừa rồi chỉ quanh quẩn ở ngưỡng 60.000 đồng/CP. Điều đáng nói là lực mua ròng của khối ngoại tại PLX cũng có sự sụt giảm khi khối lượng chỉ đạt từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn CP cho mỗi phiên.
Trong khoảng 10 phiên gần nhất, đã có 2 phiên NĐTNN bán ròng PLX, dù khối lượng không đáng kể. Xu hướng này thực ra không bất ngờ vì PLX đã tăng khoảng 30% chỉ trong chưa đầy 1 tháng. Tuy nhiên, sự chững lại của PLX để ngỏ khả năng về một giai đoạn các trụ cột sẽ tạm nghỉ ngơi, qua đó tác động đến đường đi của VN Index. 

Điều này càng được củng cố nếu xem xét giá của 2 CP cũng có tác động rất lớn đến vốn hóa là VNM (Vinamilk) và SAB (Sabeco). Khi VNM từ 140.000 đồng/CP tăng lên 150.000 đồng/CP một cách tương đối dễ dàng, nhiều kỳ vọng đồng thời cũng xuất hiện về khả năng CP này có thể tiếp tục tăng, nhưng cho đến giờ 150.000 đồng/CP vẫn là vùng đỉnh trong 1 năm của CP này.
Trong 2 ngày 30 và 31-5, VNM đã giảm xuống dưới ngưỡng 150.000 đồng/CP nhưng đã sớm vượt lên lại trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6. Nghĩa là mới cách đây 1 tuần trở về trước, các trụ góp sức để VN Index tăng giá nhưng hiện nay sẽ chỉ còn luân phiên giữ giá, và như vậy VN Index cũng không dễ gì bật lên trong thời gian ngắn nữa. Điển hình như SAB (Sabeco) mặc dù đã giảm xuống dưới 200.000 đồng/CP về 190.000 đồng/CP rồi bật lên, nhưng cũng chưa thể lấy lại mốc 200.000 đồng/CP. 

VNV và các mã trụ cột khác đang tạm thời "nghỉ ngơi". 

CP nóng hạ nhiệt

Phiên 2-6, HCM (CTCK HSC) trở thành một trong những CP tăng tốt nhất thị trường khi từ mức giá hơn 41.000 đồng/CP tăng lên 44.500 đồng/CP. Thực ra mức giá 44.500 đồng/CP của HCM cũng chỉ là mức giá đỉnh được thiết lập vào ngày 22-5. Những ngày qua có những lúc HCM điều chỉnh xuống vùng giá 40.000 đồng/CP trước khi phục hồi trở lại.
Một CP nóng của dòng CK khác cũng hạ nhiệt là SHS. Sau khi tăng mạnh từ vùng giá 8.000 đồng/CP lên 11.000 đồng/CP, mã này lại điều chỉnh xuống vùng 10.000 đồng/CP sau đó mới quay trở lại ngưỡng 11.000 đồng/CP. Thực ra những đợt phục hồi của HCM hay SHS cũng chưa thể khẳng định được sẽ có thêm sóng cho những CP này hoặc cho cả nhóm hay không.

Điều này đã được thể hiện rất rõ qua trường hợp của HSG, CP dẫn dắt của ngành tôn-thép. Phiên 29-5, CP này tăng kịch trần lên 31.850 đồng/CP, nhưng ngày hôm sau lại điều chỉnh xuống gần 30.000 đồng/CP, đến phiên cuối cùng của tháng 5, HSG lại tiếp tục tăng trần lên 32.800 đồng/CP, nhưng 2 phiên đầu tháng 6, HSG lại giảm xuống 32.000 đồng/CP.
Nhìn một cách tổng thể HSG vẫn đang tăng, nhưng tỷ lệ lại không đáng kể, đặc biệt hơn cả là những phiên tăng giảm với biên độ khá lớn lại xuất hiện đan xen lẫn nhau khiến các NĐT gặp trạng thái áp lực về tâm lý cũng như giao dịch. Thứ nhất, trong bối cảnh thị trường hiện nay, NĐT chỉ biết chắc mình có lãi vào ngày T+4 khi CP chính thức về tài khoản, còn nếu không mua đó lãi đó nhưng có thể lỗ trở lại do biến động CP quá mạnh.
Mặt khác, có thể vào ngày T+4, đầu phiên giá CP giảm hơn so với giá mua, tạo ra áp lực cắt lỗ rất lớn khiến NĐT phải hành động, nhưng đến chiều giá phục hồi trở lại và NĐT sẽ chịu tâm lý bán hớ, và các giao dịch sau đó lại trở nên kém chính xác.

Biến động lớn

Phiên 30-5, VN Index đã giảm mạnh nhất nếu tính từ đầu năm khi mất 8 điểm xuống 738 điểm, thủng mốc 740 điểm. Thực tế, 740 điểm không phải là một mốc điểm quan trọng của VN Index và việc điều chỉnh này có thể xem là hệ quả khi “ý định” chinh phục 750 điểm bất thành. Khi những biến động lớn xuất hiện tất yếu sẽ dẫn đến những sự thận trọng trên thị trường và tất yếu sẽ có 2 xu hướng hành động trong những ngày sắp tới. 

Thứ nhất, lực bán ra có thể sẽ tăng cường mạnh hơn và ép cho CP có thể có những biến động chênh lệch lên đến 10%. Điều này cũng đồng thời tạo ra cảm giác rẻ tạm thời cho CP nếu so với mức giá khoảng 10 phiên gần đây, kích thích lực mua vào và giữ cho giá CP cũng như VN Index không giảm sâu nữa.
Tuy nhiên, khi các trụ của thị trường chưa bộc lộ khả năng bứt phá cộng với việc thị trường đã tăng quá tốt trong tháng 5, diễn biến của thị trường chung sẽ thiếu sự khởi sắc. Vì vậy tại những thời khắc quan trọng, bên bán có thế nắm thế chủ động. Một kịch bản bi quan có thể xuất hiện ở đây là VN Index sẽ từng bước điều chỉnh xuống các khu vực 735 điểm rồi 730 điểm, xen kẽ những phiên phục hồi nhưng không bứt phá. 

Thứ hai, kỳ vọng của thị trường trong những ngày đầu tháng 6 sẽ phụ thuộc nhiều những thông tin liên quan đến ngành và từng CP. Tháng 6 là tháng cuối cùng của quý II và ít nhất phải đến giữa tháng những tín hiệu về KQKD quý II mới xuất hiện để tạo ra kỳ vọng cho CP. Trong khi đó các thông tin ngành nếu có xuất hiện sẽ có tác động củng cố những kỳ vọng cho việc tăng giá của CP trước đó hơn là tạo ra một lực đẩy mới. Dù vậy, những bất ngờ vẫn có thể xuất hiện tại một vài CP riêng lẻ, nhưng khả năng tìm kiếm sẽ trở nên khó khăn, tỷ lệ lợi nhuận cũng sẽ giảm.

Như vậy, khả năng VN Index trong tuần vẫn sẽ có những phiên tăng giảm đan xen lẫn nhau, nhưng mốc 730 điểm có thể bị thử thách nhiều hơn. Dòng tiền cũng sẽ dịch chuyển xung quanh những CP penny hoặc mid cap để tìm kiếm cơ hội và sẽ tích lũy ở nhóm CP vốn hóa lớn.

Các tin khác